Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Mường Nhé

09:50 - Thứ Tư, 04/09/2019 Lượt xem: 12543 In bài viết

ĐBP - Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giúp người dân tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập, những năm gần đây, huyện Mường Nhé đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, với đặc thù là huyện vùng cao với phần đông bà con dân tộc thiểu số trình độ nhận thức còn hạn chế, đã gây khó khăn cho công tác đào tạo nghề, khiến việc đào tạo chưa chuyên sâu, chưa hiệu quả, nhiều bà con đã được đào tạo vẫn chưa biết áp dụng vào thực tiễn, gây lãng phí thời gian học nghề.

Cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Nhé hướng dẫn người dân xã Mường Nhé chăm sóc, chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Việt Hòa, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: “Ðể nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, huyện Mường Nhé đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, như: Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện tăng cường quản lý hoạt động dạy nghề; sử dụng kinh phí hỗ trợ học nghề xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đảm bảo cho công tác đào tạo; tổ chức các lớp đào tạo dựa trên nhu cầu thực tiễn của người lao động gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng xã; đồng thời, khuyến khích, động viên thanh niên, người trong độ tuổi lao động học nghề, tham gia thị trường xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập”.

Từ đầu năm 2019, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; phối hợp với các ban, ngành, đơn vị, như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh... tích cực tuyên truyền các chế độ, chính sách của nhà nước, vận động bà con tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn do Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Mường Nhé tổ chức để phát triển đa dạng lao động, cải thiện cuộc sống.

Bằng hình thức đào tạo cầm tay chỉ việc, trong 8 tháng qua, huyện Mường Nhé đã tổ chức 9 lớp dạy nghề cho gần 250 học viên là lao động nông thôn. Trong đó, 6 lớp kỹ thuật trồng và khai thác rừng; 1 lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò; 1 lớp kỹ thuật bảo quản, sơ chế nấm; 1 lớp kỹ thuật xây dựng. Ðiểm mới trong việc tổ chức các lớp năm nay là có lớp học vào buổi tối và tổ chức ngay tại bản, khu vực đông dân cư sinh sống. “Qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề năm nay, chúng tôi thấy đa số người lao động đã có cách nhìn mới trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, biết tận dụng tài nguyên đất đai và các điều kiện thiên nhiên ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” - ông Trần Việt Hòa cho biết thêm.

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Nhé vào buổi tối, khi các lớp đào tạo nghề cho nông dân đang diễn ra. Anh Lò Mai Phong, giáo viên tại trung tâm đang trực tiếp hướng dẫn 20 học viên kỹ thuật chăn nuôi, phòng, trị bệnh cho trâu bò. Trong giờ giải lao, anh Phong chia sẻ: “Lớp học đa phần là học viên người dân tộc thiểu số, nhiều người chưa thành thạo tiếng phổ thông, đồng thời họ vẫn giữ tập quán sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp với kỹ thuật lạc hậu nên chúng tôi rất khó giảng giải cho họ. Tuy nhiên, để rút kinh nghiệm những lớp học năm trước, năm nay chúng tôi áp dụng cầm tay chỉ việc, học đến đâu làm đến đấy, với các bài học thực hành nhiều hơn lý thuyết và thường xuyên có sự kiểm tra, đánh giá cho bà con rút kinh nghiệm. Như vậy bà con mới nhớ được kiến thức và thao tác thực hiện”.

Ðược sự hướng dẫn tận tình, cụ thể của giáo viên, nhiều học viên trong lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng, trị bệnh cho trâu bò rất chú tâm lắng nghe và mạnh dạn trao đổi thông tin, thảo luận những vấn đề còn vướng mắc. Chị Lường Thị Binh, người dân bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé cho biết: “Trước đây tôi đã từng được tập huấn cách chăm sóc, trị bệnh cho trâu bò, nhưng chưa áp dụng thực tiễn nên tôi đã quên nhiều kiến thức cơ bản. Nay được cán bộ, giảng viên hướng dẫn lại cụ thể, rõ ràng hơn, đồng thời áp dụng thực tế giúp tôi dễ hiểu, dễ nhớ và áp dụng tốt hơn. Ví dụ như kiến thức tự tiêm cho trâu, bò khi bị bệnh rất bổ ích đối với tôi và những bà con trong lớp. Sau lớp học này, chúng tôi có thể tự tin xử lý một số bệnh cho trâu, bò…”.

Dựa trên nhu cầu thực tế của lao động các xã, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cũng mở các lớp học sát thực với khả năng lao động và thời vụ của bà con. Như lớp học trồng cây ăn quả, cây công nghiệp được tổ chức mới đây, cũng đóng góp vai trò thực tế, hữu ích đối với bà con các xã: Nậm Kè, Mường Toong, Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải... Tại một lớp học của người dân bản Sen Thượng, xã Sen Thượng về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, được mở do nhu cầu thực tế của bà con khi tham gia làm công nhân Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên; bà con được giảng viên trung tâm hướng dẫn cụ thể các kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc cho cây mắc ca. Từ đó, nhiều người đã yên tâm hơn khi tham gia làm việc cho Công ty. Anh Chang Văn Lòng, người dân bản Sen Thượng, cho biết: “Nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, chúng tôi sẽ áp dụng vào thực tế lao động, sản xuất. Tôi tin rằng, công việc của tôi sẽ phát huy tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn, từ đó tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống”.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top