Mường Khoe – Những câu hỏi lặng vào thinh không (kỳ I)

10:21 - Thứ Năm, 12/09/2019 Lượt xem: 21495 In bài viết

ĐBP - Mường Khoe - thung lũng xứ sở hoa ban, một loài hoa mang vẻ đẹp thuần khiết, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Có lẽ cũng bởi thế mà nhiều người thường ví von những sơn nữ xứ Mường Khoe đẹp thuần khiết như bông hoa ban rừng. Thế nhưng, chẳng hiểu vì mặt trái của sự phát triển, hay vì quá “non nớt” trước những cám dỗ ngày một gia tăng của cuộc sống hiện đại, vài năm gần đây những “bông ban rừng” ngây ngô ấy cứ lần lượt kéo nhau “rời non” về nơi phồn hoa đô hội, “mất tích” một cách đầy bí ẩn. Để lại biết bao câu hỏi cứ lặng vào thinh không cho những người ở lại…

Kỳ II:  Vì sao chẳng chọn "đường quang"?

Kỳ III: Không nhất quán về nhận thức

Kỳ IV: Cần phải thay đổi nhận thức và hành động

Kỳ I: Những cuộc "mất tích" bí ấn

Nhiều câu chuyện nhỏ to xung quanh những cuộc "mất tích" bí ẩn làm xôn xao dư luận đã kéo chúng tôi về huyện Mường Ảng. Và quả thực, sau nhiều chuyến về các xã, bản để lắng nghe, tìm hiểu về sự ra đi mịt mù, khó hiểu của những học sinh tuổi THCS, THPT, đặc biệt là học sinh nữ; những băn khoăn, lo lắng cứ ngày một dày thêm. Trong căn nhà nhỏ, những câu hỏi cứ ngày một lớn dần lên...

Chị Cà Thị M. bản Lé, xã Ẳng Nưa bên ngôi nhà cũ hàng ngày vẫn ngóng tin con.

Sau Tết Nguyên đán, vợ chồng anh chị Lường Văn T., Lò Thị L. ở bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng cẩn thận chuẩn bị đồ dùng cho con xuống trường nội trú để bắt đầu vào học. Nhưng rồi, chẳng lâu sau lại nhận được cuộc gọi từ cô giáo chủ nhiệm bảo con gái anh chị chẳng biết đi đâu mà không thấy ở trường. Cùng lúc ấy, cả bản có đến 3 bé gái học cùng, cũng mang theo đầy đủ đồ dùng đi học mà chẳng thấy ở trường. Điện thoại gọi không nghe, nhắn tin không trả lời, hỏi bạn bè không ai biết. Lúc ấy, chị L. mẹ của N. khụy xuống, nước mắt cứ trào ra, đứa con gái bé bỏng của chị, ở nhà lo cho mình còn chưa xong thì biết đi đâu?. Bao nhiêu câu chuyện từng nghe, từng xem trên báo, đài, ti vi và mạng xã hội về trường hợp bị bắt cóc bán qua biên giới, rồi bị ép làm gái mại dâm, bóc lột sức lao động, thậm chí là giết người lấy nội tạng... như những thước phim quay chậm cứ thế hiện ra trước mắt. Cố giữ bình tĩnh để trấn an vợ, anh T. mắng át đi, nhưng lòng thì như lửa đốt. Lục tìm khắp bản, rồi lại lên trường hỏi bạn bè cùng lớp, cùng trường của con xem có ai biết gì về việc con mình vắng nhà hay không...

Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Cà Thị M. ở bản Lé, xã Ảng Nưa vào ngày cuối cùng của năm học 2018 - 2019 (ngày 31/5) là bà Lò Thị Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa. Ngôi nhà 3 mẹ con chị M. sống, chắc cũng đã được làm từ khá lâu rồi nên cũ kỹ và xuống cấp nhiều quá. Khuôn mặt khắc khổ, buồn rầu, câu chuyện giữa chúng tôi mãi mới bắt đầu cởi mở hơn được; cũng là lúc mà chị M. không còn dấu nhưng cảm xúc đã đè nén trong lòng. Giọt nước mắt cứ chực trào ra khi chị lấy cho chúng tôi xem tập giấy khen của con gái đầu sau 9 năm học. Chị M. bảo: "Làm xong bài thi môn cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THCS là không biết con gái tên Lò Thị P. đi đâu?. Ở phía góc nhà, em gái của P. nhìn mẹ nói chuyện với chúng tôi với ánh mắt buồn rười rượi. Hôm nay là ngày học cuối cùng của năm học 2018 - 2019, trong danh sách em có đạt học sinh tiên tiến nhưng chẳng hiểu vì sao sáng nay chưa thấy cô trao. Nhưng dù gì đi nữa, trong tập giấy khen chị M. đang cẩn thận lật giở trên tay có cả của em từ những năm học trước...

Có 1 nhân vật thật đặc biệt mà chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi 2 lần trong gần 4 tháng tìm hiểu thực tế ở Mường Ảng, đó là anh Lò Văn T., bản Lé, xã Ẳng Nưa. Trong khi, ở lần gặp đầu tiên vào cuối năm học 2018 - 2019 cho chúng tôi chút hy vọng, sự yên tâm vì những nỗ lực quản lý, bảo ban dạy giỗ con; thì chưa bước vào năm học mới, đã nhận được cuộc gọi của anh trong chóng vánh và bất lực: "Mình không giữ được con gái nữa rồi...".

Câu chuyện anh kể với cách đây chừng gần 4 tháng, chúng tôi vẫn còn nhớ như in: Một chiều khi đang làm việc ở xã, có người gọi cho anh bảo: "Thấy con mày ngồi trên xe máy người lạ". Biết ngay có chuyện, anh bỏ vội công việc phi xe máy tìm con. Chạy khắp các ngả đường, cuối cùng anh thấy không chỉ con gái mình mà thêm cả chị họ của cháu đang trên xe máy người đàn ông lạ. Nhìn có vẻ cũng không phải là dễ dàng trao đổi, nên gọi anh trai ra ngay nơi hẹn. Để đưa được con và cháu gái quay về, hai anh em đã phải giằng co cãi vã giữa đường. Sau này, có người còn cho hay, ngày hôm ấy cả xe máy chở con, cháu anh tổng cộng là 5 chiếc; mỗi xe 2 đứa trẻ cả nam và nữ từ các bản đi ra. Chỉ 2 đứa trẻ là con và cháu anh được "lôi" về, còn lại thì không biết đi đâu. "Giá mà giữ cả lại được thì may quá" - chúng tôi nói. Anh T. bảo: Con mình còn như muốn đánh nhau; người lôi xuống, kẻ kéo lên xe mãi mới được, huống chi là con người khác. "Chỗ đã có người đặt, vé đã có người lớn trả tiền, đến nơi có người ra đón... mình là gì mà cản được".

Một góc bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng.

Sau lần ấy, suốt mấy tháng hè con gái anh chẳng đi đâu. Gần gũi con nhiều hơn để chia sẻ, hỏi han, vợ chồng anh T. tin rằng suy nghĩ của con đã thông suốt, nên gần đây để chuẩn bị vào năm học mới, anh đèo con gái đi mua 1 chiếc điện thoại di động đơn giản thôi để gia đình liên lạc. Nhưng đau đớn là, ngay chiều hôm ấy, con gái anh xin đi sinh nhật bạn ở trong bản, rồi cầm luôn chiếc điện thoại đi đâu không ai biết. Từ bấy đến nay cũng đã hơn 1 tháng rồi...   

 Những cuộc biến mất như thế không phải là hiếm ở bản Mánh Đanh, bản Lé và nhiều nơi khác nữa trên địa bàn huyện Mường Ảng. Mỗi trường hợp một cách "rời non", song có rất nhiều điểm mà chúng tôi cho là không thể nào hiểu nổi. Những bản nhỏ cheo leo mà sao chứa nhiều câu hỏi đến thế. Những đứa trẻ chưa một lần rời bản, trong túi chẳng một cắc một xu, ở nhà còn chưa biết tự chăm mình... ấy vậy mà chỉ một thoáng cuối chiều đã biến mất khỏi vòng tay gia đình, nhà trường. Vậy chúng đi đâu? Đi bằng cách nào? Đi với ai? Lấy tiền đâu để mà ăn, mà tiêu? Tiền đâu mà lên hẳn những chiếc xe đường dài giường nằm liên tỉnh chờ sẵn?...

Chắc hẳn nhiều người sẽ tự hỏi, vì sao những "bông ban nhỏ" ấy, lại nhất định hết lần này đến lượt khác "rời non", theo cái cách để lại bao nhiêu dấu hỏi cho cha mẹ, gia đình, nhà trường đến thế. Do học kém ư? Không phải, vì thực tế là có nhưng bé nhiều năm là học sinh tiên tiến, vẫn bỗng dưng một ngày chẳng biết đi đâu.

 Hay là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn? Đúng là trong những trường hợp bỗng dưng "biến mất" khỏi vòng tay gia đình, nhà trường có nhưng em gia đình đông con, kinh tế khó khăn, thiếu thốn; bố mẹ bỏ nhau, mỗi người một ngả để con sống cùng ông bà với thiếu thốn cả kinh tế và thiệt thòi hơn nữa là tình mẹ, tình cha. Song đó chưa phải là tất cả. Bởi nhiều em trong số đó có một gia đình đủ đầy, về cả kinh tế và tình cảm gia đình, dòng họ... Song vẫn "mất tích" khỏi địa bàn không rõ nguyên nhân; những dấu hỏi để lại càng khó hiểu thêm.

Liệu có phải, còn câu hỏi nào đó nữa mà chúng ta thậm chí còn chưa thể tìm ra? Song có một điều chắc chắn rằng, ở một góc nhìn nào đó, cuộc sống, sự bình yên ở nhiều bản vùng cao đã không còn yên bình nữa. Sau nhưng ngày đêm "cháy cổ, héo lòng" tìm con, là những tháng ngày mà nhiều bậc làm cha, làm mẹ sống trong lo lắng, chờ đợi, băn khoăn, đồn đoán triền miên.

Trong những bản nhỏ nằm cheo leo bên lưng đồi, vạt suối; nhưng bao nhiêu câu hỏi cứ lớn dần lên đã thôi thúc chúng tôi gặp gỡ nhiều hơn, tìm kiếm nhiều hơn câu trả lời cho những câu hỏi đang âm ỉ, da diết từ những bản vùng cao...

  Kỳ II:  Vì sao chẳng chọn "đường quang"?

Bài, ảnh: Hải Yến - Tuấn Anh - Mai Thủy
Bình luận
Back To Top