Ðộng lực để nạn nhân chất độc da cam vươn lên

08:35 - Thứ Sáu, 09/08/2019 Lượt xem: 10668 In bài viết

ĐBP - Trong giai đoạn 1961 - 1971, Mỹ đã sử dụng hàng trăm triệu lít chất độc hóa học rải xuống đất nước Việt Nam. Hậu quả để lại là mấy chục năm qua, nhiều người, nhiều thế hệ đang phải gồng mình đối mặt, chịu đựng với bệnh tật khi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ðể xoa dịu nỗi đau đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tạo động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

 

Vườn rau của gia đình ông Vũ Ngọc Lự, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chúng tôi đến gia thăm gia đình ông Nguyễn Ðức Ban, đội 15, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên). Ngôi nhà kiên cố được các cấp, ngành hỗ trợ cách đây 2 năm thay căn nhà 3 gian vách đất lụp xụp đã giúp cuộc sống gia đình ông bớt khó khăn. Ông Ban chia sẻ: Năm 1960 ông nhập ngũ. Từ năm 1965 - 1973 trực tiếp chiến đấu tại các mặt trận Quân khu IV và chiến trường miền Nam, đến tháng 7/1986 thì xuất ngũ. Sau khi trở lại cuộc sống đời thường, do bị phơi nhiễm chất độc hóa học nên sức khỏe ông Ban giảm sút nhanh, thường xuyên phải đi viện chữa bệnh. Sức khỏe yếu, cuộc sống gia đình khó khăn nên ước mơ xây ngôi nhà mới ông chưa bao giờ dám nghĩ. Song, với sự sẻ chia của xã hội, các mạnh thường quân, năm 2017 gia đình ông Ban đã có căn nhà mới. Ðây là niềm vui lớn mà ông không bao giờ quên.

Sau khi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Cam Pu Chia và Quân khu 9 trở về, ông Nguyễn Minh Khai hiện cư trú ở tổ dân phố 10, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, vừa qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã kết nối, kêu gọi hỗ trợ gia đình ông Khai 50 triệu đồng để xây nhà mới. Ông Khai thể hiện rõ niềm vui khi được các cấp, ngành quan tâm giúp đỡ và sẻ chia khó khăn.

Ông Khai và ông Ban chỉ là 2 trong số rất nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được hỗ trợ thời gian qua. Bởi hàng năm, các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm đều có nhiều phong trào thiết thực ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho nạn nhân và gia đình nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hóa học thông qua các hoạt động, như: Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin; chương trình chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7); tết cổ truyền… Cùng với những hoạt động của xã hội, đối với người bị nhiễm chất độc da cam, thực hiện chính sách của Ðảng, Nhà nước, các đối tượng này đều được trợ cấp hàng tháng. Theo đó, có 4 mức trợ cấp, cao nhất là gần 3 triệu đồng kèm theo tiền phụ cấp và chế độ trợ cấp cho người phục vụ. Ngoài ra, Nhà nước cũng đang thực hiện tốt việc trợ cấp cho nạn nhân là con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, với số tiền cao nhất là gần 1.500.000 đồng.

Ðáp lại sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhiều năm qua, dù mang trong mình nỗi đau bệnh tật mà chất độc da cam để lại, nhiều người đã vượt lên số phận, hăng hái tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương điển hình ở khu dân cư. Tiêu biểu như ông Vũ Ngọc Lự ở đội 3, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) thương binh 27%, nhiễm chất độc da cam 61%. Sau khi tham gia chiến đấu tại Sân bay Biên Hòa (Ðồng Nai) những năm 1965, tháng 10/1972 ông xuất ngũ. Năm 1974 ông Lự lên Ðiện Biên xây dựng kinh tế trồng rau và cây ăn quả trên diện tích hơn 2.000m2. Nhờ chăm chỉ, cần mẫn và chịu khó học hỏi, hàng năm ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thu nhập ổn định, kinh tế khá giả, năm 2018 vừa qua, gia đình ông Lự xây được ngôi nhà hơn 1 tỷ đồng. Ðây là sự nỗ lực, cố gắng không cam chịu bệnh tật đối với ông Vũ Ngọc Lự và gia đình. Không chỉ ông Lự, ông Bùi Trọng Vệ ở thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) cũng là một trong những điển hình vượt lên số phận vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay ông đang sở hữu một cửa hàng tạp hóa và diện tích cà phê lớn tại địa phương.

Ông Ðoàn Văn Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Trong số hơn 200 đối tượng là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam/dioxin đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, với sự quan tâm lớn của Ðảng Nhà nước, nhiều người đã vượt qua nỗi đau, khó khăn về thể chất, bằng ý chí, nghị lực, họ đang từng ngày vươn lên. Và dù tuổi cao sức yếu nhưng với phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, họ đã và đang nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top