Những giọt hồng nhân ái

08:53 - Thứ Năm, 29/08/2019 Lượt xem: 11105 In bài viết

ĐBP - Với thông điệp “Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, những năm qua hiến máu tình nguyện (HMTN) trên địa bàn tỉnh ta đã trở thành phong trào lớn của toàn xã hội, mang đậm tính nhân văn, nhằm cứu giúp người bệnh cần máu trong cơn nguy kịch. Ðặc biệt, HMTN không chỉ là cách để mỗi người làm việc thiện mà hơn thế nữa đó còn là cách để họ cảm nhận hạnh phúc, là trao gửi yêu thương đến với người bệnh cần máu...

Ðoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang và nhân dân TP. Ðiện Biên Phủ tham gia chương trình “Hành trình đỏ”.

Những ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi có dịp về phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) thăm gia đình bà Phạm Thị Nguyệt - một điển hình trong phong trào HMTN. Nhớ lại lần đầu tiên tham gia HMTN (năm 2002) bà Phạm Thị Nguyệt, bộc bạch: “Trước đây, phong trào HMTN ở phường nói riêng và thành phố nói chung chưa phổ biến, đa phần người dân vẫn còn mang nặng suy nghĩ đứt tay mất máu đã sợ, huống chi là cho đi một lượng máu lớn trong cơ thể rồi tâm lý lo sợ lây nhiễm bệnh khi lấy máu qua bơm kim tiêm... dẫn tới việc tuyên truyền HMTN gặp rất nhiều khó khăn”. Do vậy, để người thân hiểu rõ hơn về nghĩa cử cao đẹp của HMTN, tôi thường tranh thủ những lúc họp gia đình chia sẻ về phong trào HMTN và những lợi ích để các thành viên hiểu rõ, đây là nghĩa cử cao đẹp không chỉ mang lại sự sống cho người khác mà còn tốt hơn cho sức khỏe. Sau 30 lần hiến máu, tôi cảm thấy mình sống có ích hơn, vui vẻ, hạnh phúc vì những giọt máu hồng của mình có thể sẽ cứu sống được một người nào đó. Không chỉ trực tiếp hiến máu, bà Nguyệt còn vận động người thân, con cháu trong gia đình tham gia nhiều chương trình HMTN.

Không chỉ có những gia đình tiêu biểu mà trên hành trình trao giọt hồng nhân ái còn xuất hiện nhiều tấm gương tiên tiến góp phần “Sẻ giọt máu đào - trao niềm hy vọng”... Anh Trần Quốc Văn, thị trấn Ðiện Biên Ðông, người đã 23 lần HMTN, là một điển hình. Chia sẻ với chúng tôi anh Văn nói: “Trước đây, khi nói đến HMTN tôi thấy e ngại. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ tư vấn và tìm hiểu trên các kênh thông tin đại chúng về công tác HMTN tôi hiểu HMTN không có hại đến sức khoẻ mà còn giúp cơ thể sản sinh ra lượng máu mới tốt hơn. Ðặc biệt, những giọt máu tôi hiến tặng sẽ cứu sống được những người đang nguy hiểm đến tính mạng do thiếu máu nên khi có yêu cầu đột xuất hiến máu cứu người tôi luôn sẵn sàng”. 

Có thể thấy rằng, những gia đình, dòng họ, tấm gương điển hình trong phong trào HMTN không chỉ là những tấm gương sáng mà chính họ cũng là những tuyên truyền viên xuất sắc mang thông điệp cứu người tới toàn thể xã hội. Họ thường nói về hiến máu như là một việc “được” ở nhiều thứ: Ðược kiểm tra sức khỏe, gắn kết dòng họ, có nhiều lợi ích thiết thực với người đi hiến máu. Cứ thế, đến nay phong trào HMTN trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa rộng rãi, không chỉ ở thành thị mà ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới người dân cũng tự nguyện tham gia hiến máu cứu người.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh, năm 2018 toàn tỉnh đã tiếp nhận 4.084 đơn vị máu; đáp ứng 80% nhu cầu máu tại bệnh viện. Một số đơn vị điển hình: huyện Mường Chà, Tuần Giáo, Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên... Tính hết tháng 8/2019, toàn tỉnh đã vận động hơn 4.000 người tham gia 16 cuộc HMTN, tiếp nhận 3.077 đơn vị máu. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ ngân hàng máu sống đã tích cực tham gia hiến máu khẩn cấp trong cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Dân, Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh chia sẻ: HMTN là việc làm rất đáng trân trọng và cần thiết trong xã hội, thể hiện truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc. Vì vậy, để nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, với phương châm “Không để bệnh nhân chết vì thiếu máu”, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới với nhiều hình thức phong phú, như cấp phát tờ rơi, tranh ảnh, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu...; Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh còn tích cực phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội xây dựng phong trào HMTN, phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng “Mình vì mọi người, của mỗi cá nhân trong xã hội”.

Ðể góp phần cổ vũ, động viên, vận động các tầng lớp nhân dân có đủ sức khỏe tích cực tham gia HMTN, cung cấp đủ máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh, xây dựng nét đẹp văn hóa “Hiến máu cứu người”; thông qua nhiều chiến dịch, như: HMTN trong dịp tết và Lễ hội Xuân hồng; Hành trình đỏ; Ngày Toàn dân HMTN 7/4, Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6... Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh đã thực sự gắn kết những trái tim chung nhịp đập vì cộng đồng; nhân rộng các điển hình tiên tiến trong HMTN. Ðặc biệt, HMTN không còn là trách nhiệm riêng của một cá nhân cụ thể mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để những giọt hồng nhân ái sẽ góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm máu của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh; đồng thời mang lại niềm tin, hy vọng sống cho thêm nhiều bệnh nhân.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top