Cùng suy ngẫm

Phải từ ý thức người chăn nuôi

08:42 - Thứ Hai, 29/07/2019 Lượt xem: 11487 In bài viết
ĐBP - Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện hơn 4 tháng qua và lan rộng ra các địa phương trong tỉnh gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp và đời sống của một bộ phận người dân. Ðến nay, dịch này đã xuất hiện tại 10 huyện, thị xã, thành phố với tổng số lợn mắc bệnh tiêu hủy 10.403 con (chiếm 2,5% tổng đàn trước khi có dịch).

Dù các ngành, các cấp trong tỉnh đã rất quyết liệt giám sát, phát hiện sớm, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch, nhưng trên thực tế dịch bệnh vẫn tiếp tục phát sinh, thậm chí tái phát ở những vùng dịch cũ. Toàn tỉnh có 6 xã có dịch đã qua 30 ngày (Noong Hẹt, Sam Mứn, Thanh An (huyện Ðiện Biên); Chiềng Sinh, Nà Sáy (huyện Tuần Giáo); Xuân Lao (huyện Mường Ảng) sau đó lại phát sinh lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Do chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị, trong khi vi rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát. Một nguyên nhân nữa cơ quan thú y cho rằng, do chăn nuôi lợn tại các địa phương trong tỉnh chủ yếu nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư, không đảm bảo an toàn sinh học khiến mầm bệnh dễ phát tán ra diện rộng… Do đó, việc xác định hết dịch tả lợn châu Phi là rất khó khăn, dù số lợn phải tiêu hủy có xu hướng chậm lại; song nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng là hoàn toàn có thể; nhất là đối với các huyện phát dịch sau, như: Mường Nhé và Nậm Pồ.

Chính vì vậy, cùng với việc chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thì ý thức của người chăn nuôi cần phải được nâng lên, trách nhiệm hơn để đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Mỗi hộ chăn nuôi cần tự đảm bảo an toàn cho đàn lợn bằng cách thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Bởi dù có chính sách hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng xét cho cùng chủ vật nuôi vẫn là người thiệt thòi nhất. Không chỉ đơn thuần vì giá trị hỗ trợ không bằng giá thị trường mà cái chính là người chăn nuôi buộc phải dừng việc tái đàn và xử lý các hệ lụy của dịch bệnh.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top