Sinh hoạt tư tưởng

Chấm dứt vấn nạn… “chạy”!

09:09 - Thứ Tư, 09/10/2019 Lượt xem: 12002 In bài viết

ĐBP - Trong xã hội hiện nay, đang tồn tại vấn nạn “chạy”. Việc gì cũng có thể “chạy”, bất chấp mọi hậu quả, miễn sao người “chạy” đạt được mục đích, như: “chạy điểm”, “chạy trường”, “chạy việc”, “chạy chức, chạy quyền”, “chạy án”... Hậu quả của việc “chạy” không làm cho xã hội tiến lên theo đúng nghĩa mà kéo theo những hệ lụy rất lớn làm đất nước chậm phát triển nếu không muốn nói  là rất dễ thụt lùi; nhân tài bị mai một; học sinh ngồi “nhầm lớp”; người đủ đức đủ tài không được trọng dụng, bị kìm hãm, còn những kẻ cơ hội “trục lợi” giữ chức vụ cao; kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật...

Vụ việc gây rúng động thời gian qua liên quan tới “chạy” là trên 200 thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ðiều đó có thể thấy vấn nạn “chạy” đã len lỏi đến khu vực bục giảng - nơi các em học sinh đang học trong tuổi ăn tuổi lớn, vẫn hồn nhiên vui tươi. Vậy mà đã phải chịu những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, những ham muốn của gia đình, cha mẹ. Bởi cha mẹ chính là những người trực tiếp đưa các em đến với những tiêu cực trong thi cử bằng những mối quan hệ của bản thân hoặc tiềm lực kinh tế gia đình. Có những thí sinh bài thi sau khi chấm thẩm định số điểm đã bị giảm tới 8 - 9 điểm; có thí sinh tổng số điểm cả 3 môn thi giảm tới 28 điểm... Kết cục sẽ ra sao khi chính các thí sinh này lại theo học các trường tốp đầu (Ðại học Y, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân…)? Vô hình trung các trường sẽ đào tạo ra một lượng nguồn nhân lực “tinh hoa giả” cho đất nước. Không dừng lại ở đó, việc “chạy” còn diễn ra ở mọi lĩnh vực trong đời sống như: “chạy chức, chạy quyền” - chạy để có được một vị trí tốt trong công việc (việc nhẹ lương cao), chạy để được vào những vị trí chủ chốt, có quyền lực; “chạy án” - chạy để thoát tội hoặc được giảm án...

Ðể ngăn chặn vấn nạn “chạy” nói chung và tình trạng “chạy chức, chạy quyền” nói riêng, ngày 23/9 vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QÐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Theo đó, có 5 điểm nổi bật tại quy định là: Người trong gia đình không cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan; nghiêm cấm việc cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên; xử lý vi phạm cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu; xác định cụ thể 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; các biện pháp xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền.

Ðể chấm dứt vấn nạn “chạy” không phải là việc một sớm một chiều, không phải là việc riêng của các cơ quan chức năng; cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội. Trước tiên trong mỗi gia đình, mỗi cán bộ đảng viên cần xóa bỏ tư tưởng “chạy” trong nhận thức, không “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy việc”, “chạy chức” cho con em, người thân... Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi gia đình, mỗi cán bộ đảng viên xóa bỏ tư tưởng “chạy” từ trong gia đình mình; cùng với sự vào cuộc và xử lý nghiêm minh của cấp ủy, chính quyền các cấp lúc ấy vấn nạn “chạy” mới mong được giải quyết triệt để.

Minh Châu
Bình luận
Back To Top