Phòng cháy, chữa cháy ở các chợ

Trách nhiệm của cả cộng đồng

08:33 - Thứ Hai, 14/10/2019 Lượt xem: 12650 In bài viết

ĐBP - Những tháng cuối năm là thời điểm tại các chợ tập trung lượng lớn hàng hóa, nhu cầu mua bán tăng cao. Ðiều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ. Do đó, việc tăng cường kiểm tra và tuyên truyền là những biện pháp mà lực lượng chức năng đang tích cực triển khai để đảm bảo an toàn do cháy nổ gây ra.

Cán bộ Ban Quản lý chợ Trung tâm 1 (TP. Ðiện Biên Phủ) hướng dẫn hộ kinh doanh sử dụng bình chữa cháy cá nhân.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) (Công an tỉnh), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 20 chợ cố định cùng các chợ bán cố định, chợ tạm, chợ tự phát. Thời gian gần đây, mặc dù tại các chợ chưa xảy ra sự cố cháy nổ, nhưng nguy cơ xảy ra cháy nổ tại các chợ là rất cao. Vì thời điểm này, lượng hàng hóa dồn về nhiều, lưu lượng người mua sắm tăng, cùng với khí hậu khô hanh là điều kiện thuận lợi dễ dẫn đến sự cố cháy nổ. Cùng với đó, do hầu hết các chợ đều được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất xuống cấp; hệ thống chữa cháy (bể nước, máy bơm, vòi chữa cháy), hệ thống báo cháy không có; dụng cụ phương tiện chữa cháy tại chỗ chủ yếu do người dân tự trang bị bình chữa cháy không đáp ứng được khi có đám cháy lớn, cháy lan xảy ra; hệ thống điện không đảm bảo an toàn, không đáp ứng được yêu cầu PCCC. Bên cạnh đó, một vài chợ vừa kết hợp làm nhà ở và nơi kinh doanh; việc sắp xếp hàng hóa, cơi nới mái vẩy, mái che, lấn chiếm hành lang tạo điều kiện cho cháy lớn, cháy lan.

Ðiển hình như tại chợ Trung tâm 1 - một trong những chợ đầu mối lớn của tỉnh có diện tích 6.000m2, với 183 ki ốt. Các mặt hàng kinh doanh tại chợ rất đa dạng, phong phú như: Vàng mã, quần áo, hàng khô, giày dép… Mặc dù chợ đã xây dựng phương án PCCC, nội quy chợ, nhưng do chợ được xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng xuống cấp; trang thiết bị phục vụ công tác PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định; hơn nữa các hộ vừa kết hợp làm nhà ở và kinh doanh nên vẫn còn tình trạng thắp hương thờ cúng, nấu ăn trong khu vực kinh doanh; đặt các vật liệu dễ cháy gần các thiết bị điện… nên chợ luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Ông Ðỗ Văn Ðức, Phó Ban quản lý chợ Trung tâm 1 cho biết: Ðể hạn chế những sự cố cháy nổ có thể xảy ra, Ban quản lý chợ xác định công tác phòng ngừa và tuyên truyền là chính. Do đó, ngay từ đầu năm, Ban quản lý chợ yêu cầu các hộ dân ký cam kết đảm bảo phòng chống cháy nổ. Ðồng thời, thường xuyên xuống từng hộ kinh doanh kiểm tra: hệ thống điện, bếp nấu ăn, nơi thờ cúng… Vào trước ngày mùng 1 và ngày 15 (âm lịch) hàng tháng đọc tuyên truyền trên loa phát thanh của chợ 3 lần/ngày để nhắc nhở người dân chú ý về công tác phòng chống cháy nổ; nhắc nhở các hộ kinh doanh không bày bán hàng hóa, cơi nới lấn chiếm hành lang lòng đường để khi xảy ra sự cố xe chữa cháy có thể tiếp cận hiện trường; vận động các hộ kinh doanh kiểm tra và tự trang bị bình PCCC cá nhân…

Ông Nguyễn Văn Lượng, một trong những hộ kinh doanh lâu năm tại chợ Trung tâm 1 cho biết: “Do thường xuyên được Ban quản lý chợ tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra nên tôi thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn PCCC. Ðặc biệt vào những dịp cuối năm, hàng hóa nhiều hơn ngày thường, tôi cũng ý thức được việc sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không che lấp ổ điện, cầu dao điện; tuyệt đối không đốt vàng mã, chú ý khi nấu ăn và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng...

Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: Công tác tuyên truyền, phòng ngừa được đẩy mạnh nên ý thức chấp hành về PCCC của người dân được nâng lên rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với cơ sở tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động, cố định đặc biệt là vào dịp cao điểm như lễ, tết. Tổ chức tập huấn về nghiệp vụ PCCC cho 100% đội PCCC cơ sở ở các chợ; tập huấn luân phiên tại Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên) TP. Ðiện Biên Phủ, Mường Nhé, Tủa Chùa và TX. Mường Lay. Ðồng thời, tổ chức được 40 lượt kiểm tra tại các chợ. Sau kiểm tra, Phòng đã đưa ra 250 khuyến cáo và tham mưu xây dựng công văn kiến nghị về những tồn tại tại các chợ. Tuy nhiên, công tác khắc phục chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận các cơ quan, đơn vị, người dân chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCCC và nghĩ rằng “phòng chống cháy nổ là trách nhiệm của lực lượng PCCC” nên còn bàng quan, lơ là, mất cảnh giác, chưa làm hết trách nhiệm. Việc đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC còn hạn chế, không xứng tầm. Vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC còn yếu, việc tổ chức các hoạt động PCCC tại chỗ và chữa cháy ban đầu chưa có hiệu quả… Ðể giảm thiểu những thiệt hại do cháy nổ, mỗi người dân, doanh nghiệp, người đứng đầu cần nâng cao ý thức về PCCC để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Muốn làm được điều đó, cần xác định rõ việc PCCC là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Lâm
Bình luận
Back To Top