Ðiểm bưu điện - văn hóa xã

Ða dịch vụ để phát huy hiệu quả

08:14 - Thứ Sáu, 20/09/2019 Lượt xem: 12674 In bài viết

ĐBP - Ðược thành lập từ năm 1998, trải qua hơn 20 năm hoạt động với từng giai đoạn thăng trầm khác nhau nhưng đến nay có thể khẳng định mô hình điểm Bưu điện - văn hóa xã (BÐ - VHX) đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân ở nông thôn.

Chuyển sang mô hình đa dịch vụ, điểm BÐ-VHX Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) có doanh thu cao, nhân viên đạt thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng.

Từ khi thành lập đến khoảng giữa những năm 2000, mô hình điểm BÐ - VHX hoạt động khá hiệu quả và đem lại tiện ích cho nhiều người dân. Ðó là giai đoạn mà điện thoại di động còn là thứ xa xỉ đối với đa số người dân; điện thoại cố định cũng chỉ có ở các cơ quan, đơn vị và một số gia đình làm kinh doanh hoặc có điều kiện kinh tế cao. Do vậy, việc cung cấp dịch vụ điện thoại cố định với giá cước theo quy định đã giúp cho nhiều người dân có thể sử dụng dịch vụ điện thoại mà không phải sử dụng dịch vụ của tư nhân với giá cước đắt đỏ. Từ khi có điểm BÐ - VHX ở mỗi địa phương, có số điện thoại cố định thì nhiều người xa quê có thể gọi về để hỏi thăm, hẹn gặp gia đình, người thân thông qua nhân viên của bưu điện. Bên cạnh đó, mỗi điểm BÐ - VHX còn có tủ sách với nhiều đầu sách, báo đa dạng, như: Văn hóa, giáo dục, y tế, pháp luật hay các tài liệu về nông nghiệp… Phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân. Ở thời điểm đó, các điểm BÐ - VHX thường xuyên thu hút nhiều người đến sử dụng dịch vụ, cả miễn phí và trả phí. Ðây vừa là điểm cung cấp dịch vụ bưu chính lại vừa là điểm sinh hoạt văn hóa, trao đổi thông tin…

Giai đoạn tiếp theo, khoảng từ những năm 2005 - 2013 là giai đoạn  khó khăn nhất của các điểm BÐ - VHX. Ðó là thời điểm công nghệ thông tin bùng nổ, ở các thôn, bản và nhiều gia đình có điện thoại cố định và điện thoại di động nên ít ai sử dụng dịch vụ điện thoại công cộng. Cùng với đó là các dịch vụ thương mại điện tử và mạng internet cũng phổ cập rất nhanh nên người dân đến BÐ - VHX giao dịch và tìm tài liệu, đọc sách báo cũng thưa dần. Các điểm BÐ - VHX lúc bấy giờ trở nên đìu hiu, doanh thu mang lại không đáng kể. Tuy vậy hệ thống điểm BÐ - VHX ở tỉnh ta vẫn được duy trì để phục vụ nhiệm vụ chính trị, duy trì thông tin liên lạc và chuyển phát công văn, tài liệu…

Ðầu tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp tham quan một số điểm BÐ - VHX trên địa bàn huyện Nậm Pồ thì thật ngạc nhiên vì ngoài các dịch vụ truyền thống đã có thêm rất nhiều mặt hàng được bày bán, trong đó có khá đầy đủ các mặt hàng phục vụ sinh hoạt thiết yếu của người dân như: Xà phòng, dầu gội hay mắm, muối… Trao đổi với anh Lê Văn An, Giám đốc Bưu điện huyện Nậm Pồ được biết đây là mô hình điểm BÐ - VHX đa dịch vụ, được triển khai thí điểm từ năm 2013 - 2014 khi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông chia tách. Do mô hình điểm BÐ - VHX đi vào hoạt động và đã phát huy hiệu quả nên trước năm 2017 tại huyện Nậm Pồ chỉ có điểm BÐ - VHX Si Pa Phìn hoạt động theo mô hình này nhưng đến nay đã có thêm 4 điểm hoạt động đa dịch vụ. Hiện nay trên địa bàn 11/15 xã của huyện Nậm Pồ có điểm BÐ - VHX; 4 xã còn lại (Nậm Tin, Nậm Nhừ, Vàng Ðán và Nậm Chua) do điều kiện khó khăn, dân cư không tập trung nên vẫn chỉ duy trì “điểm phát xã”. Tuy nhiên ngành Bưu điện đã có kế hoạch nâng cấp 3 điểm phát xã thành điểm BÐ - VHX, riêng xã Nậm Chua thì trước mắt vẫn duy trì điểm phát xã vì chưa đủ điều kiện. Sự khác nhau giữa điểm BÐ - VHX và điểm phát xã về dịch vụ công ích cơ bản là không nhiều, trong đó điểm BÐ - VHX có chức năng nhận chuyển, phát và cấp mã bưu chính còn điểm phát xã thì chỉ nhận và phát.

Từ khi chuyển đổi sang mô hình điểm BÐ - VHX đa dịch vụ, người dân địa phương cũng thuận tiện hơn trong việc sử dụng dịch vụ và mua sắm các mặt hàng thiết yếu. Từ đó, doanh thu của các điểm BÐ - VHX cũng tăng lên, thu nhập của nhân viên BÐ - VHX cũng tăng theo. Trước đây lương tối thiểu hàng tháng đối với mỗi nhân viên tại BÐ - VHX khoảng 4 triệu đồng thì hiện nay có người đã có thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng vì được hưởng phần trăm theo doanh thu. Anh Poòng Văn Du, nhân viên điểm BÐ - VHX Chà Nưa cho biết, với doanh thu hiện tại thì thu nhập của anh được khoảng trên 8 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài dịch vụ bưu chính, cung cấp các mặt hàng thiết yếu, các điểm BÐ - VHX đa dịch vụ còn hợp tác cung cấp dịch vụ bảo hiểm và thu BHXH tự nguyện hay BHYT… Bên cạnh đó tại một số điểm còn được lắp đặt hệ thống máy tính có kết nối internet để người dân truy cập. Hay các điểm BÐ - VHX tại xã Nà Hỳ, Nà Bủng, Chà Nưa, Si Pa Phìn, Chà Cang còn cung cấp dịch vụ chuyển tiền cho người dân. Ngoài ra, đối với những mặt hàng nông sản của người dân đảm bảo chất lượng cũng có thể ký gửi tại các điểm BÐ - VHX đa dịch vụ.

Anh Lê Văn An, Giám đốc Bưu điện huyện Nậm Pồ cũng cho biết, thời gian tới ngành Bưu điện sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển mô hình điểm BÐ - VHX đa dịch vụ với các điểm BÐ - VHX còn lại. Về lâu dài, những điểm có doanh thu cao trên 15 triệu/tháng thì sẽ nâng cấp lên thành mô hình “Trưởng điểm BÐ - VHX”. Với mô hình này, mỗi điểm sẽ có 2 nhân viên thay vì 1 nhân viên như hiện nay.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top