Mở rộng địa giới hành chính TP. Ðiện Biên Phủ là cần thiết

08:55 - Thứ Sáu, 23/08/2019 Lượt xem: 13258 In bài viết

ĐBP - Phiên họp thường kỳ tháng 8 của UBND tỉnh đã thông qua Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, trong đó có phương án sắp xếp, mở rộng địa giới hành chính TP. Ðiện Biên Phủ. UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ hoàn thiện đề án trình HÐND tỉnh trong kỳ họp tới. Nếu nội dung này được tỉnh, Trung ương phê duyệt, triển khai thì TP. Ðiện Biên Phủ sẽ gỡ được vướng mắc trong quá trình xây dựng đô thị loại II và thêm điều kiện phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực.

 

TP. Ðiện Biên Phủ hướng tới xây dựng là thành phố trung tâm vùng Tây Bắc. Trong ảnh: Tuyến đường Võ Nguyên Giáp thuộc trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ.

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, quy định tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh là quy mô dân số từ 150.000 người trở lên; diện tích từ 150km2 trở lên; số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên. TP. Ðiện Biên Phủ hiện là thành phố duy nhất, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đang hướng tới xây dựng là thành phố trung tâm vùng Tây Bắc, trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia theo Quyết định số 230/QÐ-TTg, 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ nhưng diện tích chỉ có 64,44km2, dân số hơn 58.400 người (số liệu năm 2018); cả 2 tiêu chí này đạt dưới 50% so với quy định. Với vị trí trọng yếu, việc duy trì và phát triển thành phố không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn đóng vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng cũng như xây dựng khu vực phòng thủ phía Tây Bắc Tổ quốc. Vì vậy việc mở rộng địa giới hành chính thành phố là hết sức cần thiết.

Cụ thể tỉnh xây dựng phương án cắt chuyển toàn bộ diện tích và dân số 4 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang (huyện Ðiện Biên) vào TP. Ðiện Biên Phủ. Cắt chuyển một phần diện tích, dân số của xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên (0,72km2 và 766 người theo quy hoạch mở rộng sân bay) về phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) quản lý; 0,52km2 và 540 người xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) về 2 phường: Nam Thanh và Thanh Trường quản lý. Lý do bởi các xã này nằm trong quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ. Ngoài ra, đây là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối phát triển, điều kiện tự nhiên và địa hình thuận lợi cho việc phát triển đô thị thành phố trong tương lai. TP. Ðiện Biên Phủ sau khi sắp xếp sẽ có diện tích 308,18km2 đạt 205,45% tiêu chuẩn, dân số gần 80.400 người, đạt 53,58%, có 12 đơn vị hành chính xã, phường. Vì thành phố nằm trong quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ, được đưa vào danh sách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và là đô thị miền núi, theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 thì tiêu chuẩn quy mô dân số có thể thấp hơn nhưng phải đạt từ 50% trở lên nên việc sáp nhập như trên đã đạt yêu cầu.

Trước khi xây dựng đề án sắp xếp, mở rộng địa giới hành chính từ cấp thành phố, UBND TP. Ðiện Biên Phủ đã tổ chức lấy ý kiến cử tri ở các phường, xã liên quan thuộc địa bàn mình và huyện Ðiện Biên. Kết quả: Phường Nam Thanh có 96,37% cử tri đồng ý, phường Thanh Trường 94,26%, xã Nà Nhạn 81,85%, xã Nà Tấu 86,94%, xã Mường Phăng 74,9%, xã Pá Khoang 88%, xã Thanh Luông 89,57%, xã Thanh Hưng 96,11% cử tri đồng ý. Tính tổng có 18.911/21.933 (gần 86,23%) cử tri các xã, phường liên quan tới việc mở rộng địa giới hành chính thành phố đồng ý với chủ trương này. Như vậy phần lớn người dân ủng hộ phương án sắp xếp, sáp nhập. Trong phiên họp thường kỳ UBND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên cũng khẳng định: Huyện Ðiện Biên cơ bản nhất trí với việc cắt chuyển một số xã, thôn, bản thuộc huyện cho TP. Ðiện Biên Phủ vì mục tiêu phát triển lâu dài của tỉnh nhà. Nếu đề án được Trung ương phê duyệt, huyện Ðiện Biên sẽ tích cực tham gia, phối hợp triển khai thực hiện các phần việc.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top