Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động

08:29 - Thứ Tư, 31/07/2019 Lượt xem: 10367 In bài viết
ĐBP - Do chưa hiểu rõ tầm quan trọng của an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) nên việc sử dụng bảo hộ lao động (BHLÐ) của một bộ phận người lao động cũng như người sử dụng lao động chưa được chú trọng. Ðiều đó tiềm ẩn tai nạn lao động, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.

 

Ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho ông Nguyễn Trọng Tấn, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) bị tai nạn, mất sức lao động 97%.

Tại một số công trình xây dựng đang thi công trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, việc sử dụng các trang bị BHLÐ của người lao động thường không đồng bộ; thậm chí người lao động cố tình không sử dụng BHLÐ. Quan sát một ngôi nhà 3 tầng đang trong quá trình thi công ở phường Mường Thanh, chúng tôi thấy tốp thợ 8 người hoàn toàn không sử dụng phương tiện BHLÐ. Nguy hiểm hơn là trong quá trình làm việc ở độ cao gần chục mét, người thợ ngoài việc phải leo mấy lần cầu thang chưa có lan can, còn phải trèo lên một chiếc thang được đóng sơ sài bằng những thanh gỗ mỏng. Vật liệu được chuyển lên bằng dây tời với hai cây gỗ buộc chéo nhau cắm chênh vênh, người lao động không quần áo bảo hộ, khẩu trang che chắn, găng tay, mũ nón... Ðây là những hình ảnh phổ biến ở nhiều công trình xây dựng không chỉ ở khu vực trung tâm đô thị. Anh Lường Văn Dọn, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) một trong những lao động đang thi công công trình tại phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: “Là lao động phổ thông, đi làm theo nhóm thợ, chúng tôi không để ý tới các đồ BHLÐ. Hơn nữa do lao động trên công trường, ngoài trời thời tiết nắng nóng khó chịu nên để thuận tiện cho quá trình đi lại vận chuyển vật liệu chúng tôi không ai sử dụng BHLД.

Anh Dọn chỉ là một trong số rất nhiều lao động đang chủ quan với sức khỏe, tính mạng của bản thân khi không chấp hành các quy định cũng như không sử dụng BHLÐ trong quá trình làm việc. Ðiều này không chỉ tiềm ẩn các nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động mà còn làm suy yếu, mất sức lao động đối với người lao động.

Trong căn nhà nhỏ bên trục đường Sùng Phái Sinh, thuộc phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ), hàng ngày ông Lê Xuân Thắng vẫn đang phải chống chọi với nhiều căn bệnh. Hễ trái gió trở trời bệnh của ông lại tái phát, sức khỏe suy giảm dần. Ông Thắng bộc bạch: Trước kia tôi từng làm nhiều nghề, song không chấp hành các quy định về BHLÐ đã khiến tôi gặp phải tai nạn trong quá trình làm việc và mất hơn 80% sức lao động. Ðến nay, mọi sinh hoạt đều do vợ và con cháu lo toan.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2018 đến nay toàn tỉnh xảy ra hơn 50 vụ tai nạn lao động; trong đó, các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu ở khu vực không có quan hệ lao động đã làm 14 người chết. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chưa tự giác chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLÐ.

Có thể khẳng định, tai nạn trong quá trình lao động ngoài những yếu tố khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan. Ðặc biệt là do người lao động chưa quan tâm, chú trọng và nhận thức đúng về việc trang bị, sử dụng BHLÐ. Chính điều này gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, nặng thì tử vong, nhẹ thì sức khỏe suy giảm… Do đó, để công tác ATVSLÐ đạt hiệu quả, hạn chế đến mức tối đa các vụ tai nạn lao động do không sử dụng BHLÐ, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật về ATVSLÐ cho người lao động; các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động cần thường xuyên rà soát, bổ sung trang bị BHLÐ đầy đủ, xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động. Ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, bản thân người lao động cũng cần ý thức chấp hành các quy trình, quy định ATVSLÐ và sử dụng BHLÐ, hạn chế tối đa những rủi ro trong quá trình làm việc.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top