Hiệu quả chính sách dân tộc ở Mường Ảng

08:24 - Thứ Sáu, 02/08/2019 Lượt xem: 12714 In bài viết
ĐBP - Mường Ảng là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Toàn huyện có 17 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Những năm qua, việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện triển khai kịp thời, đúng đối tượng, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Người dân xã Mường Lạn chăm sóc lợn sinh sản được hỗ trợ từ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn Mường Ảng là 54,91% thì đến nay đã giảm xuống còn 36,21%, vượt chỉ tiêu đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 mà huyện đề ra. Ðể có được kết quả này, ngoài nỗ lực của nhân dân, cấp uỷ, chính quyền huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc, như: Chương trình 135, 30a, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Giai đoạn 2014 - 2019, hơn 2 nghìn hộ dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ trâu, bò, dê; gần 1 nghìn hộ được hỗ trợ máy cày, bừa, máy xay xát, tuốt lúa; 467 hộ tại 3 xã: Ngối Cáy, Ẳng Cang, Nặm Lịch cũng được hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt; xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các xã: Mường Lạn, Mường Ðăng, Ẳng Cang. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề góp phần nâng tổng số lao động qua đào tạo từ 9.160 người năm 2015 lên 10.600 người năm 2018; tạo việc làm mới cho trên 2 nghìn lao động, trong đó trên 80% lao động là người dân tộc thiểu số. 

Là một trong những hộ được thụ hưởng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vươn lên thoát nghèo, chị Cầm Thị Thanh, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa cho biết: “Trước đây gia đình tôi khó khăn, nhờ được Nhà nước hỗ trợ một cặp lợn giống mà kinh tế gia đình đã thay đổi. Từ cặp lợn được hỗ trợ đã sinh sản ra nhiều lợn con, cứ như vậy gia đình tôi nhân rộng đàn, với phương thức vừa nuôi lợn sinh sản vừa nuôi lợn thương phẩm để cung cấp ra thị trường, tăng thu nhập. Nhờ vậy, năm 2017 gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên khá giả”. 

Cũng là hộ vươn lên thoát nghèo từ chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, chị Lò Thị Lả, bản Tọ Nọ, xã Ẳng Tở sau hơn chục năm xây dựng gia đình nhưng do ít đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, thường rơi vào tình trạng thiếu đói giáp hạt nên lo cái ăn đã khó chứ nói gì đến việc đầu tư mua gia súc để chăn thả. Nhưng đó chỉ là chuyện của nhiều năm về trước, vì đến nay sau 5 năm được Nhà nước hỗ trợ trâu giống, tiền làm chuồng trại và được cán bộ thú y huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nên trâu đã 2 lần đẻ nghé. Nhờ bán nghé, gia đình chị có tiền trang trải cuộc sống, mua phân bón, giống gia cầm về chăn nuôi và lo cho các con đi học, cuộc sống từng ngày được cải thiện. Chị Lả tâm sự: “Khi được hỗ trợ trâu giống, mình coi đó là tài sản lớn nên chăm sóc cẩn thận, tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ, làm chuồng trại đúng kỹ thuật, chăn dắt nuôi nhốt cẩn thận nên trâu không chỉ làm sức kéo mà còn sinh sôi để gia đình có thêm thu nhập.

Xác định việc thực hiện các chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số là điểm tựa để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, vì thế những năm qua Mường Ảng là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo. Tính đến nay thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 19,5 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2018, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn đạt hơn 18 nghìn tấn; lương thực bình quân đạt gần 400kg/người/năm; toàn huyện có hơn 7 nghìn hộ được công nhận gia đình văn hóa. Cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, các công trình giao thông, điện sinh hoạt, bệnh viện, trường học phát huy hiệu quả; 10/10 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 128/139 bản được sử dụng điện lưới quốc gia; các xã được xây dựng trạm y tế khang trang, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân các dân tộc được nâng lên.

Ông Cà Văn Lợi, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Ảng cho biết: Những năm qua, các chính sách dân tộc được triển khai dân chủ, đúng đối tượng, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và tạo được lòng tin của người dân. Do vậy, công tác xóa đói giảm nghèo tại các xã, bản đặc biệt khó khăn đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất tinh thần của người dân từng bước nâng lên, giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các địa phương trong địa bàn, an ninh được giữ vững.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top