Khi sự giả dối đã đạt đến "tầm cao mới"

10:09 - Thứ Hai, 12/08/2019 Lượt xem: 9501 In bài viết

Chỉ trong 1 tuần qua, đã xảy ra hai vụ việc nghiêm trọng và đều liên quan tới ngành giáo dục, đó là Đại học dân lập Đông Đô bán văn bằng 2 ngôn ngữ Anh cho người có nhu cầu mua và cháu bé học sinh lớp 1 Trường Quốc tế Gateway chết do bị bỏ quên trong xe đưa đón.

Dư luận đặc biệt quan tâm tới hai vụ việc này, bởi sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, đã có những sự thật được phơi bày cho thấy sự giả dối ở trường học, nơi lâu nay vẫn được coi là có môi trường trung thực và nghiêm túc này.

Cho tới lúc này, cơ quan điều tra xác định có khoảng 600-700 người đã được Đại học dân lập Đông Đô bán bằng. Đường dây bán văn bằng 2 ngôn ngữ Anh đã mở rộng đến nhiều tỉnh, thành để liên kết các cơ sở đào tạo và bán bằng. 

 

Để có văn bằng 2 ngôn ngữ Anh theo cách nhanh nhất, người học, nói đúng nghĩa là khách hàng chỉ cần đóng tiền và chờ vài tuần đến 2-3 tháng là xong. Cái giá của việc "học nhanh" này là người mua phải trả từ 28-35 triệu đồng/người. Tuy nhiên, đây là mức tiền phải đóng của những người đến tận trường nộp học phí, có những người qua "cò" môi giới thì phải nộp từ 50-150 triệu đồng. Các khóa học đều không tổ chức thi đầu vào đầu ra, không phải đi học, hiệu trưởng nhà trường cùng thuộc cấp đã hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh. 

Ban giám hiệu Đại học dân lập Đông Đô sắp xếp thi tại những phòng không có camera an ninh và học viên chỉ cần chép đáp án của 27 tín chỉ để hoàn thiện thủ tục đầu ra. Ai chép nhanh chỉ hơn một ngày là xong, chép chậm thì 2-3 ngày, bởi khách hàng sau khi nộp hồ sơ xong, mọi thủ tục khác đều có cán bộ của trường lo, từ hợp thức các bài thi đầu vào, thi kết thúc các môn, thi tốt nghiệp và cấp bằng cho các học viên... Trong khóa học 2016-2018, có khoảng 400 hồ sơ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh được đào tạo theo hình thức này.

Theo kết quả điều tra ban đầu, trong số khách hàng mua bằng dỏm này có cả cán bộ, công chức nhà nước, những người đi mua bằng để phục vụ đầu vào đầu ra nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, tiến sĩ hoặc thăng hạng, chuyên viên chính, nâng lương, thăng chức.

Sự gian dối ở Đại học dân lập Đông Đô khiến nhiều người phải giật mình, bởi lâu nay, đã có nhiều vụ bán bằng giả bị phát hiện, nhưng đấy là trường hợp kẻ bán là những kẻ làm hàng giả. Còn trong vụ án này, nơi bán bằng giả là một cơ sở đào tạo được cấp phép đào tạo đại học chính quy đàng hoàng, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phôi bằng thật nhưng lại bán bằng giả từ phôi bằng thật. 

Nếu những kẻ bán bằng giả thường phải lén lút, hoặc mua bán qua mạng, thì ở đây việc bán bằng giả lại được tổ chức ngang nhiên và số tiền thu được lên tới cả trăm tỷ đồng. Sự gian dối của những người được gọi là thầy đã thực hiện một cách ngang nhiên, trắng trợn.

Trong lúc vụ việc ở Đại học Đông Đô còn chưa hết nóng thì lại thêm một vụ việc bàng hoàng khác, đó là cháu bé học lớp 1 Trường quốc tế Gateway đã chết tức tưởi ngay trong ngày thứ 2 đi học. Chắc chắn ai có con đi học sẽ đều xót xa khi đọc thông tin về cháu bé bị chết chỉ vì bị bỏ quên trong xe. Nhưng dư luận bức xúc trước sự thiếu trung thực khi cung cấp thông tin của một số người có trách nhiệm Trường Quốc tế Gateway. 

Tối 6-8, sau khi sự việc xảy ra, trong thông báo đăng trên website của trường, Ban giám hiệu trường Gateway thông báo rằng "khoảng 16h, phát hiện sự việc có một học sinh lớp 1 của trường bất tỉnh trên xe buýt, ngay lập tức, nhà trường đã đưa em học sinh vào phòng y tế để sơ cứu đồng thời gọi xe cấp cứu của Bệnh viện E đưa ngay vào viện. 

Sau đó, lãnh đạo nhà trường cùng nhiều thầy cô đã lập tức có mặt tại bệnh viện để theo dõi tình hình của em. Tại đây, các bác sĩ đã tận tình và làm tất cả các biện pháp để cứu chữa nhưng rất tiếc là em đã không thể qua khỏi".Một cháu nhỏ đã chết trong ngày thứ 2 đến trường do sự tắc trách của cán bộ nhà trường. Theo xác nhận của bác sĩ thì cháu bé đã chết trước khi đưa vào bệnh viện. 

Khi viết những lời giả dối ấy, những người có trách nhiệm của trường Gateway có lẽ không biết rằng bác sĩ pháp y có đủ kinh nghiệm và bằng chứng khoa học để xác định được cháu bé đã chết cách đó bao nhiêu tiếng, và chỉ rõ nguyên nhân của cái chết. Mất một mạng người là rất đau đớn, nhưng trong sự việc này, ngoài nỗi đau thì đáng sợ hơn còn là sự giả dối của những người mang danh là nhà giáo.

Người xưa có câu "cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra". Cho tới lúc này, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, hy vọng rằng mọi sai phạm sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top