Thấp thỏm chờ di dời

08:40 - Thứ Năm, 03/10/2019 Lượt xem: 10201 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, các tỉnh vùng núi phía Bắc còn nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Mùa mưa đang diễn ra, các hộ dân rất lo lắng và mong từng ngày được chính quyền quan tâm di dời để bảo đảm về tính mạng, tài sản. Tuy nhiên, thiếu nguồn vốn và mặt bằng, các địa phương chưa thể thực hiện di dời.

Hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) có nhà bị sụt lún, nứt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Ảnh: baodantoc.vn

Cầu được bình an

Ghi nhận tại 4 tỉnh: Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang tính đến đầu tháng 7/2019, có hàng nghìn hộ đang nằm trong vùng nguy cơ cao sạt lở, lũ quét cần được di dời khẩn cấp. Ðại diện chính quyền các tỉnh này cho biết đang khó khăn về nguồn vốn tạo mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng phụ trợ… để di dân khỏi vùng nguy hiểm lên điểm tái định cư mới.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Hà Văn Um, năm 2018, tỉnh đã sắp xếp, di chuyển hơn 400 hộ ra khỏi vùng thiên tai. Hiện gần 300 hộ còn nằm trong khu vực có nguy cơ cần theo dõi. Di chuyển các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh mùa mưa lũ năm 2019 đang diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, địa phương khó khăn về kinh phí, việc di dời một lúc tất cả các hộ trong diện khẩn cấp không dễ dàng.

Theo thống kê của UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu), xã Lản Nhì Thàng phải di chuyển 79 hộ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, trong đó di dân tập trung là 75 hộ, còn 4 hộ di chuyển xen ghép. Theo kế hoạch, huyện sẽ phải di chuyển xong trước mùa mưa năm 2019. Tuy nhiên, đến tháng 7/2019, UBND huyện mới phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Anh Tẩn Phủ Sang ở bản Hồng Thu Mán, xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) chia sẻ: Từ năm 2018, bản đã có hiện tượng sạt lở, nhiều ngôi nhà bị nứt. Mỗi khi có mưa, người dân không dám ở nhưng cũng không biết đi đâu, đành cầu nguyện được bình an. Do kinh tế rất khó khăn, họ không có điều kiện tự di chuyển. Theo đó, người dân nơi đây rất mong Ðảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ di chuyển họ đến nơi ở mới an toàn càng sớm càng tốt, để ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Văn Quế cho biết, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, huyện đã xây dựng đề án, đồng thời vận động nhân dân di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, huyện gặp khó khăn do thiếu mặt bằng, kinh phí. Bên cạnh đó, nhận thức của một số hộ dân về nguy cơ tiềm ẩn sạt lở còn hạn chế... Ðến thời điểm tháng 7/2019, nhiều hộ vẫn chưa di chuyển được.

Thấp thỏm chờ di dời

Nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản cho 31 hộ dân với 138 khẩu ở thôn Nà Ðứa, xã Ðà Vị, huyện Na Hang (Tuyên Quang) do chịu ảnh hưởng từ nguy cơ sạt lở, UBND huyện Na Hang đã lên phương án di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, kinh phí để di dời các hộ dân đến vùng an toàn rất lớn, trong khi nguồn kinh phí của tỉnh chưa thể bố trí được, dự án buộc phải… chờ. Những lúc trời mưa, nhiều hộ dân phải sang nhà hàng xóm để lánh nạn. Một số hộ khác do hoàn cảnh khó khăn không thể di dời.

Những ngày này, mặc dù biết được nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng do trong nhà có người ốm nặng, gia đình bà Vi Thị Tuyền, thôn Nà Ðứa, xã Ðà Vị, huyện Na Hang buộc phải bám trụ ở ngôi nhà xiêu vẹo. Bà Tuyền chia sẻ đã 3 năm nay, ngôi nhà của gia đình bà liên tục xuất hiện những vết nứt, nền nhà nhiều chỗ sụt lún nghiêm trọng.

Mong muốn của bà là được chính quyền, các cơ quan cấp trên hỗ trợ để gia đình sớm chuyển đến nơi ở mới an toàn, ổn định cuộc sống. Gia đình anh Dương Ngọc Lâm, thôn Nà Ðứa, xã Ðà Vị, huyện Na Hang hằng đêm vẫn nơm nớp lo sợ khi trời mưa. Mới trải qua những trận mưa lớn, ngôi nhà sàn của gia đình anh đã có hiện tượng xiêu vẹo, nền nhà xuất hiện nhiều vết nứt lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.

Anh Dương cho biết, hiện nay, khu vực trong thôn đã xuất hiện nhiều vết nứt dài hàng trăm mét. Ðặc biệt, vào mùa mưa, những vết nứt mới lại xuất hiện, rộng 15-20cm, có nơi sâu đến hơn 1m. Các vết nứt này đi ngang qua nhà ở của nhiều hộ dân khiến nhà cửa bị xiêu vẹo, người dân nơm nớp lo sợ. Mỗi khi trời mưa kéo dài liên tục, người dân lại dìu dắt nhau đi ở nhờ.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nà Ðứa, xã Ðà Vị  Hoàng Thị Dung cho biết, sau những trận mưa giữa năm 2017, toàn thôn có 31 hộ đều nằm trên cung trượt, sạt, rất nguy hiểm. Trong khi chờ sự hỗ trợ của cấp trên, thôn và xã đã họp nhiều lần, thống nhất với phương án nếu trời mưa to và kéo dài, các hộ có nguy cơ sạt lở cao sẽ đến ở ghép với hộ thuộc khu vực an toàn trong thôn.

Ông Tô Hưng Khánh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, trước tình hình sạt lở nghiêm trọng ở thôn Nà Ðứa, lãnh đạo huyện Na Hang cùng lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần trực tiếp đến khảo sát thực tế. Hiện nay, huyện Na Hang đã có phương án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm với số vốn trên 8 tỉ đồng. Song, phương án chưa được Sở Kế hoạch và Ðầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.

Ðể đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân, trong khi chờ nguồn vốn từ cấp trên, chính quyền huyện Na Hang đã giao các đơn vị liên quan, UBND xã Ðà Vị trực tiếp theo dõi, nắm bắt tình hình và khuyến cáo người dân khi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất xảy ra cần chủ động nhanh chóng di dời đến khu vực an toàn hơn.

Trở lại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) sau gần một năm cơn lũ dữ xảy ra (20/7/2018), phóng viên được bà Lưu Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã đưa lên khu tái định cư tập trung Noong Mi, nơi bố trí cho hơn 60 hộ dân trong xã di dời lên ở sau đợt lũ. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn chưa có đất sản xuất và thiếu nước sinh hoạt, đời sống gặp nhiều khó khăn. Ðặc biệt, địa bàn xã Sơn Lương còn 63 hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà cửa và tính mạng cần tiếp tục di dời khỏi vùng nguy hiểm. Theo bà Lưu Thị Hồng, xã đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền cấp kinh phí, thu hồi mở rộng khu đất tái định cư Nong Mi để có quỹ đất di dời các hộ trên địa bàn nằm trong vùng nguy hiểm sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn kịp thời.

T.K (theo dân tộc và miền núi)
Bình luận
Back To Top