Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng phi nông nghiệp

08:28 - Thứ Sáu, 09/08/2019 Lượt xem: 11487 In bài viết

ĐBP - Ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 81.562 lao động tham gia học nghề, trong đó, 53.793 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Ðề án 1956 (bình quân 5.380 người/năm). Trong đó, chủ yếu là lao động học nghề nông nghiệp với tổng số 41.695 lao động được đào tạo (chiếm 77%), còn lại là nghề phi nông nghiệp; 40.720 người có việc làm sau đào tạo. Một số mô hình đào tạo thí điểm (trồng và chế biến cà phê; kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà đồi; vận hành máy thi công nền...) có tỷ lệ có việc làm sau khi học đạt trên 90%. Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đang dần có sự chuyển dịch theo hướng tăng các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Nếu giai đoạn từ năm 2010 - 2015, số lao động được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp chiếm 21% tổng số người được hỗ trợ học nghề thì từ năm 2015 đến nay số người tham gia học nghề phi nông nghiệp đã tăng gần 24%. Tuy nhiên, con số gia tăng này vẫn còn khá chậm, chưa vững chắc. Số lượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp và chủ yếu là lao động đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này. Trước hết trên địa bàn tỉnh chưa có các khu công nghiệp, số lượng doanh nghiệp ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn còn thấp nên chưa thu hút nhiều lao động tham gia học nghề phi nông nghiệp. Ngoài ra, các nghề phi nông nghiệp chưa thật sự hấp dẫn lao động thôn thôn do các nghề đào tạo chưa phong phú, như: Sửa xe máy, may, điện dân dụng, mộc, rèn...

 

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề rèn, nhiều lao động bản Che Căn, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) tự tạo việc làm tại địa phương.

Ðể công tác đào tạo nghề đi vào thực chất, phù hợp với nhu cầu học nghề và nhu cầu tuyển dụng, hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo tiến hành khảo sát từ cấp xã, huyện nhằm bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, doanh nghiệp. Qua khảo sát cho thấy hàng năm số lao động có mong muốn học các nghề phi nông nghiệp còn thấp so với nghề nông nghiệp. Từ năm 2010 - 2019, toàn tỉnh tổ chức 2 cuộc điều tra, khảo sát với quy mô cấp tỉnh, 40 cuộc điều tra, khảo sát quy mô cấp huyện, xác nhận được 38.650 người có nhu cầu học nghề (trong đó nghề nông nghiệp chiếm 79%). Ðó là cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm sát thực tế, đồng thời có định hướng cho phát triển đào tạo nghề của tỉnh những năm tiếp theo. Bên cạnh một số nghề nông nghiệp đã được lựa chọn tổ chức thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, có khả năng nhân rộng tại một số huyện như: Kỹ thuật trồng và chế biến nấm (TX. Mường Lay); kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến cà phê; chăn nuôi gà đồi (huyện Mường Ảng)... thì ngành nghề phi nông nghiệp cũng được chú trọng nhân rộng như: sửa chữa xe máy (huyện Tuần Giáo và Ðiện Biên Ðông); mây tre đan, tổ hợp tác thủ công nông - lâm sản ngoài gỗ (chổi chít, đồ sinh hoạt tại xã Nà Tấu, huyện Ðiện Biên); dệt thổ cẩm (xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên); kỹ thuật xây dựng (huyện Tuần Giáo và Mường Ảng).

Với mục tiêu đào tạo cho 16.000 lao động trong 2 năm 2019 - 2020, tỉnh ta chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp gắn với đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Song song với đó, thu hút lao động tham gia học các nghề phi nông nghiệp, coi đây là giải pháp hàng đầu cho bài toán tăng thu nhập của người lao động. Ðồng thời, cần phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ, xây dựng - công nghiệp, nâng cao đời sống người lao động, nhất là khu vực nông thôn.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top