Giảm nghèo ở Huổi Lơi: Cần hơn hết là ý thức vươn lên

08:09 - Thứ Sáu, 20/09/2019 Lượt xem: 13481 In bài viết

ĐBP - Huổi Lơi (xã Thanh Minh) được biết đến với 100% người dân tộc Khơ Mú, là một trong những bản nghèo khó nhất trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Trước khi đặt chân đến Huổi Lơi, chúng tôi đã tưởng tượng nơi đây cách xa và cheo leo một chút nhưng thực tế từ quốc lộ 279 chỉ mất vài phút đi xe máy đường bê tông rộng là đến trung tâm bản; và điều kiện tự nhiên Huổi Lơi cũng không thua kém các bản khác. Vậy tại sao Huổi Lơi lại nghèo như vậy?

Gia đình anh Quàng Văn Luân trong ngôi nhà đơn sơ.

Chúng tôi vào thăm nhà anh Quàng Văn Luân, gia đình trẻ tuổi đông con nhất bản (4 người con). Mặc dù mới đây gia đình anh đã thoát nghèo nhưng nhìn ngôi nhà chưa đầy 20m2, thấp lè tè, vách chắn bằng những tấm tôn, trong nhà không có đồ đạc gì ngoài 1 chiếc giường tự chế gác các cục gỗ, thanh gỗ cùng chiếc tivi bé đời cổ, gian bếp cũng trống trơn, chúng tôi biết rằng gia đình anh còn rất thiếu thốn. Qua trao đổi được biết, ngoài làm nương, vợ chồng anh Luân không có thêm công việc gì, cũng không trồng trọt cây gì khác. Tài sản giá trị nhất của gia đình là 3 con bò (được hỗ trợ bò sinh sản từ khi còn là hộ nghèo) và thỉnh thoảng chỉ chăn nuôi vài con gà phục vụ nhu cầu gia đình. Nương thì đã bạc màu, mỗi năm gieo hết 4 cân ngô, nửa bao thóc giống, trồng 2 bao cây sắn; thu về vài bao ngô, sắn, chưa đến chục bao thóc, không đủ ăn hết năm. Vợ chồng anh mới 34 - 35 tuổi nhưng đến mùa giáp hạt lại chọn cách duy trì cuộc sống bằng lên rừng lấy măng, hoa chuối, rau rừng mang xuống thành phố bán, kiếm tiền đong gạo từng ngày.

Huổi Lơi còn rất nhiều hộ khó khăn và cũng chọn cách làm kinh tế tương tự như vợ chồng anh Luân. Anh Lò Văn Quyết, Trưởng bản Huổi Lơi cho biết: Người dân trong bản chủ yếu sống dựa vào đồi nương. Nhưng đến nay hầu hết nương đều bị bạc màu nên 2 năm trở lại đây có đến gần 50% số hộ bỏ làm nương với khoảng 70% tổng diện tích. Tính riêng năm nay, cả bản chỉ trồng trên 14ha lúa nương, giảm 11ha so với năm trước, cùng với 8ha ngô, 25ha sắn. Số diện tích bị bỏ giờ để hoang, không trồng trọt gì. Ngoài ra cả bản có khoảng 30 con trâu, bò; gà, vịt ít không đáng kể; lợn cũng không nhiều đều đã bị tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi. Anh Quyết khẳng định thêm: “Mặc dù trên giấy tờ bản chỉ còn 2 hộ nghèo/ tổng số 43 hộ, nhưng có đến 85% số hộ thiếu ăn giáp hạt”. Và cũng như gia đình anh Luân, các hộ đều giải quyết khó khăn trước mắt bằng việc lấy lâm sản phụ, chủ yếu là mật ong, măng, rau rừng đem bán, một vài người thì đi làm thuê thời vụ ngắn hạn.

Thực tế hàng năm, có không ít người dân Huổi Lơi được tập huấn chăn nuôi, trồng trọt theo các chương trình, dự án của thành phố. Mới nhất là 20 hộ tham gia mô hình nuôi cá, 12 hộ tham gia tập huấn nuôi gà, vịt bầu nhưng đa số người dân Huổi Lơi không phát huy được kiến thức đã học. Vật nuôi thường xuyên bị dịch bệnh hoặc sau khi mô hình kết thúc các hộ không tiếp tục tái đàn, đầu tư phát triển chăn nuôi nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Những năm gần đây, các thanh niên bản Huổi Lơi tìm hướng đi mới, tự kết nối đi làm ngoài tỉnh, đều là lao động phổ thông làm công việc chân tay. Nhưng Trưởng bản Lò Văn Quyết cho biết: “Sau một vài năm, không thấy các gia đình có người đi làm ăn xa thay đổi gì mấy về điều kiện sống hoặc mua sắm đồ dùng có giá trị trong nhà”.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình bản Huổi Lơi, lãnh đạo xã Thanh Minh khẳng định: “Cả bản chỉ có khoảng gần chục hộ phát triển kinh tế VAC, là những hộ chịu khó, vì vậy kinh tế cũng khấm khá hơn; các hộ còn lại vẫn nghèo và trông chờ ỷ lại”. Ðể định hướng giúp người dân Huổi Lơi thay đổi cuộc sống, bà Nguyễn Thị Ngát, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Minh cho biết: Huổi Lơi có nhiều diện tích đồi, nương nên xã hướng tới hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả, cây cho thu hoạch lâu dài. Năm 2018 và năm nay, nhiều hộ trong bản đã được hỗ trợ cây mít Thái. Hiện xã đã tham khảo ý kiến người dân, đang làm tờ trình để trồng cây mắc ca, cây ăn quả giá trị cao tại đây. Ngoài ra nhiều năm nay, bản Huổi Lơi cũng được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản như: Làm nhà văn hóa bản, đường bê tông nội bản, đường nước sạch cho các gia đình... Mới đây xã cùng Phòng Kinh tế thành phố khảo sát làm thủy lợi dẫn nước cho các ruộng chưa có nước tưới của các bản trong đó có Huổi Lơi. Mong rằng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống người dân Huổi Lơi sẽ vơi bớt khó khăn. Nhưng để thực sự thoát khỏi đói nghèo, vun đắp cuộc sống ấm no, đủ đầy cần hơn hết là ý thức vươn lên, sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm trên chính mảnh đất quê hương của những người dân Huổi Lơi.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top