Kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống Lực lượng thanh niên xung phong (1950 - 2019)

Thanh niên xung phong 3 lần được cấp bằng sáng tạo

09:17 - Thứ Năm, 11/07/2019 Lượt xem: 10956 In bài viết

ĐBP - Thực hiện nhiệm vụ xây dựng công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm, từ năm 1965 - 1969 với nhiều sáng kiến góp phần giảm sức người, tăng năng suất lao động, năm 1968 anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh tiếp tục ở lại Ðiện Biên, đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau và luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Do vậy anh đã 3 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo. Ðó là thanh niên xung phong (TNXP) Trần Công Chính, hiện dù đã ở tuổi ngoài 70 nhưng ông vẫn đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Ðiện Biên.

 

Ông Trần Công Chính bên bàn làm việc.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hưng Yên giàu truyền thống, năm 1965 hưởng ứng phong trào “Thanh niên 3 sẵn sàng” - sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ gì khi Tổ quốc cần… Người thanh niên Trần Công Chính tạm biệt quê hương, gia đình  xung phong lên Ðiện Biên. Trong thời gian xây dựng công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm, ông Chính giữ vai trò là Tổ trưởng “Tổ lao động Xã hội chủ nghĩa”. Ðó là tổ lao động mẫu luôn hoàn thành một cách tốt nhất nhiệm vụ, dẫn đầu trong các phong trào thi đua. Sau đó đơn vị của ông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng các hồ chứa, công trình thủy lợi để cung cấp nước cho cánh đồng Mường Thanh. Suốt cả cuộc đời bền bỉ lao động, sáng tạo đến năm 2008 ông được Nhà nước cho nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia công tác tại phố, phường. Tháng 4/2014, ông được giới thiệu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP. Ðiện Biên Phủ, sau đó làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Ðiện Biên. 

Chúng tôi gặp ông vào một buổi chiều đầu tháng 7. Trong căn phòng khiêm tốn tại trụ sở Hội nằm khuất trong con ngõ nhỏ thuộc phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ, ông Chính đang tất bật với đống hồ sơ, báo cáo. Bao năm trôi qua nhưng đến giờ ông vẫn không quên được hình ảnh người đồng đội đầu tiên hi sinh khi làm nhiệm vụ nổ mìn phá đá cho đến sự hi sinh anh dũng của 7 thanh niên trai tráng khi đang làm nhiệm vụ trên công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm thì bị bom Mỹ đánh phá… Những hình ảnh đó đã ám ảnh suốt cuộc đời và ông tự nhủ lòng mình phải luôn cố gắng sống, cống hiến và phát huy truyền thống anh dũng của lực lượng, để xứng đáng với sự hi sinh của đồng đội.

Trong muôn vàn khó khăn gian khổ để ngăn dòng nước, xây dựng nên công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm có quy mô lớn thứ 2 ở miền Bắc lúc bấy giờ (chỉ đứng sau công trình Thủy lợi Bắc Hưng Hải), thanh niên Trần Công Chính đã nghiên cứu, sáng kiến ra hệ thống ròng rọc để vận chuyển đất từ trên núi xuống. Vì đất để đắp đập phải là đất sét, quãng đường vận chuyển từ trên núi đến khu vực thi công lại rất xa nên hệ thống ròng rọc do ông sáng kiến đã giảm thiểu được sức người, tăng năng suất lao động và đẩy nhanh tiến độ. Ông còn tận dụng những miếng gỗ loại để thiết kế thành công hệ thống máng vận chuyển đất sét từ trên đồi xuống nhanh chóng và hiệu quả. Với những sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực và to lớn như vậy, năm 1968 ông Chính đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm, ông Chính và đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước như: Hồ Hồng Sạt, Pá Khoang, Huổi Phạ… để phục vụ phát triển kinh tế ở vùng lòng chảo Ðiện Biên. Sau đó ông được chỉ định giữ cương vị Trưởng phòng Quản lý kinh tế, năm 1985 được cử làm Phó Giám đốc Công ty quản lý Thủy nông Ðiện Biên đến năm 2008. Với nhiệm vụ quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi và thu thủy lợi phí trong suốt hơn 20 năm, Công ty luôn đảm bảo an toàn các công trình và thu thủy lợi phí đạt 100% kế hoạch. Song song với đó ông Chính còn được giao quản lý và khai thác lòng hồ Pá Khoang trong một điều kiện hết sức khó khăn. Một đơn vị khác đã khai thác nhiều năm không hiệu quả mặc dù đã 4 lần thay giám đốc nhưng vẫn luôn ở trong tình trạng đối diện với nguy cơ phá sản. Vậy mà, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã đưa sản lượng khai thác từ 20 tấn cá/năm lên trên 100 tấn cá/năm, tạo việc làm thu nhập ổn định cho trên 50 lao động. Khẳng định năng lực qua nhiều vị trí công tác, năm 1993, ông tiếp tục được tỉnh và công ty giao 415ha đất đồi trọc ở khu vực quanh lòng hồ Pá Khoang để khoanh nuôi, bảo vệ. Sau 11 năm, toàn bộ khu vực đã trở thành cánh rừng xanh tốt, tạo môi trường sinh thái trong lành và thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng và góp phần tạo vành đai chống lũ, cung cấp và bảo vệ nguồn nước cho lòng hồ.

Với những nỗ lực và thành tích đã đạt được trong lao động, ông Trần Công Chính đã 3 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng sáng tạo trong các lĩnh vực: nuôi trồng thủy sản, khoanh nuôi bảo vệ rừng và quản lý kinh tế.


Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top