Khó chuyển hướng đào tạo nghề cho lao động ở TX. Mường Lay

08:58 - Thứ Sáu, 19/07/2019 Lượt xem: 12604 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Ðề án Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Ðề án 1956 của Chính phủ), những năm qua, TX. Mường Lay đã đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho lao động địa phương. Ða số lao động sau đào tạo đã biết áp dụng kiến thức vào sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; một số lao động đã có việc làm ổn định. Tuy nhiên, phần lớn nghề đào tạo là nghề nông nghiệp nên năng suất lao động, thu nhập không cao, việc chuyển đổi ngành nghề đào tạo cho lao động địa phương từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp rất khó khăn vì lao động không có nhu cầu học nghề và khó tìm việc làm sau đào tạo.

 

Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Mường Lay hướng dẫn học viên kỹ thuật chăm sóc dê.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn, hàng năm TX. Mường Lay đều chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức điều tra, rà soát nhu cầu để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương. Việc điều tra được thực hiện từ các khu dân cư tới từng hộ gia đình để đảm bảo nghề đào tạo sát với nhu cầu lao động. Số lượng lao động đăng ký học nghề tương đối đông, song chủ yếu tập trung vào các nghề nông nghiệp; trong khi lao động học nghề phi nông nghiệp rất hạn chế, không đủ số lượng mở lớp. Ðây là trở ngại lớn trong chuyển dịch cơ cấu lao động bởi thị xã diện tích đất sản xuất nông nghiệp không còn nhiều. Ông Lương Văn Soạn, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Mường Lay cho biết: Từ năm 2018 đến nay, thị xã không mở được lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp nào mà chỉ mở được 7 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 220 lao động địa phương. Những năm trước, thị xã mở được một số lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, như: Cơ khí, xây dựng, điện nước từ nguồn kinh phí tái định cư chuyển đổi ngành nghề nhưng số lao động tham gia học nghề không nhiều (chỉ khoảng hơn 300 người).

Theo ông Lương Văn Soạn, nguyên nhân khiến việc chuyển hướng đào tạo nghề cho lao động địa phương từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp gặp nhiều khó khăn là do địa bàn nhỏ nên nhu cầu tuyển dụng thợ sửa chữa, xây dựng rất ít dẫn đến khó tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, do hoàn cảnh gia đình, tập quán sản xuất, người lao động không muốn đi làm ăn xa; một số người sau khi đào tạo đã vay vốn làm dịch vụ sửa chữa xe máy, hàn xì nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống nên cũng đành bỏ ngang... Số lao động muốn học nghề nông nghiệp đông vì sát với điều kiện thực tế, những kiến thức đã học có thể áp dụng ngay vào việc chăn nuôi, trồng trọt của gia đình. Mặc dù không phải ai cũng thành công nhưng thực tế đã có những trường hợp phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình. Ðiển hình như anh Ðỗ Văn Vinh, tổ dân phố 6, phường Sông Ðà. Mặc dù có mong muốn được học nghề phi nông nghiệp nhưng sau khi xem xét điều kiện của gia đình và nhu cầu việc làm của địa phương anh đã chuyển sang học lớp chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm. Sau khi học nghề, anh vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã để đầu tư nuôi gà, vịt. Nhờ biết áp dụng kiến thức đã học vào chăn nuôi, từ 200 con ban đầu, đến nay sau 2 năm phát triển quy mô đàn gia cầm của gia đình anh đã lên tới hơn 1.000 con. Năm 2018, thu nhập từ đàn gia cầm đạt gần 40 triệu đồng, cộng thêm nguồn thu từ ao cá, chăn nuôi bò sinh sản, lợn thịt, tổng thu nhập của gia đình anh đạt hơn 150 triệu đồng.

Không thể phủ nhận hiệu quả khi chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp sẽ giúp người lao động khu vực nông thôn nâng cao năng suất lao động, tăng nguồn thu nhập. Nhưng trên thực tế việc chuyển hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở TX. Mường Lay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, đòi hỏi các cấp chính quyền thị xã cần có những giải pháp hiệu quả như làm tốt công tác giới thiệu việc làm sau đào tạo, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm... Từ đó, thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề phi nông nghiệp để nâng cao hiệu quả lao động, tăng nguồn thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Bài, ảnh: Ðức Thái
Bình luận
Back To Top