Mường Khoe – Những câu hỏi lặng vào thinh không (kỳ II)

09:44 - Thứ Sáu, 13/09/2019 Lượt xem: 24410 In bài viết

Kỳ II:  Vì sao chẳng chọn "đường quang"?

ĐBP - Như chúng ta đều biết, mọi điều kiện dành cho người học, đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chưa bao giờ được Đảng, Nhà nước quan tâm hết mức như ngày nay. Và rõ ràng, không thể nào phủ nhận học hành là con đường sáng nhất để đi đến tương lai tốt đẹp. Vậy thì vì cái gì, mà những "bông ban" còn đang chớm nở ở vùng đất nổi tiếng là đẹp, đúng như cái tên Mường Khoe lại nhất định không chọn cho mình "đường quang" để đi? Điều gì đang chờ các em ở phía trước, với lối “rẽ ngang” tiềm ẩn nhiều rủi ro? Và ai sẽ là người kéo các em trở lại nơi các em thuộc về…?

Kỳ I: Những cuộc "mất tích" bí ấn

Kỳ III: Không nhất quán về nhận thức 

Kỳ IV: Cần phải thay đổi nhận thức và hành động

Chỉ nhìn thấy “cái lợi” trước mắt        

Vào ngày 3 bé gái trong bản đang học ở Trường THCS Ẳng Cang bỗng dưng biến mất, người dân Mánh Đanh bàn tán xôn xao. Người thương cha các em đang cuống cuồng dò la tìm kiếm, người đoán già đoán non về việc chúng sẽ đi đâu, làm gì và tương lai rồi sẽ ra sao. Trong vô vàn những ý kiến nhỏ to ấy có người không ngại mà rằng: Chưa biết chừng lại như những chị, những cô trong bản đã từng đi trước đó, dăm bữa nửa tháng là đổi thay thôi. Đầu tóc cắt tỉa đổi màu, quần áo cũng xúng xính thời trang, móng tay móng chân lòe loẹt, túi xách hàng hiệu sẽ chưng diện như người thành phố...

Ông Hoàng Đức Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Ẳng Cang trong buổi làm việc với phóng viên.

Thật may là, sau nhiều cố gắng gọi điện nhắn tin, 2 ngày sau, 1 trong 3 đứa trẻ đã về được nhà; 2 em nữa thì vẫn còn chơi thêm đến 1 tuần. Mặc dù thế, cũng chẳng bao lâu sau em Lù Thị. C. lại tiếp tục bỏ đi đến cuối năm cũng không về thi tốt nghiệp.

Chúng tôi tìm đến nhà em Lường. T. N. - bé gái ở Mánh Đanh đã trở về theo lời cha mẹ sau hơn 2 ngày trốn đi chơi cùng chúng bạn. Cảm nhận ban đầu về N. là một cô bé nhỏ nhẹ, thậm chí có đôi phần nhút nhát. Sau nhiều giờ trò chuyện, N. mới chịu mở lòng: Lù Thị.  C. là bạn học cùng lớp với em. Chính bán ấy đã rủ em và một bạn nữa là Lò Thị. N. lớp 8A4 cùng trường, trốn học về Hà Nội chơi. Lúc đầu em không đồng ý, vì còn phải đi học và cũng không có tiền. Nhưng bạn ấy bảo, chỉ đi chơi vài ngày rồi về học tiếp, lại không phải lo tiền xe, tiền ăn gì cả; nên sau nhiều lần thuyết phục, em đã xiêu lòng. Hôm đó, sau khi ăn cơm tối, chúng em trốn ra ngoài thị trấn khu ngã ba chợ (đối diện Trường Tiểu học thị trấn) bắt xe Hùng Long về Hà Nội. 6 giờ sáng hôm sau đến bến xe Mỹ Đình, 3 đứa em được chị Nhung (chị họ của bạn C. cũng là người cùng bản đã đi làm ăn xa nhiều năm rồi) và 3 người đàn ông nữa trả tiền xe cho và đón về Hải Phòng.

Chúng em được bố trí ở một khu trọ, cùng với khoảng hơn chục chị, ai cũng mặc đẹp và trang điểm rất xinh. Đến bữa có người mang cơm đến tận nơi cho ăn mà không cần phải lo nấu nướng gì cả; còn chị Nhung và 3 người đàn ông kia thì đi chỗ khác. Ngay trưa hôm đầu tiên xuống, em bị bố mẹ phát hiện và gọi điện mắng, bắt về; em sợ quá nên hứa sẽ về ngay hôm sau. Còn 2 bạn kia thì cũng bị gia đình gọi nhưng vẫn ở chơi thêm vài ngày nữa.

Trong vụ việc của N., chiếc điện thoại thông minh và mạng xã hội chính là “cầu nối” để em và bạn bè của em trao đổi, lên kế hoạch cho một “cuộc trốn nhà” nhiều rủi ro. Nhưng nếu như nhìn một cách tổng quát, thì đây còn là nơi để các em dễ dàng tiếp cận với rất nhiều luồng thông tin khác nhau, không ngoại trừ những thông tin xấu, độc hại. Trong đó, đáng lưu ý là những thông tin giới thiệu việc làm, với những nội dung như: Làm việc tại nhà lương cao, không cần vốn mà thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng; việc nhẹ lương cao thu nhập khủng; tuyển nhân viên bao ăn ở, không mất tiền tàu xe đi lại, trả trước 2 triệu đồng… Hay cũng với nội dung ấy, nhưng được các đối tượng sao in ra giấy A4 phát, dán ở những nơi đông người, nới có nhiều phương tiện qua lại. Đây là một trong nhiều phương thức mà những tay môi giới đưa ra nhằm lừa gạt những “con mồi” nhẹ dạ cả tin như phụ nữ dân tộc thiếu số  hiểu biết còn nông cạn hoặc các em học sinh THCS, THPT suy nghĩ chưa chín chắn. Thực tế là, ở lứa tuổi của các em học sinh, thường chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để xác thực, chọn lọc thông tin, mà thường bị hấp dẫn ngay bởi những cái lợi trước mắt. Đây cũng chính là điểm yếu để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi lừa đảo.

“Sống vội” đánh đổi tương lai?

Sau hơn 1 năm bỏ học, về Hải Dương làm thuê theo lời rủ rê của bạn bè, cô bé Lường. Thị. M., bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) gần như đã “lột xác”. Không còn vẻ mộc mạc, ngây ngô của những cô gái miền sơn cước. Phía sau vẻ bề ngoài lã lượt, trau chuốt bởi phấn son, M. cho chúng tôi thấy hình ảnh của một con người từng trải, hiểu đời hơn và dè dặt hơn khi nói chuyện với chúng tôi.

Bỏ học giữa chừng khi đang theo dở chương trình lớp 9, M. cũng được người dắt mối, dẫn dụ và giúp đỡ bước sang con đường rẽ ngang. “Em làm tiếp viên trong quán karaoke. Những ngày đầu về đó, em không phải làm việc ngay mà được nghỉ ngơi đi chơi vài hôm, được đưa đi mua quần áo, làm tóc và có người hướng dẫn công việc (rót bia, bấm chuyển bài cho khách hát…). Chỗ em làm có hơn chục người nhưng chỉ có 2 đứa em là người Điện Biên, còn đâu toàn ở các tỉnh khác về làm. Khi làm ở đây mọi người không ai lấy tên thật. Anh chủ nhà hàng quen biết với xã hội đen, nên công việc của chúng em được bảo kê, không phải lo lắng nhiều. Nếu khách yêu cầu hát cùng hoặc uống bia cùng, chúng em vẫn làm bình thường. Thỉnh thoảng bọn em cũng phải chuyển khu trọ. Làm 10 ngày, thì em được thanh toán tiền công 1 lần. Ngoài bao ăn, ở ra thì bình quân em nhận về 5 triệu đồng cho 10 ngày; thỉnh thoảng cũng có khách cho thêm tiền…”.

Anh L.V.T., người dân xã Ẳng Nưa, trao đổi, cung cấp thông tin tình hình trên địa bàn cho phóng viên.

Qua nắm bắt thông tin dư luận và thực tế từ nhà trường, chính quyền địa phương, những gia đình có con em bỏ học đi làm ăn xa cho thấy, một số em vì điều kiện gia đình khó khăn, con hộ nghèo, cận nghèo, một số thì bố mẹ bỏ nhau, sống với ông bà nên thiếu sự quan tâm của gia đình, do vậy các em chán học, bỏ đi làm ăn xa; nhưng cũng có không ít em có hoàn cảnh gia đình bình thường, điều kiện kinh tế khá giả, được gia đình rất quan tâm; thậm chí có em bố hoặc mẹ là công chức nhà nước... nhưng vẫn bỏ học đi làm ăn xa. Một số em sau khi đi làm ăn xa một thời gian, về nhà đã không muốn học nữa, mà muốn được đi làm để có tiền phục vụ nhu cầu chi tiêu riêng của cá nhân như: Mua đồng hồ, điện thoại, quần áo đẹp… Đa phần trong số đó đều do bạn bè hoặc những người thân quen trong bản đã đi làm ở những nơi như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… rủ rê, thông qua nhắn tin, nói chuyện từ zalo, facebook.

Đơn cử như trường hợp gia đình anh Lò Văn T., bản Lé, xã Ẳng Nưa. Được đánh giá là có điều kiện ở địa phương, bản thân anh cũng công tác ở UBND xã, nhưng chính anh cũng “bất lực” trước đứa con gái của mình. Anh T. tâm sự: “Khuyên con chịu khó học để sau này có kiến thức, bằng cấp thì làm việc gì cũng thuận lợi, nếu không học chuyên nghiệp thì cũng phải học hết lớp 12 rồi học nghề. Cần gì, thích gì bố mẹ mua cho, tội gì con phải đi làm sớm. Thậm chí mẹ cháu còn bảo: “Có muốn đeo dây chuyền vàng không mẹ mua cho? Muốn mua xe máy SH không mẹ mua cho?” nhưng cháu bảo không, con chỉ muốn đi làm thôi… Mình cũng không hiểu chúng nó đi làm gì mà vài ngày đã có tiền; trong khi đó ở nhà chẳng được việc gì, bố mẹ vẫn phải chăm, chúng chỉ có mỗi việc học… Kiểm tra face book thấy đứa này hẹn đứa kia rồi toàn thấy chụp ảnh gửi trước khi đi; face book các cháu đều không sử dụng tên thật. Không biết chừng, tuyển rồi sau này dụ dỗ làm mại dâm; có thế thì mới phải bắt chụp ảnh đăng lên face book để cho ông chủ duyệt trước”?

Về thực trạng này, thầy giáo Hoàng Đức Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Ẳng Cang cung cấp thêm: Thường sau tết và nghỉ hè là lúc các em hay bỏ học để đi làm ăn xa. Đa phần các em đi trước một thời gian, có kinh nghiệm rồi về rủ rê thêm người khác. Cái nhìn thấy rõ nhất là các em đi vài hôm, khi về thường ăn mặc rất đẹp, nước hoa, son phấn thơm phức, lại có tiền tiêu. Các em học sinh khác nhìn vào lại có sự so sánh, từ đó tư tưởng phân vân. Mặc dù quy định của nhà trường cấm nhuộm tóc, đánh phấn, bôi son khi lên lớp, nhưng một số em thỉnh thoảng vẫn vi phạm. Đến hộ gia đình để tuyên truyền, vận động các em cần học hành chăm chỉ, thì nhiều phụ huynh, học sinh đặt câu hỏi: Học để làm gì? Rồi lấy dẫn chứng người này, người kia đi học chuyên nghiệp mấy năm về không xin được việc, nợ vay ngân hàng chồng chất; người nghỉ học đi bán hàng, đi làm thuê hàng ngày có thu nhập luôn... Hỏi thầy giáo xem thế nào? Những lúc như thế, chúng tôi rất khó trả lời, thậm chí không trả lời được, vì đấy thực tế tại địa phương, tại bản…!

Thời gian qua, Công an nhiều tỉnh, thành trong cả nước, như: Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội… đã giải cứu thành công nhiều vụ việc các bé gái nhẹ dạ, cả tin bị “sập bẫy” lừa đảo, dụ dỗ của các đối tượng xấu bỏ trốn gia đình, để rồi bị “ép buộc”, thậm chí đánh đập khi không chịu làm tiếp viên ở các quán karaoke, hoặc làm gái mại dâm. Điều đáng cảnh báo ở đây là các vụ việc nêu trên đều có chung một cách thức, một chiêu trò dụ dỗ tương tự như thực trạng đang diễn ra ở Mường Ảng. Không ai khẳng định những bé gái ở Mường Ảng sẽ vướng vào hoàn cảnh tương tự; nhưng cũng không gì có thể đảm bảo chúng không có nguy cơ xảy ra.

Tuy nhiên, theo chia sẻ thì việc thuê lao động dưới 18 tuổi là việc làm trái quy định của pháp luật, nên các em không được cơ sở sử dụng lao động ký kết hợp đồng, cũng không có bất cứ giấy tờ ràng buộc nào. Vậy khi không may xảy ra rủi ro, ai là người sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và bảo vệ các em?

Việc các nữ sinh THCS ở Mường Ảng bỏ học đi làm ăn xa như một cách “sống vội” vì cái lợi trước mắt mà bỏ đi cả một tương lai phía sau. Hôm nay, các em bỏ học đi làm, có thể có ngay tiền tiêu, mua sắm cho bản thân; nhưng công việc mà các em đang làm kéo dài được bao lâu? Khi không còn làm những công việc đấy nữa thì các em sẽ làm gì khi trong tay không có nghề, không có kiến thức?. Đây là hành động “đánh đổi thanh xuân”, “bán rẻ tương lai” của chính mình để lấy cái lợi trước mắt (tiền mua quần áo, son phấn, điện thoại...). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân các em mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự…

Để giải quyết vấn nạn các nữ sinh THCS bỏ học đi làm ăn xa không phải là việc dễ dàng. Trong một sớm một chiều không thể giải quyết được mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các cơ quan chức năng, sự chung tay của cả cộng đồng. Vậy các cơ quan chức năng nói gì…?

Kỳ III: Không nhất quán về nhận thức 

Bài, ảnh: Hải Yến - Tuấn Anh - Mai Thủy
Bình luận
Back To Top