Ðưa công an chính quy về xã: Xu thế tất yếu

08:51 - Thứ Năm, 26/09/2019 Lượt xem: 14851 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên hiện có 116 xã, trong đó 29 xã biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn yếu tố phức tạp… Cùng với xu thế chung và định hướng, chủ trương của ngành Công an, nhằm loại trừ những nguy cơ gây bất ổn xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi, đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, việc chính quy lực lượng công an cấp xã là xu hướng tất yếu khách quan.

Chiến sĩ Công an huyện Tủa Chùa giúp nông dân xã Xá Nhè thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Trường Long (Công an tỉnh)

Theo quy định, lực lượng công an xã (chịu trách nhiệm chính là trưởng, phó công an xã) được giao các nhiệm vụ gồm: Nắm tình hình an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội; tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên quan đến ANTT trên địa bàn xã. Ngoài ra, đối với địa bàn vùng cao, biên giới như tỉnh ta, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng công an xã là công tác phối hợp tuyên truyền, “cầu nối” gần nhất đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào các dân tộc, cùng một số nhiệm vụ mang tính “cấp bách, tại chỗ” phù hợp với điều kiện tình hình thực tế tại cơ sở. Mặc dù lực lượng công an xã (cả trưởng công an là công chức xã và lực lượng bán chuyên trách) có những ưu điểm riêng như: Thông thạo địa bàn, gắn bó, hiểu biết về đặc điểm, phong tục của nhân dân... Nhưng chuyên môn là một vấn đề khác, người chủ yếu nắm nghiệp vụ qua công tác tập huấn, bồi dưỡng không thể “xếp ngang hàng” với một người được đào tạo bài bản trong môi trường chính quy. Và với nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại cơ sở đòi hỏi người thực hiện phải trang bị lượng tri thức, kiến thức chuyên môn không nhỏ… Lực lượng công an xã không được đào tạo chính quy trong trường chuyên nghiệp nếu phải đảm nhiệm toàn bộ có thể sẽ là “tấm áo rộng”, khó chu toàn mọi vấn đề. Thực tế tại một số địa phương, đã có những hệ lụy phát sinh như: Lạm quyền, làm sai, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng của lực lượng công an xã bởi “tấm áo rộng” mà họ được khoác lên.

Ðối với tỉnh ta, việc đưa công an chính quy về xã không hề xa lạ, bởi từ hàng chục năm trước, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác ra quân tăng cường cơ sở ngay từ đầu năm. Ðặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới phức tạp về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy như các xã: Na Ư (huyện Ðiện Biên), Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông) hay một số xã thuộc huyện Mường Nhé… đã có những chiến sĩ công an chính quy tăng cường xã qua nhiều năm, thậm chí có người gắn bó với cơ sở phần lớn quá trình công tác trong ngành. Ðiển hình như Trung tá Vũ Duy Khang, nguyên cán bộ Công an huyện Ðiện Biên Ðông “cắm” xã Pú Nhi. Ông đã gắn bó với Pú Nhi một thời gian dài, cho đến khi nghỉ hưu vào cuối năm 2018.

Chiến sĩ Công an huyện Ðiện Biên Ðông tăng cường cơ sở. Ảnh: Trường Long (Công an tỉnh)

Việc tăng cường cơ sở, đưa công an chính quy “cắm” xã là giải pháp đáp ứng thực tế tình hình của lực lượng công an tỉnh, đồng thời cũng cho thấy yêu cầu tất yếu của việc chính quy hóa lực lượng công an xã trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên, giữa tăng cường “cắm” xã với biên chế chính thức theo chủ trương của Bộ Công an ở cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng cần có lộ trình nhằm đáp ứng hài hòa các vấn đề, nội dung... Trao đổi với chúng tôi, Ðại tá Nguyễn Quý Khiêm, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh) cho biết: Thực hiện chủ trương của Bộ Công an và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-CAT-PX01 ngày 24/1/2019 về xây dựng Ðề án “Bố trí sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên” trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ðến nay, Công an tỉnh đã điều động 39 cán bộ công an chính quy đảm nhiệm các chức danh trưởng, phó công an ở 29 xã thuộc 8 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh (27 trưởng công an, 12 phó trưởng công an xã) và bước đầu đảm bảo tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện các chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ðồng thời, qua nắm bắt từ dư luận quần chúng nhân dân về chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, đại đa số người dân ủng hộ và cho rằng đây là một chủ trương lớn, phù hợp với nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở cơ sở trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên một số ý kiến còn băn khoăn về việc bố trí, sắp xếp công tác cho lực lượng bán chuyên trách, nhất là đội ngũ trưởng công an là công chức xã. Ðây thực sự là vấn đề cần có giải pháp cụ thể, bởi nếu sắp tới, việc bố trí, sắp xếp, điều chuyển công chức là trưởng công an xã, lực lượng bán chuyên trách là phó công an xã diễn ra đồng loạt sẽ gặp nhiều khó khăn do công tác tinh giản biên chế. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho lực lượng này nếu không thỏa đáng sẽ gây bức xúc, tạo dư luận xấu hoặc có đơn thư, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến lộ trình điều động công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã.

Ðối với lực lượng công an chính quy đã, đang và sẽ được điều động, quan điểm của ngành là đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định, đồng thời xác định rõ tư tưởng, tinh thần lời thề thứ 2 trong 5 Lời thề danh dự công an nhân dân, đó là: “Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị và điều lệnh công an nhân dân; sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Ðảng và nhân dân cần đến”.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top