Thêm cơ hội cho lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài

14:37 - Thứ Hai, 07/10/2019 Lượt xem: 10366 In bài viết

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, hoạt động xuất khẩu lao động đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm hàng năm, bình quân khoảng 10% tổng số lao động được giải quyết việc làm của cả nước. Với mức thu nhập tốt, nhiều lao động sau khi đi xuất khẩu lao động về nước đã có cuộc sống tốt hơn.

Nhưng con số này sẽ còn tăng lên nếu chúng ta nắm bắt được những “cơ hội vàng” khi hàng loạt thị trường đang “mở cửa” với lao động Việt Nam. 

Ngoài các thị trường chính như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông… tiếp tục được củng cố và tăng cường, gần đây một số thị trường châu Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam.

“Cơ hội vàng” từ thị trường truyền thống

Tính đến nay, Việt Nam đã phái cử được trên 250 nghìn thực tập sinh sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản. Việt Nam đã trở thành quốc gia phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. 

Theo thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngày 8-12-2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó cho phép tiếp nhận lao động “kỹ năng đặc định” người nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản kể từ ngày 1-4-2019. 

Các học viên theo đơn hàng kỹ sư Nhật Bản được đào tạo nâng cao. Ảnh: CTV

Các ngành nghề dự kiến và số lượng tiếp nhận cũng đã được Nội các Nhật Bản quy định cụ thể gồm 14 ngành với tổng số lượng hơn 345 nghìn người sẽ tiếp nhận trong 5 năm. Đây sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu lao động Việt Nam đến thị trường này. 

Trong tiến trình triển khai, Việt Nam đang thúc đẩy ký các Bản ghi nhớ hợp tác về đẩy mạnh tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, việc triển khai chương trình trên cơ sở các bản thỏa thuận sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động có kỹ năng của Việt Nam, góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, gắn kết giữa thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc tế. Đồng thời, cũng sẽ giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong một số ngành quan trọng của nền kinh tế.

Không chỉ vậy, lao động ngành điều dưỡng, hộ lý Việt Nam cũng đang có “cơ hội vàng” khi dự báo nhu cầu ngành nghề này từ nay đến 2020 tại Nhật Bản sẽ cần khoảng 400 nghìn vị trí việc làm. 

Các ứng viên Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá rất cao nhờ khả năng thông minh, chịu khó, ham học hỏi. Các cơ sở tiếp nhận đánh giá cao ứng viên Việt Nam về khả năng ngoại ngữ cũng như tinh thần làm việc. 

Các ứng viên Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng, hộ lý của các nước khác với tỷ lệ thi đậu chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản hằng năm rất cao. 

“Chất lượng của ứng viên được phía Nhật Bản đánh giá cao, dẫn tới nhu cầu tiếp nhận phía Nhật Bản luôn cao hơn rất nhiều so với lượng ứng viên đang được đào tạo ở trong nước. Điển hình như khóa 7, chúng ta chỉ tuyển được 236 ứng viên đang trong thời gian đào tạo 1 năm tiếng Nhật ở Việt Nam, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng phía Nhật Bản thông báo là trên 800 người. Trên 90% các cơ sở tiếp nhận trong khuôn khổ Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc (EPA) đều mong muốn các ứng viên Việt Nam sau khi đã đạt được chứng chỉ quốc gia về điều dưỡng Nhật Bản ở lại làm việc lâu dài”, bà Trịnh Vân  Hà, Trưởng phòng Thông tin (Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.

Hướng đến các thị trường “thu nhập cao”

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà thì các thị trường chính của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt là thị trường khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Malaysia và gần đây một số thị trường châu Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam. Các quốc gia phát triển có thu nhập cao như Australia, Mỹ, Canada, Phần Lan và Italy cũng là mục tiêu xuất khẩu lao động Việt Nam hướng đến. 

“Trong thời gian gần đây, hàng loạt các quốc gia có thu nhập cao đang “mở cửa” với lao động Việt Nam. Đây là những “cơ hội vàng” để có việc làm tốt, thu nhập hấp dẫn. Lao động Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng những yêu cầu tuyển dụng của các thị trường mới này”, bà Hà cho biết.

Nhiều thị trường châu Âu đang mở rộng với lao động Việt Nam.

Mục tiêu thị trường đã được xác định, vậy nhưng đâu là chìa khóa để mở ra những “cơ hội vàng” trong lĩnh vực xuất khẩu lao động này? 

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, thì lao động Việt Nam hiện này còn điểm yếu về ngoại ngữ. Nhiều chủ sử dụng đánh giá lao động Việt Nam làm việc chăm chỉ nhưng lại không theo quy trình. 

“Hiện nay, thời gian doanh nghiệp phải đào tạo lao động trước khi đi làm việc nước ngoài dài hơn các quốc gia khác. Thế nhưng, việc đào tạo đang đem lại hiệu quả rõ rệt. Chẳng hạn như thị trường Nhật Bản, yêu cầu đào tạo lao động trước khi đưa đi cao, khi lao động sang làm việc ở Nhật Bản ý thức kỷ luật tốt, thích nghi nhanh với môi trường làm việc”, ông Quỳnh cho hay.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện ước tính có khoảng 580 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với khoảng 30 ngành nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao và chuyên gia. 

Tuy nhiên, ông Liêm cũng thừa nhận một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp khó khăn trong chủ động tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng. Khi đối tác yêu cầu tuyển dụng trong thời gian ngắn, doanh nghiệp không thể tìm kiếm được lao động. 

“Quy định về tuyển chọn lao động sẽ được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định doanh nghiệp có thể liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên để chủ động bổ túc, nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động”, ông Nguyễn Gia Liêm nói. 

Bên cạnh đó, ông Liêm cũng cho biết, thị trường xuất khẩu lao động hiện nay cũng còn một số bất cập cần sớm khắc phục, đó là tình trạng một bộ phận người lao động còn thiếu thông tin, doanh nghiệp cần tuyển người thì không có, trong khi người cần đi xuất khẩu lao động thì không biết nơi cần tuyển dụng ở đâu, dẫn đến xảy ra các trường hợp người lao động bị kẻ xấu lừa đảo, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top