Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung

Cần chuyển từ phục vụ sang dịch vụ

08:45 - Thứ Năm, 19/09/2019 Lượt xem: 13761 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, hàng nghìn công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng tại các thôn bản, nhằm thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, do bất cập trong quản lý, vận hành sau đầu tư; không có nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên nên các công trình nước sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động hoặc bỏ hoang ngày càng nhiều.

Ðoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) giám sát tại khu vực đầu mối công trình nước sinh hoạt bản Cấu, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ).

Nhiều công trình cấp nước kém hiệu quả

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, toàn tỉnh có 1.027 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, bản, khu vực nông thôn. Trong đó: 163 công trình cấp nước hoạt động bền vững (chiếm 15,87%); 502 công trình hoạt động mức trung bình (chiếm 48,88%); 184 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 17,92%) và 178 công trình không hoạt động (chiếm 17,33%).

Tại huyện Nậm Pồ, có 90/108 công trình nước sinh hoạt tập trung (chiếm tỷ lệ 83,33%) hoạt động ở mức trung bình, kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Thời điểm chia tách, thành lập huyện năm 2013, phần lớn các công trình nước sinh hoạt tập trung của huyện Nậm Pồ được thừa hưởng từ các huyện Mường Nhé và Mường Chà. Các công trình này đã đầu tư, sử dụng trong thời gian dài nên hư hỏng, xuống cấp do điều kiện tự nhiên, huyện không có kinh phí để sửa chữa nên hiệu quả hoạt động thấp. Hiện nay, UBND huyện Nậm Pồ giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa chữa 3 công trình nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) hiện có 9 công trình nước sinh hoạt, trong đó có 1 công trình hoạt động hiệu quả (đầu tư năm 2016), 2 công trình hoạt động trung bình, 1 công trình kém hiệu quả và 5 công trình không hoạt động. Ðiển hình như công trình nước sinh hoạt bản Pa Có được đầu tư, đưa vào sử dụng năm 2010 với thiết kế ban đầu cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho gần 40 hộ dân. Sau 6 năm hoạt động, năm 2016 công trình bắt đầu xuống cấp, các đường ống dẫn nước phần lớn đã bị vỡ, tắc không thể dẫn nước về các bể chứa tập trung ở bản. Giữa năm 2018, UBND huyện phân bổ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp công trình nhưng 3 tháng sau khi sửa chữa, đập đầu mối của công trình bị lũ cuốn trôi. Từ tháng 9/2018 đến nay, các bể chứa nước tập trung tại bản Pa Có cạn trơ đáy; 50 hộ dân bản Pa Có phải tự mua ống dẫn nước từ các khe suối về sinh hoạt. Tương tự, xã Chà Cang có 3/7 công trình nước sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả. Ðiển hình là công trình nước sinh hoạt bản Nà Khuyết hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2009 cấp nước cho 90 hộ dân. Tuy nhiên, đến năm 2011 công trình bị hư hỏng, nước từ đầu mối không chảy về bản; do không có kinh phí sửa chữa nên gần chục năm nay, công trình bị bỏ hoang.

Bấp cập trong quản lý vận hành

Ông Hoàng Văn Tịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Nguyên nhân chính khiến nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động là do những bất cập, yếu kém trong cơ chế quản lý, vận hành công trình sau đầu tư. Hiện nay, một số huyện đã thành lập hội dùng nước cấp xã; UBND xã thành lập các chi hội dùng nước cấp thôn, bản. Các hội, chi hội này có nhiệm vụ vận hành, thường xuyên kiểm tra, phát hiện hư hỏng để sửa chữa, đảm bảo công trình hoạt động tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, các mô hình hội, chi hội dùng nước tại cơ sở hoạt động không hiệu quả, trách nhiệm chưa gắn liền với quyền lợi nên kết quả đạt được không đạt mục tiêu đề ra.

Công trình nước sinh hoạt bản Cấu, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) được đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2016, cung cấp nước sinh hoạt cho 30 hộ dân trong bản. Bản Cấu đã thành lập chi hội dùng nước gồm 6 thành viên để quản lý, vận hành công trình. Tuy nhiên, thực tế chi hội dùng nước bản Cấu rất ít hoạt động. Vượt hơn 3km đường rừng dốc ngược, chúng tôi có mặt tại khu vực đầu mối của công trình nước sinh hoạt bản Cấu. Dù đang là mùa mưa nhưng đập đầu mối của công trình này cạn trơ đáy, toàn đá cuội và lá cây rừng. Lý giải điều này, ông Tao Văn Pín, Trưởng bản Cấu cho biết: “Mùa này người dân đang dẫn nước vào ruộng nên khu vực đầu mối mới cạn thế này. Ðến khi bà con thu hoạch xong, đóng nước ở ruộng thì lượng nước khá lớn”. Với cách giải thích của trưởng bản, câu hỏi đặt ra là vai trò của chi hội dùng nước như thế nào? Việc lấy nước sinh hoạt phục vụ sản xuất có đúng? Ðến cao điểm mùa khô, người dân bản Cấu có đủ nước để sử dụng hay không?

Ông Tao Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: Hội dùng nước của xã đều do cán bộ xã kiêm nhiệm; các chi hội dùng nước ở bản thì do người dân bầu lên. Mặc dù có tổ chức để quản lý, vận hành nhưng hiệu quả vẫn còn kém. Nguyên nhân được xác định là kinh phí hoạt động không có, kinh phí sửa chữa thường xuyên cũng không nên các chi hội chưa làm hết trách nhiệm.

Khác với mô hình quản lý, vận hành của các xã thuộc huyện Nậm Pồ, xã Na Sang và một số xã của huyện Mường Chà lại gộp chung tổ quản lý, vận hành thủy lợi và nước sinh hoạt thành một tổ. Xã dùng kinh phí từ cấp bù thủy lợi phí để duy trì hoạt động của tổ này. Tuy có hiệu quả hơn các mô hình khác nhưng mô hình này vẫn tập trung cho công tác thủy lợi nhiều hơn, các công trình nước sinh hoạt còn chưa được quan tâm đúng mức.

Cần thu phí sử dụng nước sinh hoạt

Tại cuộc giám sát về tình hình thực hiện mục tiêu và chất lượng nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 của Ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh), ông Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội đề nghị UBND các xã, UBND các huyện cần kiến nghị với UBND tỉnh có giải pháp để thu phí sử dụng nước sinh hoạt của các hộ dân sử dụng nước tại các công trình nước sinh hoạt tập trung. Nguồn phí thu được để sử dụng cho mục đích duy trì hoạt động của hội, chi hội dùng nước của xã, thôn bản và một phần để phục vụ công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, đảm bảo các công trình nước sinh hoạt hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, khi người dân phải trả phí sử dụng nước thì họ sẽ có ý thức, trách nhiệm và sử dụng nước đúng mục đích, tiết kiệm hơn.

Thực tế đã có một số đơn vị quản lý, vận hành một vài công trình nước sinh hoạt đã thu phí sử dụng nước của người dân, bước đầu cho thấy hiệu quả. Ðiển hình như: Từ tháng 6/2019, UBND xã Chà Cang đã triển khai thu phí của 261 hộ dân sử dụng nước sinh hoạt (có lắp đồng hồ đo nước) từ công trình tại trung tâm xã Chà Cang với mức phí 3.000 đồng/m3. Công trình được đầu tư, đưa vào sử dụng từ tháng 6/2019 bằng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB). Ông Lèng Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Chà Cang cho biết: Sau khi được bàn giao quyền quản lý, vận hành công trình, UBND xã đã thành lập 1 tổ vận hành gồm 3 thành viên: 2 cán bộ xã kiêm nhiệm và 1 nhân viên vận hành có trình độ trung cấp ngành điện nước. Ðể công trình hoạt động hiệu quả, bền vững, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” như các công trình nước sinh hoạt trước đây, UBND xã đã quyết định thu phí sử dụng nước của các hộ thụ hưởng. Nguồn kinh phí này được sử dụng để chi trả cho nhân viên vận hành với mức 4 triệu đồng/tháng và chi phí tiền điện bơm nước vào bể chứa. Sau 3 tháng thử nghiệm, người dân đồng thuận cao, công trình hoạt động tốt, nguồn nước cung cấp về thường xuyên, liên tục. Người dân có chuyển biến rõ rệt về nhận thức và trách nhiệm trong sử dụng nước. Hiện nay, 100% hộ dùng nước đều lắp hệ thống khóa vòi nước để đảm bảo tiết kiệm nước, tiết kiệm tiền chi sử dụng nước.

Ông Lèng Văn Viên, người dân bản Mới 1 cho biết: Gia đình tôi rất đồng thuận với chủ trương thu phí sử dụng nước của UBND xã Chà Cang. Việc thu phí sử dụng nước thể hiện trách nhiệm của mỗi hộ dân đối với công trình cấp nước, trách nhiệm đối với cộng đồng. Trước đây, trung tâm xã Chà Cang khó khăn về nước sinh hoạt song đến nay công trình đã cấp đủ nước cho 2 bản khu vực trung tâm. Hiện nay, đến nhà nào cũng có đồng hồ đo nước trước cổng, hệ thống vòi nước như ở các thị trấn, thành phố. Ðây là hình ảnh của sự đổi mới, văn minh khi xây dựng nông thôn mới ở Chà Cang.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top