Sinh hoạt tư tưởng

Tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm

08:44 - Thứ Hai, 23/09/2019 Lượt xem: 10803 In bài viết

ĐBP - Mạng xã hội (MXH) có tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội trong những năm gần đây ở cả mặt tích cực và tiêu cực. MXH có thể trở thành một kênh truyền thông hiệu quả của nhà quản lý nhưng cũng có thể trở thành công cụ của các thế lực chống phá đất nước. Vậy thì sử dụng MXH như thế nào cho đúng, tiếp cận và sàng lọc thông tin ra sao; đặc biệt, trong bối cảnh xã hội nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc, nhất là đối với cán bộ, đảng viên.  

Có thể thấy, hiện nay không chỉ có các bạn trẻ mà có cả một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có người đã, đang giữ vị trí công tác quan trọng trong cơ quan Nhà nước sử dụng MXH một cách thiếu trách nhiệm. Trong đó có những phát ngôn không đúng với chủ trương, đường lối của Ðảng; chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng hoặc bình luận ủng hộ những luận điệu xuyên tạc gây mất đoàn kết, làm phức tạp tình hình… Những vấn đề như vậy nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ðặc biệt, những thông tin được chia sẻ, cổ súy không đúng đắn, khách quan, chưa được kiểm chứng lại đến từ người đã, đang giữ vị trí công tác quan trọng, có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Bởi cộng đồng nhiều khi mặc nhiên thừa nhận thông tin từ họ là chính thống, đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, không ít cán bộ, đảng viên và người tham gia mạng xã hội chưa hiểu rõ vai trò, trách nhiệm khi sử dụng MXH. Ðã có không ít trường hợp chia sẻ thông tin sai sự thật bị cơ quan chức năng xử phạt; nhầm lẫn tư cách cá nhân và tư cách đại diện cho cơ quan, đơn vị công tác trong phát ngôn  trên MXH dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Câu chuyện phản ứng không phù hợp của 1 cán bộ trên MXH về thực tế học sinh chui túi nilon qua suối... trong năm 2018 là ví dụ cụ thể. Ðiều đó cho thấy, càng là cán bộ, đảng viên lại càng phải thận trọng hơn khi sử dụng MXH.

Luật An ninh mạng với nhiều quy định khá chi tiết đã có hiệu lực từ 1/1/2019. Tuy nhiên, cơ quan chức năng mới chỉ xử lý được những trường hợp vi phạm cụ thể và để lại những hậu quả có thể thấy rõ. Ðối với các trường hợp phát ngôn, hành động kiểu “vô thưởng, vô phạt” nhưng lại gây ảnh hưởng xấu, có tính dẫn dắt dư luận hiểu sai bản chất vấn đề, dần dần tạo diễn biến tâm lý trong dư luận, trong cán bộ đảng viên và dẫn đến nguy cơ chuyển hóa về mặt nhận thức thì rất khó để xử lý. Vì vậy mỗi cơ quan, tổ chức cần có biện pháp giáo dục thường xuyên để mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức, có trách nhiệm và kỹ năng cần thiết khi tham gia MXH.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top