Không để ai bị bỏ lại phía sau

09:13 - Thứ Tư, 09/10/2019 Lượt xem: 13303 In bài viết

ĐBP - Những ngày này, Tỉnh ủy Ðiện Biên và các cấp, ngành liên quan trong tỉnh đang nỗ lực triển khai hoàn thiện kế hoạch làm nhà ở cho hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Mường Nhé. Ðược biết, theo chỉ đạo và kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, chính quyền và ngành Công an tỉnh Ðiện Biên sẽ phối hợp, vận động các cơ quan, đơn vị, cấp, ngành trong tỉnh cùng vào cuộc thực hiện hỗ trợ xây dựng để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé làm nhà cho hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát tại bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè.

Hiện nay, Mường Nhé là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước đang được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ. Qua khảo sát của Công an tỉnh cho thấy, trên địa bàn huyện hiện còn 1.527 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số ở 11/11 xã cần hỗ trợ xây dựng nhà ở. Trong đó, 1.112 hộ cần được hỗ trợ xây nhà mới hoàn toàn; 143 hộ cần hỗ trợ mái nhà; 47 hộ cần hỗ trợ mái nhà và nền; 225 hộ cần hỗ trợ nền. Chính vì thế, Mường Nhé là huyện đầu tiên trong cả nước được Bộ trưởng Tô Lâm quyết định cho triển khai thực hiện kế hoạch làm nhà ở cho hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát. Dự kiến tới cuối năm 2020, kế hoạch sẽ hoàn thành.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, Công an tỉnh đã nhanh chóng tiến hành rà soát số hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát trên đia bàn huyện Mường Nhé và triển khai kế hoạch dự kiến theo hình thức hỗ trợ trực tiếp (không qua dự án), kinh phí từ nguồn xã hội hóa (không quá 50 triệu đồng đối với nhà làm mới); nhà mới phải đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng - khung cứng - mái cứng), phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số và điều kiện tự nhiên trên địa bàn; vị trí nhà được làm ở nơi an toàn, không ảnh hướng tới tài nguyên rừng; việc triển khai cần sự hỗ trợ của chính quyền sở tại và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn để huy động nhân lực, vật lực tại chỗ; chủ đầu tư thực hiện dự kiến là 15 đơn vị trong tỉnh. Hiện nay, Công an tỉnh đã giao Công an huyện Mường Nhé triển khai làm thí điểm 9 ngôi nhà cho bà con tại 3 xã: Mường Toong, Mường Nhé và Nậm Kè. Ðến nay, các ngôi nhà đã hoàn thiện đưa vào sử dụng, làm cơ sở để rút kinh nghiệm cho việc triển khai kế hoạch xây dựng tiếp theo được thuận lợi hơn”.

Ðến huyện Mường Nhé, chúng tôi vào thăm những ngôi nhà mới hoàn thành tại bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè. Trực tiếp dẫn chúng tôi vào bản, Ðại tá Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng Công an huyện Mường Nhé phấn khởi nói: “Sau gần 1 tháng nỗ lực triển khai xây dựng mới, chúng tôi đã hoàn thành 9 ngôi nhà mới cho bà con. Với mức đầu tư là 50 triệu đồng/nhà; diện tích tối thiểu mỗi ngôi nhà là 36m2. Trước đây, bà con phải ở trong nhà tạm, dột nát, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt của cả gia đình, thì nay ngôi nhà mới hoàn thành, kiên cố, chắc chắn đã giúp chỗ ăn ngủ, sinh hoạt của gia đình được đảm bảo hơn. Bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi, từ đó có thêm động lực để xóa đói, giảm nghèo”.

Nhìn những ngôi nhà mới làm kiên cố, thay thế cho những nhà tạm dột nát, xiêu vẹo và sự phấn khởi của bà con, chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng và xúc động. Tại bản Huổi Hốc, đứng trước ngôi nhà vừa mới hoàn thành, chủ hộ Sùng A Sủng chia sẻ: “Gia đình tôi từ ngày tách khẩu đến nay đều ở trong ngôi nhà tạm xiêu vẹo, dột nát. Mùa mưa thì ướt mà mùa đông thì lạnh lẽo. Gia đình rất phấn khởi khi được các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện trực tiếp chở nguyên vật liệu vào, rồi làm cho một căn nhà kiên cố. Tôi biết ơn cán bộ và cảm ơn chủ trương của Ðảng, Nhà nước nhiều lắm, tôi sẽ cố gắng lao động, phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo”.

Ðược biết, thời gian làm nhà cho các hộ nghèo tại 3 xã trên vào đúng dịp mùa mưa, vị trí lại ở các bản khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhất của xã. Tuy vậy, để hoàn thành những ngôi nhà cho bà con đảm bảo đúng tiến độ, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé đã nỗ lực không ngừng nghỉ. Chia sẻ với chúng tôi, Ðại úy Chang A Dì, Tổ trưởng Tổ công tác Công an huyện “cắm” xã cho biết: “Ngày mưa cũng như ngày nắng, từ sáng sớm là anh em trong tổ chúng tôi chở nguyên vật liệu vào bản cho bà con, rồi dựng nhà đến tối mịt mới nghỉ ngơi. Do đường sá chưa thuận lợi, có những đoạn đường chúng tôi phải đi bộ và mang vác vật liệu trên vai. Có hôm, chúng tôi ngủ luôn trong nhà tạm của bà con để sáng mai triển khai làm tiếp. Mặc dù có phần vất vả, nhưng khi nằm ngủ trong nhà tạm, chúng tôi càng thấy thương bà con và quyết tâm nhanh chóng hoàn thành những căn nhà mới cho họ. Ðiều thuận lợi là anh em trong tổ đều đồng lòng, nhất trí, nỗ lực hết mình và chính quyền xã, bản cũng quan tâm, hỗ trợ cùng làm nên công việc được triển khai nhanh chóng, được sự đánh giá cao của chính quyền địa phương”.

Trong buổi họp mới đây, khi nhận được báo cáo của Công an tỉnh Ðiện Biên về việc đã hoàn thành 9 ngôi nhà thí điểm cho hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Mường Nhé, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đã đánh giá việc thực hiện, triển khai của Công an tỉnh là đảm bảo thời gian và chất lượng tốt. Ðồng thời đề nghị: Việc triển khai xây dựng tiếp theo cũng phải áp dụng phương thức đã làm; huy động tối đa lực lượng cùng sự hỗ trợ, đồng thuận của chính quyền sở tại; phải tuyên truyền cho người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương; chủ đầu tư là các cấp, ngành trong tỉnh được giao triển khai làm nhà phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm để công việc hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra. Bên cạnh đó, phải tính toán cụ thể về số lượng, đối tượng, cách thức triển khai, tổ chức khảo sát, thiết kế, xây dựng… sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc sinh sống tại huyện Mường Nhé”.

Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Mường Nhé là chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, cũng như các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền tỉnh Ðiện Biên. Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, được xem như một “luồng gió mới” giúp cho các hộ nghèo vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, từ đó có thêm động lực để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top