Những “nút thắt” trong đào tạo nghề ở Mường Nhé

08:45 - Thứ Tư, 25/09/2019 Lượt xem: 10393 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Quyết định 1956/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án “Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT) đến năm 2020” những năm qua, với sự huy động của cả hệ thống chính trị, huyện Mường Nhé đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LÐNT trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn, bất cập.

Những năm qua, Ðảng bộ và chính quyền huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, đặc biệt tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho LÐNT theo Ðề án 1956. Tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù của từng địa bàn, điều tra cung - cầu lao động của các doanh nghiệp, ngành kinh tế của địa phương; từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với thực tế, năng lực, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Ðặc biệt, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành” lấy hiệu quả để đánh giá kết quả học tập trong việc dạy nghề cho học viên; công tác giảng dạy, đào tạo nghề không chỉ dừng lại ở phạm vi lý thuyết, hướng dẫn chung chung theo khái niệm mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng sau mỗi khóa đào tạo. Theo thống kê, tính đến hết tháng 8/2019, huyện Mường Nhé đã đào tạo được 9 lớp với 247 học viên (nghề nông nghiệp 8 lớp với 212 học viên; nghề phi nông nghiệp 1 lớp 35 học viên).

Bà Trần Thị Măng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục Thường xuyên huyện Mường Nhé khẳng định: Với số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số; những năm qua mặc dù được sự quan tâm, chỉ đạo của huyện song trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho LÐNT trên địa bàn huyện Mường Nhé vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập (hiện có khoảng 10 - 15% lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm ổn định). Là huyện vùng cao, biên giới chủ yếu học viên là người dân tộc thiểu số, tiếng nói, chữ viết và nhận thức còn hạn chế nên giáo viên phải dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”; đội ngũ giảng viên cơ hữu thiếu và  hạn chế về trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất còn sơ sài, không đảm bảo công tác giảng dạy. Ðặc biệt, đối với các nghề phi nông nghiệp, hiện nay huyện không đủ điều kiện, khả năng mở các lớp đào tạo. Bởi lẽ, nghề phi nông nghiệp bắt buộc phải học tại Trung tâm dạy nghề; song do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nên Trung tâm dạy nghề chưa đáp ứng được công tác đào tạo.

Ðối với huyện vùng cao như Mường Nhé việc tuyên truyền, tư vấn học nghề chưa thực sự hiệu quả gắn liền với đời sống nhân dân. Nhiều người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được chính sách ưu đãi trong học nghề hoặc chỉ đăng ký học nghề theo phong trào, chưa coi việc học nghề là yêu cầu thiết yếu để có thêm việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Cùng với đó, tâm lý của một bộ phận người lao động không chịu xa gia đình nên việc học nghề chuyển dịch cơ cấu lao động còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đặc thù là huyện vùng cao các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn còn ít dẫn tới “cầu” không đủ “cung”.

Anh Giàng A Dình, xã Huổi Lếch chia sẻ: “Năm 2019, được sự tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, tôi tham gia học lớp trồng và khai thác rừng. Sau khi kết thúc đào tạo, do thiếu nguồn vốn, quỹ đất để trồng và phát triển rừng nên tôi chưa áp dụng được kiến thức vào thực tiễn”. Với một số học viên còn do đào tạo ngắn ngày, năng lực bản thân hạn chế nên việc áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập...

Ðể gỡ “nút thắt” trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LÐNT, nhiều giải pháp đã được huyện triển khai. Trong đó, huyện đã và đang tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho LÐNT của Ðảng và Nhà nước; tạo điều kiện hỗ trợ học viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình sau khi có chứng chỉ nghề. Ðồng thời, việc đào tạo nghề được triển khai mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng ngành, nghề cụ thể ở các địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp đào tạo nghề phi nông nghiệp trực tiếp tại doanh nghiệp để người lao động thành thạo tay nghề, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top