Tân Phong hôm nay

08:49 - Thứ Năm, 29/08/2019 Lượt xem: 11520 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chương trình di dân tái định cư của Chính phủ, hàng chục hộ dân ở xã Chăn Nưa, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu (cũ) chuyển đến định cư tại bản Tân Phong, xã Si Pa Phìn, huyện Mường Chà (nay thuộc huyện Nậm Pồ). Vượt qua muôn vàn khó khăn ban đầu, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc.

Một góc bản Tân Phong 2, xã Si Pa Phìn.

Ðến Tân Phong hôm nay, không còn những bãi, đồi đất hoang bạc trắng thay vào đó là những cánh đồng lúa, ngô, sắn xanh mướt; những ngôi nhà sàn mái ngói đỏ tươi, đường bê tông vào tận bản… Có được đổi thay ấy là nhờ sự chung tay của người dân và cả hệ thống chính trị. Chúng tôi trò chuyện với ông Lò Văn Ím, người uy tín của bản - cũng là một trong những gia đình đến định cư đầu tiên ở Tân Phong từ năm 1993. Ông Ím chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Nhà nước về dãn dân đi xây dựng vùng kinh tế mới đầu năm 1993, 74 hộ dân ở bản Chiềng Nưa, xã Chăn Nưa chuyển về định cư tại đây. Ban đầu có 174 hộ đăng ký chuyển đi nhưng sau khi đi khảo sát nơi ở mới về thì có tới 100 hộ xin rút (vì Tân Phong đất đai bạc màu, hoang sơ, chỉ có hơn chục hộ người dân tộc Mông di cư đến khoảng từ năm 1973). Ðến nơi ở mới theo chính sách của Nhà nước, mỗi lao động chính (trên 18 tuổi) được hỗ trợ 1 con dao phát, 18kg gạo/tháng, lao động phụ 12kg gạo/tháng (hỗ trợ trong 6 tháng). Về đất sản xuất từ 5 - 7 gia đình chia nhau làm chung một bãi đất hoặc quả đồi. Cuộc sống ban đầu rất vất vả khó khăn khi vào bản là đường mòn phải lội qua suối; các hộ giúp nhau chặt tre dựng lán làm nhà, phát nương để kịp cho mùa vụ đầu tiên. Trong 3 năm đầu do chưa quen với khí hậu, thổ nhưỡng nên việc canh tác rất khó khăn; một số hộ thường xuyên thiếu đói, đến năm 1996 có 3 hộ bỏ về nơi ở cũ.

Ông Ím tâm sự: Ðể vượt qua giai đoạn khó khăn lo cho 5 miệng ăn của gia đình, tôi đã phải đem chăn, đệm lên bản người Mông để đổi lấy sắn, lấy gạo. Từ năm thứ 5 trở đi cuộc sống của người dân nơi đây cơ bản ổn định, đã chủ động được nguồn lương thực. Ðến năm 1997, nhờ dự án bò Si Pa Phìn của Nhà nước cho người dân vay bò nuôi trong 7 năm (sau 7 năm trả lại đủ trọng lượng số bò đã vay ban đầu) nhiều hộ trong bản đã thoát nghèo. Gia đình tôi vay 6 con, sau 7 năm ngoài số bò bán đi để trang trải cuộc sống đã trả lại đủ số bò đã vay; đến nay đàn bò của gia đình đã tăng lên hơn 20 con. Cũng nhờ vào nuôi bò gia đình tôi không chỉ có điều kiện nuôi cái ăn học mà còn mua được xe ô tô để làm dịch vụ phục vụ nhu cầu đi lại của bà con trong bản mỗi khi có việc cần đi xa.

Ngày nay cùng với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước thông qua Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, xây dựng nông thôn mới…  Tân Phong hôm nay đã thay da đổi thịt, được đầu tư điện, đường, trường học, đời sống người dân được nâng lên… Từ 74 hộ ban đầu đến nay đã tăng lên 143 hộ với 594 khẩu. Do đặc thù vùng miền, để thuận tiện cho quá trình quản lý và theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã từ năm 2009, Tân Phong tách thành 2 bản Tân Phong 1, 2. Anh Lò Văn Anh, Trưởng bản Tân Phong 1 (lớp người đầu tiên chuyển đến định cư ở Tân Phong) cho biết: So với trước đây thì ngày nay Tân Phong đã khác rất nhiều, không còn là vùng đất hoang sơ nữa. Người dân thường xuyên được cán bộ huyện, xã tập huấn về  kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; khuyến khích, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tăng cao giá trị kinh tế. Giao thông phát triển thuận lợi; nhà nào cũng có điện thắp sáng, có nước hợp vệ sinh để sử dụng, trên 98% số hộ trong bản có xe máy, ti vi… Trong bản có nhiều gia đình làm kinh tế giỏi; trâu, bò trên 20 con, có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/hộ/năm. Tiêu biểu như các gia đình ông, bà: Lò Thị Hơm, Lò Văn Sung, Ðiêu Chính Diểng... Hiện nay, bản Tân Phong 1 có 86 hộ, 376 khẩu, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 46 hộ. Cả bản hiện có 14ha lúa ruộng, 24,6ha lúa nương, 3ha ngô, 5ha sắn; tổng đàn gia súc trên 400 con… lương thực bình quân đầu người đạt 300kg/người/năm.

Dẫu biết công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Tân Phong còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp trong huyện, với sự cần cù, chịu thương chịu khó của mỗi gia đình nơi đây, Tân Phong sẽ ngày càng khởi sắc.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top