Hiệu quả kết nối mạng giữa người dân và cảnh sát khu vực

09:13 - Thứ Sáu, 16/08/2019 Lượt xem: 13403 In bài viết
ĐBP - Một chiếc điện thoại thông minh không chỉ dùng để liên lạc, giải trí, học tập mà còn phát huy tác dụng giữ gìn an ninh trật tự nhờ mô hình kết nối mạng giữa cảnh sát khu vực (CSKV) với nhân dân trên địa bàn của Công an TP. Ðiện Biên Phủ. Sau gần 2 tháng triển khai thí điểm, mô hình đã đi vào hoạt động ổn định và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

 

Cảnh sát khu vực và người dân tổ dân phố 14, phường Him Lam bàn luận về các nội dung đăng tải trong nhóm zalo.

TP. Ðiện Biên Phủ hiện có gần 15.700 hộ dân, trên 60.100 nhân khẩu với 164 tổ dân phố, bản thuộc 9 xã, phường. Trình độ dân trí và mức thu nhập trung bình của người dân cao hơn so với các địa phương khác trong tỉnh, phần lớn các hộ dân đều sử dụng điện thoại thông minh có tính năng kết nối internet. Vì vậy mô hình kết nối mạng giữa CSKV với nhân dân ra đời vào cuối tháng 6/2019, hình thức hoạt động là một nhóm tương tác đa chiều trên zalo (ứng dụng kết nối, nhắn tin, gọi điện miễn phí cho người dùng điện thoại di động thông minh, được đánh giá tính bảo mật tốt) có sự tham gia của CSKV và người dân trên địa bàn. Nội dung tương tác trong nhóm chủ yếu là những thông tin chính thống, có giá trị tuyên truyền về đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài địa bàn; chủ trương, chính sách pháp luật; tình hình, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; thông tin về đối tượng truy nã, đối tượng nghi vấn phạm tội... Ðồng thời, tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, các hoạt động vi phạm pháp luật, hỗ trợ người dân về nhiều vấn đề liên quan. Ðến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đã triển khai 34 mô hình (34 tổ dân phố, bản thuộc 7 phường) do 34 đồng chí CSKV đảm nhiệm. Ngay trong tháng 6, sau khi tuyên truyền, phổ biến, đã có 756 người dân đại diện cho các gia đình đăng ký tham gia nhóm zalo của tổ dân phố, bản mình. Số lượng thành viên vẫn tăng lên hàng ngày, đến nay là hơn 1.000 người.

Tổ dân phố 14, phường Him Lam là một trong những khu phố triển khai thí điểm mô hình này do Ðại úy Vũ Thị Ánh (Công an phường Him Lam) phụ trách. Từ 20 thành viên vào thời điểm đầu thành lập, đến nay nhóm có 31 thành viên với nhiều độ tuổi tham gia. Ðại úy Ánh thường xuyên đăng tải vào nhóm những thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm; ảnh chụp quyết định truy nã, truy tìm người mất tích; những bài viết về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Chị cũng đã giải đáp, hướng dẫn, tư vấn cho một số thành viên về thẻ căn cước, chứng minh nhân dân, tạm trú tạm vắng... Nhận xét về mô hình kết nối zalo đang triển khai tại địa bàn dân cư, ông Tạ Quang Bích, Tổ trưởng tổ dân phố 14 (cũng là thành viên nhóm), chia sẻ: Có nhóm zalo này, thông tin trao đổi giữa CSKV và nhân dân trong phố trở nên nhanh nhạy và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian không phải đi lại, phát - nhận văn bản. Ðặc biệt là việc tuyên truyền thủ đoạn của các loại tội phạm rất hữu ích, những thành viên như tôi đọc, nắm thông tin, sau đó phổ biến, nhắc nhở cả gia đình và hàng xóm láng giềng. Từ khi có nhóm zalo kết nối CSKV với nhân dân, các chủ đề về an ninh trật tự được mọi người nhắc đến nhiều hơn, giúp các hộ dân cập nhật thông tin mới, thêm cảnh giác phòng ngừa các loại tội phạm và tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.

Trong lần thí điểm này, phường Mường Thanh có 6 CSKV đăng ký triển khai mô hình tại 6 tổ dân phố với số thành viên tham gia đến thời điểm hết tháng 7 là trên 300 người. Các đồng chí CSKV đã lựa chọn lập nhóm kết nối tại những tổ dân phố thường xuyên xảy ra vấn đề phức tạp về an ninh trật tự; tập trung đông người, nhiều nhà hàng, quán ăn, nhiều cơ quan, đơn vị... Trung tá Lê Thanh Tuấn, Trưởng Công an phường Mường Thanh cho biết: Sau một thời gian triển khai mô hình, nhờ việc tương tác đa chiều, thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính thống, đã giúp công tác nắm địa bàn của các CSKV thực hiện ngày càng tốt hơn, nhận thức của nhân dân về trách nhiệm với công tác đảm bảo an ninh trật tự tại khu dân cư cũng cao hơn. Cụ thể, Công an phường đã tiếp nhận 18 phản ánh của người dân (qua cả nhóm zalo và đường dây nóng) về các vụ việc khác nhau. Ðơn cử như rạng sáng cuối tháng 7 vừa qua, tại trục đường chính khu vực ngã tư A1 xảy ra xô xát giữa 2 thanh niên ngoài địa bàn, sau đó di chuyển đến địa phận tổ dân phố 6 đã được người dân thông tin đến CSKV và lực lượng công an đã kịp thời đến giải quyết, đảm bảo trật tự khu vực.

Thượng tá Nguyễn Văn Ninh, Ðội trưởng Ðội Xây dựng phong trào và Quản lý bảo vệ dân phố (Công an thành phố Ðiện Biên Phủ), người được giao nhiệm vụ theo sát các mô hình kết nối mạng giữa CSKV và người dân, cho biết: Sau thời gian ngắn triển khai, các nhóm zalo đã đăng tổng 134 tin, bài (số liệu đến ngày 9/8) và tiếp nhận gần 10 tin có giá trị về an ninh trật tự trên địa bàn. Các nhóm tương tác hoạt động đúng mục đích là cầu nối giữa quần chúng nhân dân với lực lượng CSKV, góp phần làm tốt hơn công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính; giúp tiết kiệm thời gian cho cả người dân và lực lượng an ninh, không tốn kinh phí để duy trì. Dự kiến các mô hình thí điểm triển khai từ 3 -  6 tháng, sau đó Công an thành phố sẽ đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để xem xét khả năng nhân rộng và vận động các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn cùng tham gia.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top