Cùng suy ngẫm

4.0 thụt lùi?

08:47 - Thứ Hai, 26/08/2019 Lượt xem: 11468 In bài viết

ĐBP - Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được đánh giá là thành công tốt đẹp vì đã phản ánh đúng chất lượng dạy và học, năng lực người học; đảm bảo công bằng và phân loại học sinh phù hợp. Kỳ thi không có “mưa” điểm 10, điểm trung bình môn Tiếng Anh, Lịch sử tăng nhẹ, điểm trung bình môn Giáo dục công dân cao (trên 7 điểm)...

Ngay sau khi có điểm thi, tại nhiều tỉnh, thành phố kết quả kỳ thi được ngành Giáo dục và Ðào tạo, cơ quan báo chí Trung ương, địa phương thông tin rất rộng rãi; có sự phân tích đánh giá nhiều chiều. Trong đó, bên cạnh thông tin chung kết quả kỳ thi năm 2019 còn có sự so sánh với kết quả thi năm 2018, lý giải nguyên nhân đạt cao hơn hay thấp hơn; những lưu ý với thí sinh trong việc xét tuyển chuyên nghiệp... Từ kết quả kỳ thi, những thông tin đa dạng của các cơ quan báo chí cho chúng ta thấy rõ toàn cảnh bức tranh giáo dục của một tỉnh, giữa các tỉnh với nhau và những gương mặt thí sinh xuất sắc là thủ khoa được cộng đồng biết đến...

Sau một kỳ thi nghiêm túc, hiệu quả; những tập thể, cá nhân có kết quả tốt được cả cộng đồng biết, tôn vinh, ghi nhận là thật sự cần thiết. Bởi vì, đó là cách hiệu quả nhất để khuyến khích, động viên; khuyến học, khuyến tài...

Với tỉnh Ðiện Biên, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cũng được đánh giá là nghiêm túc, đúng quy chế, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 92,56% (xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Kết quả là thế, nhưng tiếc là ngoài con số này thì các cơ quan báo chí không lấy đâu ra thêm thông tin chi tiết để đưa đến bạn đọc. Băn khoăn với câu hỏi: Chẳng nhẽ 4.0 thụt lùi? Vì sao kỳ thi THPT quốc gia 2019 lại không được cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời như năm 2018? Trong khi, từ những thông tin kịp thời ấy (phổ điểm từng môn, số điểm 10, thí sinh đạt điểm cao nhất, số trường có thí sinh điểm cao nhất, thậm chí cả trường có nhiều thí sinh đỗ đại học nhất...) báo chí đã góp phần tích cực tuyên truyền, động viên học sinh có điểm số cao, học sinh hoàn cảnh khó khăn học giỏi, trường có nhiều học sinh đỗ đại học... Liệu có phải do ngành Giáo dục và Ðào tạo thiếu nhân lực, máy móc; Bộ Giáo dục và Ðào tạo không yêu cầu phải tổng hợp... Dù nguyên do là gì đi nữa thì thiết nghĩ cũng khó thuyết phục, vì đó là việc làm cần thiết. Thành tích, nỗ lực của cả thầy và trò trong suốt bao nhiêu năm học nên được khuyến khích, động viên, nêu gương kịp thời hơn; có như thế công tác khuyến học, khuyến tài mới kịp thời, hiệu quả...

Thảo Vi
Bình luận
Back To Top