Mường Khoe – Những câu hỏi lặng vào thinh không (kỳ III)

21:21 - Chủ Nhật, 15/09/2019 Lượt xem: 16832 In bài viết

Kỳ III: Không nhất quán về nhận thức  

ĐBP - Trong suốt hành trình đi tìm lời giải về các cuộc “mất tích” đầy bí ẩn của những bông ban nhỏ ở thung lũng Mường Khoe, chúng tôi đã hơn 1 lần nhìn thấy tấm băng zôn đỏ phủ trên những con đường về xã, về bản, với dòng chữ “Lắng nghe trẻ em bằng cả con tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”. Một hình ảnh, chúng tôi cho đó là đẹp và nhiều ý nghĩa. Nó thể hiện rất rõ về ý thức, quan điểm của địa phương này trong việc quan tâm, chăm sóc trẻ em. Thế nhưng, liệu rằng trong số những người lưu thông qua đây mỗi ngày, có mấy ai dừng lại đọc, hiểu và hơn thế nữa là biết làm thế nào để biến khẩu hiệu đó thành hành động?!

Kỳ I: Những cuộc "mất tích" bí ấn

Kỳ II:  Vì sao chẳng chọn "đường quang"?

Kỳ IV: Cần phải thay đổi nhận thức và hành động

Những con số “giật mình”

Bỏ học, trốn khỏi địa phương để đi làm thuê khi chưa đủ tuổi và “mù mịt” thông tin về nơi sẽ đến, công việc phải làm, cũng như người thuê mình, là một phép thử đầy mạo hiểm. Thế nhưng, vì rất nhiều lý do, những thiếu nữ “non nớt” nơi miền sơn cước vẫn tìm mọi cách “rời non”, xa vòng tay gia đình để sớm phải đối mặt với những cám dỗ, những thách thức của cuộc sống và cả nguy cơ có thể bị xâm hại, bị ngược đãi, lừa bán...

Trung tá Lò Văn Chiến, Đội trưởng Đội an ninh, Công an huyện Mường Ảng trong buổi làm việc với phóng viên.

Chúng tôi nhìn thấy rõ nỗi trăn trở trên gương mặt của ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Ảng mỗi lần nhắc đến con số thống kê ngày một gia tăng về tình trạng trẻ em nữ bỏ học những năm gần đây. Đơn cử, năm học 2017 - 2018, toàn huyện có tổng số 27 học sinh bậc THCS bỏ, thì sang năm học 2018 - 2019, con số này lại tăng lên là 33 em. Chủ yếu tập trung ở những địa bàn thuận tiện giao thông, thuộc các xã: Ẳng Cang, Ẳng Tở, Mường Lạn, Mường Đăng.

Điều đáng nói, số học sinh bỏ học đi làm ăn xa này chủ yếu là nữ, mới đang theo học lớp 8, lớp 9, nghĩa là chưa đủ tuổi lao động. Hầu hết trong số đó, không chỉ thầy cô giáo, mà ngay chính bố, mẹ các em cũng không biết con em mình đi đâu, làm gì và cuộc sống ở đó ra sao? Cùng với những nguyên nhân vẫn thường được đánh giá trước kia, như: Lấy chồng, ở nhà trông em, chăn trâu, lên nương… thì nay ngành GD&ĐT phải ghi thêm một nội dung khác là “đi làm ăn xa”.

Tuy nhiên, thừa nhận đây chỉ là những con số đã bỏ học chính thức, ông Thống cũng đánh giá, thực trạng phổ biến hơn đó là học sinh đi học không chuyên cần. Số liệu thống kê thời điểm tháng 3/2019, toàn huyện có 75 trẻ bỏ học, được xác định đi làm ăn xa là 20, phần đa là nữ. Nhiều trường hợp chỉ bỏ đi vài ngày, vài tuần, khi được gia đình, thầy cô vận động thì lại về đi học. Nhưng cũng chỉ vài bữa, khi hết tiền, hoặc có nhu cầu mua sắm thứ gì đó thì lại trốn đi. “Cứ vào cuộc, tuyên truyền vận động được em này về, thì lại có thông tin em khác đi… Suốt thời gian qua, ngành GD&ĐT cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương huyện Mường Ảng đã phải nỗ lực rất lớn chỉ để làm giảm con số này, cố gắng làm sao hạn chế thấp nhất số học sinh bỏ học giữa chừng”.

Làm gì để có được tiếng nói chung  

Trên thực tế, sau nhiều cuộc khảo sát ở các địa bàn thuộc huyện Mường Ảng trong suốt nhiều tháng qua, một vấn đề bộc lộ rất rõ nét ở đây mà chúng tôi nhận thấy đó là nhận thức và mức độ đánh giá về thực trạng học sinh nữ bỏ học đi làm ăn xa ở địa phương chưa có sự nhất quán. Vậy thì, câu hỏi đặt ra là làm sao tìm được tiếng nói chung để đi đến một giải pháp thống nhất?!

Chỉ đơn cử từ các bậc phụ huynh, nếu như chị Cà Thị M., anh Lò Văn T. bằng mọi giá, nỗ lực giữ con ở lại; rồi khi con “mất tích bí ẩn” đã ngay tức thì tìm sự “trợ giúp” từ các tổ chức, cơ quan, thậm chí là “cộng đồng mạng”; thì vẫn có những bậc phụ huynh như bà Lù Thị T., không chỉ đồng thuận cho con bỏ học đi làm thuê khi chưa đủ tuổi, bà còn giấu diếm, bao che cho con trước thầy cô giáo, chính quyền địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, em Lù Thị C., con gái bà T. bỏ học khi đang theo dở chương trình lớp 9. Những người bạn đã từng được C. rủ trốn nhà xác nhận em đã từng làm thuê trong quán karaoke ở miền xuôi. Thời gian đầu người ta vẫn thấy em C. thi thoảng về thăm bố mẹ, xinh đẹp hơn, sành điệu hơn; nhưng đã lâu không ai thấy cô bé về bản. Có thông tin C. đã sang Trung Quốc và vẫn thường nhắn tin qua face book để rủ rê bạn bè, người quen sang làm cùng. Thật lạ là, điều này hỏi ai trong bản cũng biết, cũng nói vanh vách, thế nhưng chỉ có bà Lù Thị T. là không hay hoặc cố tình bao biện cho con: “Nó đi làm công nhân cho nhà máy dưới Hà Nội. Mỗi tháng vẫn đều đặn gửi về cho bố mẹ 3 - 4 triệu đồng” - bà T. thừa nhận.

Là thực trạng chung của nhiều xã, nhiều bản, nhưng khi được hỏi đến, có vị trưởng bản, có cấp chính quyền rất dễ dàng chia sẻ mọi thông tin liên quan; nhưng cũng có vị lãnh đạo lảng tránh, giấu diếm, có lẽ vì lo ảnh hưởng đến thành tích về giáo dục, hay các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…?!

Khẩu hiệu khá nổi bật với dòng chữ “Lắng nghe trẻ em bằng cả trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” treo tại khu dân cư bản Huổi Sứa, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên khi còn đảm nhiệm cương vị là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, ông Lê Tiến Dũng (nay là Phó Bí thư Thành ủy Điện Biên Phủ) cũng thẳng thắn thừa nhận đây là thực trạng đáng báo động và là thách thức mới vô cùng khó khăn đối với giáo dục địa phương. Chính bản thân ông Dũng đã hơn một lần điều hành cuộc họp chuyên đề, rồi phối hợp nhiều nội dung, trong đó trọng tâm là bàn thảo vấn đề liên quan đến thực trạng này.

Chúng tôi cũng được biết, sau một cuộc họp khẩn tìm giải pháp huy động học sinh ra lớp diễn ra vào trung tuần tháng 3/2019, do UBND huyện tổ chức, với sự tham gia của hầu hết các đơn vị liên quan: Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn…, chính quyền địa phương đã có Thông báo kết luận số 21/TB-UBND, trong đó đề nghị Công an huyện tăng cường xác minh thông tin về một số đối tượng có biểu hiện lôi kéo, dụ dỗ học sinh đi làm thuê trái pháp luật; nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn tình trạng các xe khách đón học sinh đi làm ăn tại các tỉnh khác; tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu tại các bản, tổ dân phố. Kịp thời xử lý các đơn vị, cá nhân có hành vi môi giới, lôi kéo học sinh đi làm ăn xa. Chính quyền các địa phương có các biện pháp phối hợp để ngăn chặn tình trạng học sinh đi làm ăn xa không rõ địa chỉ gửi Công an huyện để đề nghị xác minh và phối hợp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng này.

Riêng trong nội bộ ngành GD&ĐT, đã có hàng loạt văn bản được ban hành chỉ đạo các trường; rồi những báo cáo cập nhật tình hình hàng tháng cứ thế dày thêm… Thế nhưng, ngay cả khi chính quyền huyện “sốt sình sịch”, ngành GD&ĐT huyện ráo riết lên như thế, thì những gì chúng tôi nhận được từ phía cơ quan Công an huyện, trong cuộc làm việc diễn ra mới đây lại chứng minh điều ngược lại.

Được lãnh đạo Công an huyện giao nhiệm vụ trực tiếp làm việc và cung cấp thông tin với báo chí về các nội dung xoay quanh vấn đề nêu trên; tuy nhiên, sau nhiều lần “đá” qua lại “quả bóng” trách nhiệm thì Trung tá Lò Văn Chiến, Đội trưởng Đội An ninh mới “miễn cưỡng” trao đổi. Song không hiểu vì không nắm được thật, hay không muốn cung cấp thông tin mà phần lớn câu trả lời chúng tôi nhận được là “không biết”, “không phải nhiệm vụ của bọn anh”…

Ngoài vẻn vẹn con số 21 trẻ bỏ học trong năm học 2018 - 2019, theo như ngành GD&ĐT thông tin lại, thì tất cả những thông tin khác về số học sinh đó đi đâu, làm gì? Cho đến nay có bao nhiêu em trong danh sách đó đã về? Thực trạng này tăng, hay giảm? Công an huyện có triển khai giải pháp gì để phối hợp ngăn chặn những cuộc “bỏ trốn” của các em? Hay đã có vụ việc nào liên quan đến trẻ em nữ bỏ trốn khỏi địa bàn với lý do đi làm ăn xa được đơn vị làm rõ?... đều là “không biết?!

Ngay cả vụ việc cụ thể vào khoảng trung tuần tháng 4/2019, qua thông tin quần chúng, Công an Đồn Búng Lao - đơn vị trực thuộc Công an huyện Mường Ảng đã ngăn chặn kịp thời một phụ nữ khi đang đưa một số trẻ em nữ thuộc xã Ẳng Nưa bỏ trốn khỏi địa phương để đi làm ăn xa, mà chính quyền địa phương đã xác nhận, thì đồng chí Đội trưởng này cũng “không nắm rõ”!

Để có những đánh giá về thực trạng này ở cấp cao hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Xuân Lãng, Phó Trưởng phòng An ninh nội bộ (Công an tỉnh). Thượng tá Nguyễn Xuân Lãng khẳng định: “Đây là một vấn đề lớn. Việc tuyên truyền làm sao để thay đổi nhận thức, giải quyết thực trạng này không hề đơn giản. Nó cần sự vào cuộc thống nhất, đồng bộ của tất cả các bên, ở tất cả các khâu”. Theo cách nói này, có thể hiểu đó là cần có một tiếng nói chung và sự cộng đồng trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế mà chúng tôi ghi nhận được ở Mường Ảng thì dường như vẫn chỉ là những nỗ lực đơn lẻ, mà thiếu đi những đôi "vai" đồng lòng "gánh vác".

Kỳ IV: Cần phải thay đổi nhận thức và hành động 

Bài, ảnh: Hải Yến - Tuấn Anh - Mai Thủy
Bình luận
Back To Top