Tủa Chùa nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

09:13 - Thứ Tư, 11/09/2019 Lượt xem: 13610 In bài viết

ĐBP - Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT) góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những năm qua huyện Tủa Chùa đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LÐNT nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Người dân xã Mường Báng thu hoạch ngô vụ hè thu năm 2019.

Trong quá trình 10 năm xây dựng NTM, huyện Tủa Chùa đã tổ chức 139 lớp đào tạo nghề cho LÐNT, đào tạo cho 4.627 lao động, trong đó 94% lớp đào tạo nghề nông - lâm nghiệp. 100% đối tượng học nghề là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người bị thu hồi đất canh tác. Tỷ lệ LÐNT có việc làm sau đào tạo đạt 74%, chủ yếu là làm việc tại địa phương.

Ông Nguyễn Duy Hiệu, Trưởng phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội huyện Tủa Chùa cho biết: Hiệu quả công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò quan trọng của dạy nghề cho LÐNT để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho LÐNT, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Lao động sau đào tạo bước đầu đã áp dụng những kiến thức, kỹ năng và khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi; nhiều mô hình điểm do các lớp đào tạo nghề xây dựng đã được người dân nhân rộng, có hiệu quả kinh tế. Kết quả công tác đào tạo nghề đã đáp ứng mục tiêu đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, 100% các xã trên địa bàn đều đạt chuẩn tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm.

Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, UBND huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Ðảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho LÐNT; vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội. Các đơn vị tổ chức dạy nghề thường xuyên đổi mới và mở rộng ngành nghề lĩnh vực đào tạo trên cơ sở khảo sát nhu cầu đào tạo của học nghề của người dân và tiềm năng, lợi thế của địa phương như: nghề xây dựng, chế biến chè, chế biến nông sản, thêu dệt thổ cẩm. UBND huyện Tủa Chùa thực hiện việc phân bổ kinh phí hoạt động đầy đủ, kịp thời để đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí cho LÐNT học nghề, kinh phí tuyên truyền, tư vấn, điều tra, rà soát nhu cầu đào tạo nghề hàng năm; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, phát triển xây dựng chương trình, giáo trình… Các đơn vị dạy nghề liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện và các doanh nghiệp triển khai các dự án tại huyện ưu tiên tuyển dụng, ký hợp đồng lao động với lao động đã qua đào tạo nghề tại các xã, thị trấn; khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động tại doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý công tác đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nghề cho LÐNT, nhất là huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và nhân dân trong việc giám sát, phản biện đối với công tác đào tạo nghề tại địa phương.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa là đơn vị phụ trách chính công tác đào tạo nghề cho LÐNT trên địa bàn. Ông Lê Sỹ Tường, Giám đốc Trung tâm cho biết: Ðể nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, trước hết, Trung tâm tập trung thực hiện tốt công tác khảo sát, thăm dò nhu cầu đào tạo của lao động kết hợp với đánh giá đúng những tiềm năng, lợi thế của địa phương - nơi có kế hoạch mở lớp đào tạo nghề. Sau đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tư vấn, vận động lao động đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề. Trung tâm đẩy mạnh việc xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề và thường xuyên tiếp cận, đưa vào chương trình giáo dục những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để học viên tiếp cận và áp dụng vào thực tế. Ðồng thời, chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng định kỳ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Song song với công tác đào tạo, Trung tâm đã liên kết với một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để ký hợp đồng với các học viên sau khi kết thúc các khóa đào tạo.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top