Mường Khoe – Những câu hỏi lặng vào thinh không (kỳ IV)

18:26 - Thứ Ba, 17/09/2019 Lượt xem: 15741 In bài viết

Kỳ IV: Cần phải thay đổi nhận thức và hành động    

ĐBP - Thực trạng nữ sinh chưa đủ tuổi trưởng thành, bỏ trốn, rời khỏi địa bàn để đi làm thuê ở Mường Ảng hiện nay không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình hay ngành Giáo dục. Nó đã vươn tới nhiều bản, nhiều xã và có nguy cơ tác động đến việc hoàn thành các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục THCS, xây dựng NTM, bản làng văn hóa… . Thế nhưng chính vì sự không nhất quán trong nhận thức, dẫn đến thiếu thống nhất, đồng bộ và nhịp nhàng trong triển khai các nhiệm vụ, đã khiến thực trạng này không chỉ tồn tại kéo dài trong thời gian qua, mà đang có xu hướng ngày một gia tăng. Thực tế ở những địa bàn để xảy ra thực trạng này, đã chỉ ra rằng, vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện của cấp ủy cơ sở còn hạn chế.

Kỳ I: Những cuộc "mất tích" bí ấn

Kỳ II:  Vì sao chẳng chọn "đường quang"?

Kỳ III: Không nhất quán về nhận thức 

Ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Ảng với rất nhiều trăn trở xung quanh vấn đề học sinh THCS bỏ học đi làm ăn xa.

Thời gian qua, đã có không ít cuộc tìm kiếm con gái của những ông bố, bà mẹ ở Mường Ảng được đăng tải trên các trang mạng xã hội, hoặc thông tin qua người nọ, người kia. Có người đã tìm, gọi được con về; cũng có trường hợp đến giờ vẫn “bặt vô âm tín”. Những vụ việc tưởng như đơn lẻ, nhưng xâu chuỗi lại thì có nhiều sự liên quan và mang tính hệ thống. Sự trùng lặp có ngẫu nhiên không, khi những thiếu nữ khác nhau, ở nhiều bản, nhiều xã khác nhau, nhưng đều có chung lý do, một cách thức và một "con đường" cho những cuộc “mất tích” có chủ đích như thế?

Để làm rõ điều này, trước tiên phải nhắc đến lực lượng công an. Việc nắm bắt công dân vắng mặt tại địa bàn là một trong những nhiệm vụ công tác của từng công an viên ở thôn, bản. Với quyền hạn và nghiệp vụ trong tay, cơ quan an ninh, cơ quan điều tra Công an huyện Mường Ảng đáng lẽ phải nắm, thậm chí nắm rất rõ từng vụ việc, trường hợp cụ thể, để có tham mưu, đề xuất phương án phù hợp, cũng như đưa ra lời cảnh báo về những chiêu thức lừa đảo liên quan. Điều này cũng đã được để cập rất rõ tại Văn bản số 21/TB-UBND của UBND huyện sau một cuộc họp bàn giải pháp ngăn chặn tình trạng trên.

Sau nhiều tháng tìm hiểu các trường hợp cụ thể ở nhiều trường, nhiều bản, chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực lớn nhất là từ phía các thầy cô giáo. Dù là thực sự lo cho tương lai của học sinh, hay chỉ đơn giản là lo cho kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục, thì giờ đây, ngoài công tác giảng dạy, họ lại phải “gồng mình” chạy theo từng “di biến động” của học sinh, để chia sẻ, động viên kịp thời. Nếu như trước kia, việc huy động học sinh ra lớp do bỏ học ở nhà lấy chồng, chăn trâu… khó khăn bao nhiêu; thì nay làm thế nào giữ chân được học sinh không rời bỏ quê hương để chạy theo những cám dỗ kia lại càng khó khăn bấy nhiêu. Có cô giáo đã từng chia sẻ rằng, trong quá trình tuyên truyền, vận động học sinh quay lại lớp, cô đã phải bất lực trước câu hỏi ngược lại của học sinh rằng: “Thế đi học có ra tiền, có mua được điện thoại, mua được xe máy... như đi làm thế này không?”.

Trên thực tế, đã có không ít tranh cãi liên quan đến quyền hạn và trách nhiêm khi nhắc đến vấn đề này. Xét một cách khách quan thì không thể đổ lỗi cho riêng ai. Bản thân các em và gia đình chưa có sự nhìn nhận đúng đắn về việc học; cũng như nhận thức lệch lạc về cách kiếm tiền, cách sống. Song chính quyền, hay mỗi cơ quan chức năng liên quan cũng đều được phân công nhiệm vụ và gắn một phần trách nhiệm trong đó. Bởi ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, thì các em chưa đủ hiểu biết, bản lĩnh để đối mặt với những thách thức, rủi ro khó lường của cuộc sống.

Con đường đến trường của học sinh vùng khó vốn đã nhiều gian nan, giờ thêm thử thách mới. Nếu không vào cuộc kịp thời ngăn chặn thực trạng này, sẽ tạo nên một “làn sóng”, một phong trào xấu. Và sự học của bọn trẻ ở đây sẽ khó mà đến đích. Để làm được điều đó, thì không gì khác, trước tiên đó là sự nhất quán về cách nhìn nhận vấn đề. Trên cơ sở đó tìm ra tiếng nói chung, để thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp triển khai một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Mà muốn lãnh đạo toàn diện một cách đồng bộ thì vai trò cấp ủy Đảng ở cơ sở phải được thể hiện một cách rõ ràng, nhất quán. Điều này cũng trùng với chia sẻ gần đây của ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng GD&ĐT huyện mà chúng tôi tâm đắc, là "Cần phải thay đổi cả nhận thức và hành động trong việc kiểm tra, giám sát, triển khai thực hiện các vấn đề về giáo dục. Mà trước tiên là đối với cấp ủy cấp cơ sở. Không nên xem vấn đề giáo dục là của riêng Ngành giáo dục được".

Trái ngược với những mong muốn đó, nhận thức về vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện của một số cấp ủy cơ sở ở Mường Ảng vẫn còn hạn chế. Trong khi đây được xem là lực lượng sát sườn, gần nhất ở các địa bàn dân cư và gắn bó mật thiết với nhân dân, nhưng khi được thông tin, đề nghị phối hợp giải quyết thì lại tỏ ra thụ động và lúng túng.

Khai giảng năm học mới 2019 - 2020 ở Trường THCS Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Đơn cử như tại bản Mánh Đanh (xã Ẳng Cang), khi được hỏi về những thông tin liên quan đến tình hình trẻ em nữ ở bản bỏ học, trốn đi làm thuê (số lượng, tên tuổi các em, đi đâu, làm gì, hoàn cảnh gia đình…) thì câu trả lời của ông Lường Văn Bánh, Bí thư chi bộ gần như "vô hiệu". Ngay cả khi phóng viên cung cấp tên của một trường hợp cụ thể, lập tức vợ ông đã đọc vanh vách mọi thông tin liên quan, nhưng riêng ông vẫn không biết bé giái đó con cái nhà ai, đi đâu và hiện giờ có ở địa phương không.

Tiếp tục đề cập vấn đề này với các đồng chí ở một số bản khác, cấp khác, thì thấy hầu hết đều chỉ sang gặp Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng bản…, vì cho rằng đây là việc của chính quyền. Trong trường hợp cấp chính quyền vắng mặt, các đồng chí bí thư chỉ làm mỗi nhiệm vụ là "cung cấp số điện thoại" của đại diện chính quyền để phóng viên tự liên hệ.

Bà Lò Thị Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa cũng thừa nhận: “Nhà trường thường xuyên gửi danh sách cập nhật tình hình những em bỏ học sang xã, để có sự phối hợp. Trên cơ sở đó, xã đã nhiều lần cử cán bộ xuống các gia đình và hầu hết họ đều không muốn tiếp cận, không muốn nhắc đến, hoặc giấu diếm, viện lý do con vắng mặt vì đi thăm người quen ở xa, về Hà Nội đi làm, hoặc không biết con ở đâu, gia đình không liên lạc được…”. Tuy nhiên, bà Minh cũng cho biết, thành phần tham dự các cuộc xuống cơ sở đó thường chỉ bao gồm đại diện UBND xã, một số tổ chức đoàn thể, trưởng bản…, không có Cấp ủy.

Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng, câu chuyện chăm lo cho sự nghiệp GD&ĐT chưa bao giờ là trách nhiệm của riêng ngành GD&ĐT, hay là nghĩa vụ của riêng gia đình với đứa con của mình. Mà, đây là vấn đề phải có sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân. Vì thế nên trong Nghị quyết của Đảng các cấp từ Trung ương đến địa phương, mục tiêu về GD&ĐT không bao giờ vắng mặt. Đối với Mường Ảng, Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đề ra 8 chỉ tiêu cụ thể liên quan đến GD&ĐT, như: Huy động học sinh các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) ra lớp; tỉ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉ lệ giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; số trường học đạt chuẩn quốc gia...

Sau gần hết chặng đường thực hiện Nghị quyết, tại Báo cáo số 261-BC/HU, ngày 31/8/2019 của Huyện ủy Mường Ảng cho thấy, 7/8 chỉ tiêu về GD&ĐT đều đạt từ 100% kế hoạch trở lên. Duy chỉ có chỉ tiêu về huy động học sinh THCS ra lớp đạt dưới 100%. Không chỉ đứng trước nguy cơ không hoàn thành mục tiêu nghị quyết của cả nhiệm kỳ, mà con số này còn cho thấy việc thực hiện mục tiêu huy động học sinh THCS ra lớp đang có “vấn đề”, và đây rõ ràng sẽ là thách thức đối với Đảng bộ huyện trong chặng đường còn lại.

Suốt nhiều ngày, nhiều tháng tìm hiểu ở cơ sở, cho đến giờ chúng tôi vẫn không thể có được câu tra lời thỏa đáng cho cái kết trong câu chuyện về những “bông ban” bé nhỏ ở thung lũng Mường Khoe. Song có một điều chúng tôi có thể nhìn rõ, đó là nỗi lo “mất con” hiện trên gương mặt của những ông bố, bà mẹ nơi đây. Bất lực về đứa con gái lớn giỏi giang đã bỏ nhà đi làm thuê không biết sống chết ra sao đã đành, giờ chị Cà Thị M. cũng chỉ biết cầu trời cho đứa con gái thứ 2 đang bước vào tuổi “cập kê” đừng đi theo con đường của chị nó. Lời chia sẻ của chị M. cho đến tận bây giờ vẫn khiến chúng tôi không khỏi day dứt: “Cứ vài ngày lại thấy nó kể, hôm nay có mấy bạn bỏ trốn về Hà Nội và cũng rủ con đi, nhưng con nghĩ thương mẹ ở nhà một mình nên đành ở lại. Thế nhưng, liệu rằng, tình yêu thương ấy có đủ sức mạnh để níu chân đứa con gái bé bỏng “non nớt”, trước những cám dỗ bủa vây mỗi ngày…?” - Câu hỏi ấy mỗi ngày cứ “sôi sục” lên, cứa sâu thêm vào nỗi lòng những ông bố, bà mẹ ở Mường Khoe, rồi lại lặng vào thinh không…

Báo cáo kết quả thống kê số lượng học sinh tựu trường năm học 2019 - 2020 của Phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng, tổng hợp ngày 26/8 vừa qua cho thấy: Số lượng học sinh ra lớp tại hầu hết các xã, đối với 2 khối lớp 8 và 9 đều đạt thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh. Chủ yếu vẫn tập trung ở các xã được đánh giá là “nóng” về tình trạng học sinh nữ bỏ học của các năm trước, như: Ẳng Cang (khối 8: 120/134 học sinh ra lớp, khối 9: 127/154 học sinh ra lớp); Ảng Tở (khối 8: 111/122, khối 9: 102/117)…

Bài, ảnh: Hải Yến - Tuấn Anh - Mai Thủy
Bình luận
Back To Top