Người dân vùng biên chung tay bảo vệ an ninh biên giới

08:51 - Thứ Sáu, 02/08/2019 Lượt xem: 13402 In bài viết
ĐBP - Huyện Mường Nhé có đường biên giới dài hơn 110km, trong đó 74km tiếp giáp với nước CHDCND Lào và 40,861km tiếp giáp với Trung Quốc. Trên địa bàn huyện hiện có 25 cột mốc do 5 đồn biên phòng quản lý, thuộc địa bàn 6 xã giáp biên (Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Nhé và Nậm Kè). Những năm qua, chính quyền và người dân các xã giáp biên không chỉ đoàn kết thống nhất trong phát triển kinh tế địa phương mà còn chung tay, phối hợp với cấp ủy, ban chỉ huy các đồn biên phòng tăng cường tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh khu vực biên giới và nội biên.

 

Người Hà Nhì xã Leng Su Sìn cùng cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Leng Su Sìn trao đổi các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật biên giới.

Nằm ở vị trí cực Tây Tổ quốc, Sín Thầu là xã duy nhất có đường biên giới giáp 2 nước Lào và Trung Quốc, với 10 cột mốc, trong đó có mốc giao điểm 3 đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc nằm trên đỉnh Khoan La San, nơi phân định ranh giới lãnh thổ của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Những năm qua, người dân tộc Hà Nhì 7 bản trong xã Sín Thầu đều nêu cao trách nhiệm và thường xuyên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng A Pa Chải trong việc tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới. Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu nhận định: “Do đặc thù địa lý, hầu hết đường biên giới qua xã Sín Thầu nằm gọn trong những cánh rừng của người Hà Nhì nơi đây. Vì vậy, đối với người Hà Nhì tại xã Sín Thầu, việc bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sự bình yên trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Trung Quốc. Ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của sự vẹn toàn đường biên mốc giới, nhiều năm qua, 100% gia đình ở xã Sín Thầu tự nguyện đăng ký bảo vệ rừng gắn với bảo vệ đường biên, cột mốc. Mỗi ngày, người dân các bản đều luân phiên tuần tra, bảo vệ rừng; hàng tuần phối hợp với cán bộ, chiến sĩ của Ðồn Biên phòng A Pa Chải đi tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc...”.

Chúng tôi có mặt tại Ðồn Biên phòng A Pa Chải lúc sáng sớm, khi cán bộ, chiến sĩ của đồn chuẩn bị cùng dân quân bản Tá Miếu, xã Sín Thầu đi tuần tra mốc. Ông Chang Váng Sinh, người có uy tín ở bản Tá Miếu cùng đi với đoàn, chia sẻ: “Mỗi buổi tuần tra thế này, sẽ có người dân ở bản tôi hoặc các bản khác trong xã tham gia cùng tổ tuần tra của đồn. Riêng hôm nay, bản tôi có 4 đồng chí dân quân, cả nam và nữ cùng tham gia. Ngoài kiểm tra an ninh biên giới, chúng tôi còn dọn dẹp đường mòn tới mốc, phát cỏ, lau dọn mốc, lùa gia súc của người dân chăn thả xung quanh mốc về khu vực nội biên, ngăn chặn tình trạng phá rừng giáp biên... Bên cạnh đó, khi phát hiện trường hợp người dân ngoài khu vực xâm canh, xâm cư trái phép, chúng tôi sẽ sử dụng tiếng địa phương để khuyên họ trở về”.

Mỗi cuộc tuần tra có thể kéo dài từ 1 - 2 ngày tùy thuộc vào địa hình và thời tiết. Tuy nhiên, không cuộc tuần tra nào của Ðồn Biên phòng A Pa Chải lại vắng những người dân trong xã Sín Thầu. Ðược biết, riêng từ đầu năm 2019 đến nay, có trên 300 lượt người dân xã Sín Thầu tham gia tuần tra cùng cán bộ của đồn. Nhờ việc phối hợp tuần tra được thực hiện đều đặn mà công tác bảo vệ đường biên, mốc giới của đồn được xuyên suốt, thuận lợi hơn; qua tuần tra cán bộ, chiến sĩ của đồn ngăn chặn được nhiều trường hợp vi phạm an ninh khu vực biên giới.

Thiếu tá Ðặng Văn Tuấn, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng A Pa Chải, cho biết: “Nhiều năm nay, chính quyền và người dân xã Sín Thầu luôn sát cánh cùng đồn trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Hiện nay, 100% bà con trong xã đã đăng ký tham gia phong trào tự quản an ninh trật tự. Ðặc biệt, trên 100 hộ ở 3 bản giáp biên giới là Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ, Tả Kô Ky đã ký kết và thực hiện tốt phong trào tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc. Hiện tượng xâm canh, xâm cư, đốt phá rừng, di cư tự do từ đó cũng được ngăn chặn có hiệu quả...”.

Ðối với người dân xã Mường Nhé, ngoài việc cùng cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mường Nhé đi tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc, người dân 15 bản trong xã còn thường xuyên phối hợp với cán bộ đồn trong việc tuyên truyền pháp luật về an ninh biên giới, nội biên. Tại một buổi tuyên truyền pháp luật biên giới cho người dân bản Nà Pán, xã Mường Nhé, chúng tôi thấy ngoài cán bộ của đồn, còn có những người uy tín trong bản, trưởng bản, bí thư chi bộ bản tham gia tuyên truyền.

Trung úy Vũ Ðức Toàn, cán bộ Ðội vận động quần chúng (Ðồn Biên phòng Mường Nhé) cho biết: “Từ lâu, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con các bản trong xã Mường Nhé luôn có mặt những cán bộ, người uy tín của bản. Họ không chỉ là người phiên dịch tiếng mà còn là cầu nối trao đổi thông tin, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của bà con với cán bộ đồn. Từ đó, giúp việc tuyên truyền thêm thuận lợi”.

Ðược biết, trong 5 năm trở lại đây, xã Mường Nhé thành lập được 18 đội dân quân tự quản. Ngoài thực hiện công tác tuần tra cùng Ðồn Biên phòng Mường Nhé, các đội dân quân thường xuyên tới các gia đình người dân khu vực giáp ranh biên giới để tuyên truyền, vận động bà con ký cam kết và tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, như: Không chăn thả gia súc quanh đường biên, cột mốc; không phá hoại mốc; khi phát hiện tình trạng xâm cư hoặc dấu hiệu bất thường quanh mốc, thì nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy Ðồn biên phòng...”.

Xác định việc bảo vệ đường biên, cột mốc là bảo vệ chính cuộc sống của người dân, vì vậy hiện nay 6 xã giáp biên huyện Mường Nhé tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện cuộc sống cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top