Quy định mới trong tuyển dụng công chức, viên chức

15:17 - Thứ Năm, 15/08/2019 Lượt xem: 10961 In bài viết

Sáng ngày 15-8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc “tập huấn Nghị định 161 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 03 của Bộ Nội vụ về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước”.

Lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành tập trung thảo luận một số điểm mới tại Nghị định 161, như chế độ ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức; hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển theo quy định; việc phân cấp thẩm quyền thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên chính và tương đương trở xuống cho các bộ, ngành, địa phương; tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện chế độ thôi việc đối với viên chức và đơn giản hóa trong thủ tục hành chính tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức…

Không được phân biệt bằng cấp trong tuyển dụng

Theo ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - viên chức (Bộ Nội vụ), những điểm mới trong Nghị định 161 của Chính phủ về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước có một số điểm mới.

 

Ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - viên chức tại buổi tập huấn. Ảnh: GIA KHÁNH

Theo đó, điểm mới đầu tiên là các cơ quan tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn trái quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.

Điểm ưu tiên trong quá trình tuyển dụng sẽ được cộng vào kết quả điểm thi tại vòng 2 (vòng thi kiến thức chuyên môn). Hình thức thi sẽ có 2 vòng: vòng trắc nghiệm thi trên máy tính, nếu không có máy tính sẽ thi trắc nghiệm trên giấy. Kết quả vòng 1 được xác định theo số câu hỏi trả lời đúng cho từng phần thi quy định, nếu trả lời đúng 50% câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì được vào vòng 2.

Ông Trương Hải Long cho biết, trong quy định cụ thể về điều kiện, đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp thẩm quyền tuyển dụng đặc cách công chức, viên chức cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện sẽ không phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương như trước đây.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi quy định về tuyển dụng đặc cách công chức, viên chức sẽ theo hướng chỉ để giải quyết việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, còn việc thực hiện chính sách thu hút sẽ áp dụng theo Nghị định 140 của Chính phủ.

Phân cấp mạnh cho địa phương về tuyển dụng

Theo lãnh đạo Vụ Công chức - viên chức, việc tuyển dụng công chức, viên chức sẽ có những nội dung được đẩy mạnh phân công, phân cấp cho địa phương.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan được giao tuyển dụng công chức sẽ có quyền quyết định hình thức tuyển là phỏng vấn hoặc thi viết tại vòng 2. Giao thẩm quyền quyết định việc quyết định tuyển dụng công chức không qua thi tuyển (bỏ quy định phải có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương).

Bộ Nội vụ chỉ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra và không thực hiện việc giám sát thi với vai trò của cơ quan chủ trì thi nâng ngạch như trước đây. Giao thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức chuyên ngành tương đương ngạch chuyên viên cao cấp cho địa phương. Đồng thời, bộ, ngành địa phương cũng được quyền quyết định danh mục vị trí việc làm tại cơ quan mình.

Ông Long rằng, tuyển dụng công chức, viên chức phải được đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, hồ sơ tuyển dụng công chức, viên chức được thay bằng phiếu đăng ký dự tuyển.

Cán bộ công chức từ cấp huyện được điều động, luân chuyển về làm cấp xã, khi điều động, luân chuyển trở lại sẽ không phải thực hiện thủ tục xét chuyển từ cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện.

Cán bộ công chức cấp xã khi được chuyển thành công chức cấp huyện không còn quy định thời gian phải đủ 5 năm như trước.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top