Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh

Ðịa chỉ đào tạo tin cậy cho nông dân

08:47 - Thứ Sáu, 11/10/2019 Lượt xem: 12320 In bài viết

ĐBP - Với mục đích tạo điều kiện cho bà con nắm được kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, tư vấn, hướng nghiệp và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Từ đó, trung tâm đã trở thành địa chỉ học nghề tin cậy cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh trao chứng chỉ đào tạo nghề trồng và bảo quản nấm cho học viên xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên.

Cách đây hơn 1 tháng, chúng tôi có dịp được tham dự lễ bế giảng lớp dạy nghề kỹ thuật trồng và bảo quản nấm do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức tại xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên. Ðược các giảng viên dạy học theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, các học viên đã cơ bản nắm được kỹ thuật trồng một số loại nấm; phương pháp xử lý nguyên liệu, nuôi cấy giống; ươm sợi nấm; cách chăm sóc nấm trong quá trình sinh trưởng; thu hoạch, sơ chế và bảo quản nhằm nâng cao chất lượng nấm thương phẩm… Sau hơn 1 tháng học tập, các học viên được cấp chứng chỉ tốt nghiệp nên ai cũng vui mừng, hơn nữa là họ có thể áp dụng những kiến thức đã được tiếp thu vào thực tiễn. Cầm chứng chỉ đào tạo nghề trên tay, ông Lường Văn Dọn, bản Hua Pe, xã Thanh Luông phấn khởi nói: “Vì tuổi đã cao nên lúc đầu tôi sợ không tiếp thu được kỹ thuật, áp dụng trồng nấm tại nhà. Nhưng được giảng viên tận tình hướng dẫn nên việc học tập cũng dễ dàng hơn. Sau khóa học này, tôi đã có thể tự trồng nấm tại nhà để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Còn chị Lò Thị Xinh, xã Thanh Luông cho biết: Trước đây, gia đình cũng đã trồng thử các loại nấm nhưng vì không có kiến thức, kỹ thuật nên hiệu quả không cao. Chính vì vậy, khi mở lớp đào tạo nghề trồng và bảo quản nấm tại địa phương, tôi đã đăng ký theo học. Qua các buổi học lý thuyết và thực hành, sau khóa học tôi đã nắm được những kỹ thuật cơ bản. Ðến nay, đã có thể áp dụng các kỹ thuật này để trồng nấm, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.

Ðể học viên tiếp thu được những kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh còn tạo mọi điều kiện giúp đỡ các học viên được học hỏi và thực hành; đồng thời cử giảng viên xuống cơ sở để hướng dẫn bà con và thường xuyên áp dụng phương pháp giảng dạy mới để học viên dễ tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Hiện nay, ở một số địa phương trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn hạn chế; địa bàn các xã phần lớn cách xa trung tâm huyện, tỉnh nên rất khó tập trung nông dân để học nghề. Trong khi các đối tượng trên 60 tuổi và dưới tuổi lao động không có kinh phí hỗ trợ học nghề nên càng khó thu hút học viên đến học… Mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy nhưng trung tâm đã rất nỗ lực để tổ chức các lớp đào tạo nghề, giúp bà con có cơ hội để nâng cao thu nhập. Ngoài việc đào tạo, dạy nghề theo nguyện vọng, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh còn phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu, xây dựng định hướng, kế hoạch dạy nghề cho nông dân sát với điều kiện thực tế, dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Trung tâm đã mời các giảng viên tâm huyết, có kiến thức, kỹ thuật tốt để hướng dẫn cho học viên; thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trình độ nhận thức của nông dân. Ngoài ra, đơn vị cũng yêu cầu giảng viên chuẩn bị tài liệu phục vụ giảng dạy sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và áp dụng dạy song hành giữa lý thuyết với thực hành “cầm tay chỉ việc” trên mô hình, cây trồng, vật nuôi. Ðể công tác dạy và học được thuận lợi, trung tâm đã chuẩn bị kỹ về vật tư, thiết bị, đầu tư xây dựng mô hình thí điểm học nghề bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, kịp thời vụ để hướng dẫn học viên thực hành theo đúng nội dung giảng dạy và quy trình kỹ thuật. Ðồng thời phối hợp với các tổ chức hội, chính quyền địa phương lựa chọn mô hình thực tế để hướng dẫn thực hành, giúp học viên nâng cao tay nghề. Từ đó, có cách nhìn mới, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức được 12 lớp dạy nghề về kỹ thuật thâm canh cây ăn quả, nuôi cá nước ngọt, trồng và bảo quản nấm cho tổng số 420 học viên trên địa bàn huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ. Bên cạnh việc đào tạo nghề cho hội viên, trung tâm còn hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất như: Mô hình bón phân cho cây lúa tại xã Thanh An, huyện Ðiện Biên, với diện tích 5ha; dự án phát triển cây bưởi da xanh tại xã Mường Pồn, huyện Ðiện Biên, với diện tích hơn 4ha…

Thông qua các lớp học nghề và sự hỗ trợ của trung tâm, nông dân đã biết bố trí cơ cấu cây, con phù hợp, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cấp, chính quyền địa phương, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập và đã trở thành những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top