Quyết tâm cho cuộc di dời

08:25 - Thứ Năm, 05/09/2019 Lượt xem: 13410 In bài viết

ĐBP - Gần chục năm qua, vết nứt dài khoảng 1km đột nhiên xuất hiện tại trung tâm xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) trở thành mối đe dọa đối với hàng chục hộ dân sống trong khu vực, trước những nguy cơ sạt lở, sụt trượt. Ðặc biệt, khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng khi vết nứt có xu hướng phát triển mạnh thêm về phía Ðông, tiếp tục gây ra các hiện tượng đứt gãy, sạt lở, làm hư hỏng nhiều công trình xây dựng trên địa bàn và đe dọa đến sự an toàn tính mạng người dân. Trước mối đe dọa thường trực, mới đây cấp ủy, chính quyền huyện Ðiện Biên Ðông, xã Tìa Dình đã huy động nguồn lực tuyên truyền, vận động nhân dân và khẩn trương triển khai các phần việc, với quyết tâm hoàn thành các phương án cho một cuộc di dời trong tháng 9/2019.

Gia đình anh Sùng A Di, bản Tìa Dình C tháo dỡ nhà để di chuyển đến nơi ở mới.

Những cảnh báo cấp thiết

Xuất hiện khoảng gần chục năm trước, đã nhiều lần kiểm tra, song tình trạng đứt gãy, sạt lở tại trung tâm xã Tìa Dình mới chính thức được Sở Tài nguyên & Môi trường đưa ra đánh giá cụ thể hồi tháng 4/2019, sau khi xuất hiện những vết nứt lớn, gây hoang mang cho nhiều người dân nằm trong vùng ảnh hưởng. Theo báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ “Ðiều tra hiện trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sụt lún, trượt lở khu vực trung tâm xã Tìa Dình và đề xuất biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại” được đơn vị này tổng hợp, xác định thì khối trượt có quy mô vào loại đặc biệt lớn, với diện tích hơn 12ha; với chiều dài 760m, chiều cao 150m, đỉnh khối trượt rộng 310m, cung trượt rộng nhất là 420m. Ðặc biệt, tại chân khối trượt có nước xuất lộ ở dạng thấm rỉ, theo phân tích thì đây là nơi tích đọng nước mặt vào mùa mưa và là nơi hoạt động nước ngầm vào mùa khô.

Về mặt địa hình, mặt trượt chính có sự liên thông với khe suối phía Tây, do đó khi mưa xuất hiện, nước mặt sẽ dễ dàng thâm nhập vào mặt trượt, có thể thúc đẩy quá trình trượt diễn ra nhanh hơn. Trên thực tế, đợt mưa diễn ra hồi đầu tháng 3/2019 đã làm cho nội bộ khối trượt xuất hiện thêm một số khe nứt, sụt lún, qua đánh giá cho thấy khối trượt đang trong thời kỳ hoạt động.

Ngoài ra, cách khối trượt chính khoảng 250m về phía Ðông Nam cũng xuất hiện một khối trượt có quy mô nhỏ hơn, với diện tích 0,2ha, đỉnh trượt cách nhà dân khoảng 5m, cách trường mầm non khoảng 60m.

Ngay sau những khảo sát và dự báo, tình trạng sạt lở, sụt lún và nứt gãy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, phía trên núi ở độ cao khoảng 20 - 30m có vết nứt dài hàng trăm mét. Theo nhận định, vết nứt trên núi đã tạo nên sự biến động kết cấu địa chất khu vực phía dưới, là nguyên nhân xuất hiện vô số những vết nứt, gãy tại các khu vực trong bản Tìa Dình C.

Căn nhà nằm cạnh cổng trụ sở UBND xã Tìa Dình của anh Giàng A Sinh là một ví dụ điển hình cho thấy mức độ ảnh hưởng của tình trạng nứt gãy ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo anh Sinh: Tháng 8/2018, ngôi nhà xuất hiện vết nứt dài gần 10m, chạy từ sân vào nhà, khiến một gian bị lún xuống khoảng 20cm. Ðến nay lại có thêm 2 vết nứt rộng gần 10cm nữa ở trong nhà, khiến nền của toàn bộ căn nhà bị sụt lún. Mái kè bằng đá cũng bị nứt hết, công trình phụ trợ phía sau nhà đều bị nghiêng. “Gia đình tôi ở đây đã lâu, không có chỗ ở khác để di chuyển. Cứ ở như thế này thì rất lo lắng, không yên tâm để sinh sống. Hiện tôi mong mỏi nhất là chính quyền và các ngành chức năng sớm hoàn tất phương án di chuyển để chúng tôi được đến nơi an toàn” - anh Sinh chia sẻ.

Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) cho biết: Thống kê cho đến thời điểm hiện tại có tất cả 73 hộ nằm trong khu vực lún trượt, trong đó có 23 hộ đã sinh sống ổn định, lâu dài tại khu vực sụt lún, trượt lở từ nhiều năm nay nên cần đến sự hỗ trợ khẩn cấp của UBND huyện với phương án di chuyển tạm thời. Vì liên quan trực tiếp đến tính mạng và sự an toàn của người dân nên đây là việc làm khẩn cấp.

Ðất nền của gia đình anh Giàng A Sinh đã sụt lún gần 1m so với ban đầu.

Ðẩy nhanh tiến độ di dời

Mới đây, bằng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng, Dự án “Di chuyển tạm thời khu trung tâm xã Tìa Dình, huyện Ðiện Biên Ðông”, với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng đã được khởi động. Mục tiêu của dự án là di chuyển 73 hộ (trong đó 23 hộ phải di dời bố trí đất ở mới, 32 hộ di dời không phải bố trí đất ở mới, 18 hộ giáo viên phải di dời theo trường học) đến khu định cư tập trung xã Tìa Dình và đầu tư tạm thời khu vực bố trí dân cư, các công trình trụ sở UBND xã, trường tiểu học, khu nội trú học sinh Trường THCS Tìa Dình ở khu vực có nguy cơ sụt lún, trượt lở về khu vực tái định cư đảm bảo an sinh, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, do thi công vào đúng thời gian cao điểm mùa mưa nên gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án. Ông Nguyễn Quốc Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Mưa liên tiếp khiến các phần việc trở nên vô cùng khó khăn, nhất là liên quan đến việc tạo mặt bằng và áp lực về tiến độ xây dựng công trình trường học cho kịp năm học mới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thường xuyên động viên anh em thi công phát huy hết trách nhiệm, tận dụng thời gian và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh nhà thầu thi công, chính quyền xã cũng huy động toàn lực lượng, sẵn sàng túc trực, dốc sức hỗ trợ các đơn vị trường học, nhà dân khi có yêu cầu. Ðược biết, đến nay nhà làm việc tạm thời, cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị của UBND xã Tìa Dình được đặt tại khu vực Trạm Y tế xã đã hoàn tất và đi vào hoạt động. Cơ sở hạ tầng mới, phục vụ nhu cầu dạy và học của thầy, trò Trường PTDTBT - Tiểu học Tìa Dình tại bản Chua Ta cho đến thời điểm hiện tại đã xây dựng cơ bản hoàn tất.

Ðối với 23 hộ dân được di chuyển đến khu vực Giống Lừ, bản Tìa Dình B, phần san nền, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di chuyển được huyện lập thành 1 dự án, sử dụng 2 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách để triển khai thực hiện. Bằng nguồn vốn dự phòng của các cấp, đã bố trí 120 triệu đồng để giải phóng mặt bằng 8.000m2 tại khu đất ở vị trí “yên ngựa”, đối diện với trạm y tế mới, thuộc tiểu khu 785, 787, cách trung tâm xã (cũ) khoảng 1km. Cho đến thời điểm này, đơn vị thi công đã hoàn thành san gạt mặt bằng và đang hoàn tất việc xây dựng các công trình phụ trợ, như: Ðường giao thông, điện, nước sinh hoạt... Dự kiến, trước trung tuần tháng 9 này sẽ cho người dân bốc thăm vị trí đất để di chuyển đến ở.

Ðối với 32 hộ còn lại có nhà ở nơi khác, theo Chủ tịch UBND xã Tìa Dình Tráng A Dia: Hiện nay, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quay trở về nơi ở cũ. Và việc này đang gặp khó khăn do liên quan trực tiếp đến đời sống của các hộ dân này. Bởi hầu hết các hộ dân trước đây di chuyển về trung tâm xã để thuận tiện làm ăn, buôn bán, giờ về nơi ở cũ họ lo lắng việc mưu sinh; một số hộ đã làm nhà kiên cố hoặc trước khi dời đi đã bán nhà, giờ quay về không tìm được đất… Tuy nhiên, bước đầu đã có những hộ gương mẫu tích cực di chuyển.

Một trong những hộ tiêu biểu đầu tiên tự nguyện di chuyển khi chưa có hỗ trợ là gia đình anh Sùng A Di, bản Tìa Dình C. Những ngày trung tuần tháng 8 vừa qua, được sự hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ xã, gia đình anh đã nhanh chóng hoàn tất việc di chuyển nhà về nơi ở mới, cách điểm sạt lở chừng hơn 1km. Trao đổi với chúng tôi về việc làm này, anh Di tâm sự: “Vợ chồng tôi tích góp mãi mới làm được căn nhà vững chãi, vừa hoàn thành chưa được bao lâu, giờ di chuyển đi cũng không muốn đâu. Nhưng sau trận mưa lớn đầu mùa vừa qua, nền nhà xuất hiện 2 vết nứt lớn lắm. Từ đó đến nay, mỗi khi mưa xuống nỗi lo cứ thường trực khiến tôi không thể yên tâm để vợ con ngủ trong nhà. Giờ chính quyền xã vận động như thế, cũng vì sự an toàn cho mình thôi, nên tôi quyết định chuyển đi. Giờ thì tạm yên tâm hơn rồi”.

Theo ông Tráng A Dia thì trường hợp chủ động như gia đình anh Di không phải nhiều, song không còn cách nào khác là phải tiếp tục kiên trì tuyên truyền, vận động, vì chỉ khi họ thực sự nhận thức ra được vấn đề thì mới có sự đồng thuận. Ðể giúp đỡ các gia đình di chuyển, bước đầu ổn định cuộc sống, từ nguồn ngân sách huyện, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng, cùng sự đồng thuận từ phía người dân, hy vọng rằng dự án sẽ sớm hoàn tất theo đúng dự kiến. Ðể rồi tới đây thôi, những người dân từng phải sống trong những căn nhà chằng chịt vết nứt, sụt lún và nỗi lo thường trực mỗi khi mưa xuống, sang nơi ở mới, họ sẽ rạng rỡ hơn, yên tâm hơn trong căn nhà vững chắc. Dẫu rằng, vẫn còn đó những băn khoăn tất yếu của sự đổi thay, song trên hết là họ đã có thể “an cư” để “lạc nghiệp”.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top