Tuần Giáo tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:50 - Thứ Hai, 16/09/2019 Lượt xem: 13403 In bài viết

ĐBP - Từ năm 2010 đến nay, huyện Tuần Giáo đào tạo nghề cho 7.433 lao động nông thôn, trong đó trên 90% là nghề nông nghiệp; 5.236 người có việc làm sau học nghề. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tuần Giáo góp phần đảm bảo chất lượng đội ngũ lao động đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong xu thế hội nhập hiện nay. Không chỉ vậy, tỷ lệ trong độ tuổi lao động qua đào tạo tăng từ 32% năm 2010 lên gần 54% năm 2018 còn góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nông dân huyện Tuần Giáo chăm sóc đàn trâu, bò.

Ðể việc đào tạo nghề mang lại hiệu quả, công tác thông tin tuyên truyền về dạy nghề được huyện Tuần Giáo triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng và đa dạng dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Chủ yếu tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới hướng dẫn thực hiện về công tác đào tạo nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp đến toàn thể người dân trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn huyện hiểu được lợi ích của việc học nghề và chủ động lựa chọn nghề phù hợp năng lực, điều kiện của bản thân và nhu cầu sử dụng của xã hội. Công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn cũng được Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện từ các thôn, bản, tới từng hộ gia đình. Qua việc tổ chức điều tra, khảo sát đã nắm bắt được nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Từ đó có kế hoạch cụ thể chi tiết cho việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp huyện, xã trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn nghề đào tạo, đảm bảo thực hiện đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm, tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của lao động nông thôn. Qua khảo sát, giai đoạn 2010 - 2019 có 9.300 lao động nông thôn trên địa bàn huyện có nhu cầu học nghề. Trong đó, chủ yếu là các nghề nông nghiệp với 8.585 lao động mong muốn được đào tạo.

Huyện Tuần Giáo hiện có 1 Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ dưới 3 tháng và sơ cấp với 13 nghề nông nghiệp và 2 nghề phi nông nghiệp. Các nghề nông nghiệp chủ yếu là kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn, gia cầm, thủy cầm; kỹ thuật trồng quản lý dịch hại trên cây ngô; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả… Ông Vũ Ðức Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tuần Giáo cho biết: Những năm qua, tập trung vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm không ngừng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề. Cùng với đó, danh mục nghề đào tạo được bổ sung phù hợp theo nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình, giáo trình đào tạo được chỉnh sửa, bổ sung linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của kỹ thuật công nghệ và thị trường lao động. Trung tâm tập trung xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình giảng dạy với sự tham gia của các giáo viên có kinh nghiệm, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ chuyên môn lâu năm thực hiện. Từng chương trình dạy nghề có mục tiêu rõ ràng, quy trình cụ thể chuẩn kiến thức, kỹ năng, cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả học tập. Ðồng thời, rà soát, lấy ý kiến của người sử dụng lao động, người tốt nghiệp đã đi làm để đánh giá, bổ sung, điều chỉnh chương trình dạy nghề phù hợp với kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Cùng với đó, trong quá trình giảng dạy, Trung tâm tiến hành xây dựng các mô hình dạy nghề, chủ yếu là các mô hình thực hành của các ngành nghề đào tạo. Các mô hình này đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực: Trên 70% số lao động được đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/tháng sau khi kết thúc các mô hình thực hành. Một số mô hình nông nghiệp do không cần đòi hỏi cao về trình độ lại đơn giản dễ áp dụng vào thực tế địa phương, kinh phí đầu tư không lớn và quản lý ngay tại hộ gia đình nên thu hút được đông đảo người học nghề tham gia. Thông qua việc duy trì các mô hình dạy nghề đã góp phần chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, giảm nghèo, đem lại việc làm cho người lao động.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top