Những phận người “gánh” sương đêm

08:45 - Thứ Năm, 17/10/2019 Lượt xem: 15128 In bài viết

ĐBP - Khi cả thành phố đang chìm trong giấc ngủ, trên các tuyến phố, chợ rau đêm đã có không ít phận người dầm sương gió vì gánh nặng mưu sinh. Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh, song phần nhiều trong số họ còn không ít khó khăn, thiếu thốn. Chúng tôi muốn nói đến những người phụ nữ dành cả cuộc đời để “gánh” sương đêm...

Tháng mười, một đêm trở gió, những con phố như co mình trong khoảng riêng, ấy vậy mà tại chợ đầu mối Mường Thanh đã náo nhiệt người bán kẻ mua. Cơn mưa trái mùa bất chợt, khiến cho những cuộc mưu sinh giữa màn sương đêm thêm bội phần cơ cực. Lọt thỏm giữa đám người đang tất bật lo che hàng, chạy mưa, phía góc chợ, một cụ bà trong tấm áo chùm vẫn ngồi thu lu bên vệ đường cùng gánh rau của mình. Bà co ro, run rẩy, thỉnh thoảng ngước đôi mắt thâm quầng lên, mời chào mỗi khi có người lướt qua.

Những người phụ nữ tần tảo ở chợ rau đêm.

Lại gần hỏi chuyện, chúng tôi được biết, bà là Vũ Thị Nhân, hiện đang trú tại đội 15, xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên. Năm nay bà Nhân đã bước sang tuổi 73. Ðã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, chúng tôi cứ nghĩ, cực chẳng đã mới phải chọn cách mưu sinh ở chợ đêm này. Thế nhưng, cách mà bà Nhân chia sẻ thì lại như thể đó không chỉ là cuộc sống mà là nguồn vui mỗi ngày…

Tối nào cũng vậy, bà Nhân tranh thủ ngủ vội khi gà vừa lên chuồng. Sau 12 giờ đêm bà thức giấc để bắt đầu một ngày mới mưu sinh. Một mình lọ mọ bó rau, xếp gọn gàng vào 2 sọt đã buộc sẵn sau xe, bà Nhân lóc cóc đạp từng vòng xe nặng nề chở rau ra chợ đầu mối Mường Thanh bán. Bà Nhân kể, cứ khoảng 1 giờ sáng là bắt đầu có người ra họp chợ. Buôn bán ở chợ đêm, đa phần là phụ nữ, và cũng có không ít người già cả như bà. Lấy đêm làm ngày để mưu sinh, nhưng lý do với bà Nhân lại hết sức đơn giản: “Bán đêm ít cạnh tranh các cô ạ. Không xô bồ, giành giật, mà vui lắm. Tuổi già như tôi chỉ cần thế. Càng đi càng khỏe người ra. Hôm nào không đi là nhớ chợ!”. Những tưởng, “gánh” mưu sinh, lo toan “cơm áo gạo tiền” là cơ cực, nhưng đâu đó vẫn đầy những giá trị nhân văn và đậm tình người, mà chỉ những con người “dầm” mình trong “sương đêm” mới thấu và cảm nhận được. Hàng chục năm mưu sinh chợ đêm, bà Nhân cho rằng mình vẫn may mắn, bởi đến tuổi này rồi nên ông trời vẫn cho sức khỏe để mỗi đêm thức cùng gánh rau nuôi sống “cuộc đời”.

Nói về chuyện rau, chuyện chợ đầy phấn khởi, nhưng giọng bà Nhân lại chùng xuống khi nhắc đến chuyện gia đình. Có lẽ, chợ đêm đúng là nguồn vui giúp bà khỏa lấp đi mối bận tâm, buồn tủi về gia đình. Người chồng sau bao năm chung sống đã bỏ bà Nhân đi theo một người phụ nữ khác, để lại 4 người con thơ dại. Nhà có gần 1.000m2 đất trồng rau, bà Nhân bám lấy chợ đêm mà sống, vì ban ngày còn phải lo vườn tược và chăm con. Vất vả mưu sinh mấy chục năm trời, chỉ mong đổi lại những đứa con khỏe mạnh, chăm ngoan. Nhưng 2 trong số 4 người con của bà, có lẽ vì thiếu đi sự dạy dỗ nghiêm khắc của người cha, nên sớm sa đà, nghiện ngập và phải đi trại cải tạo. Ở vào cái tuổi “gần đất xa trời”, mỗi đêm, không kể mùa đông, mùa hè hay mưa gió bão bùng, bà Nhân vẫn một mình cơ cực với gánh mưu sinh, chỉ mong dành dụm được một khoản cho 2 người con trai sau này cai nghiện thành công trở về bắt đầu cuộc sống mới…

Chị Lò Thị Ngoan ở xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên đến chợ vào lúc 3 giờ sáng; đằng sau xe máy là bao tải nặng hoa chuối (chừng 30 - 40kg) - thành quả cả ngày chồng chị đi rừng hái. Với tay lấy nửa viên gạch sẵn trong giỏ xe rồi kê vào chân chống, chị Ngoan bảo: Nặng lắm, luôn phải mang theo để kê nếu không thì sẽ đổ xe ngay. Giúp chị một tay, và cũng là để lấy vía đầu buổi chợ, chúng tôi mua mấy cái hoa chuối rồi tranh thủ hỏi chuyện. Nhà xa nên chị phải đi từ 2 giờ sáng, đến chợ giờ này cũng đã là muộn so với nhiều người, nhưng đi sớm hơn thì cũng khó. Gia đình chỉ có 400m2 ruộng, để có tiền nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống, ban ngày chồng chị đi rừng lấy hoa chuối, chị ở nhà chăm lo ruộng vườn, đêm về lại quay ra “chạy chợ”. Sương gió đã đành, điều làm chị lo lắng hơn là đường xa một thân một mình, chẳng biết xảy ra bất chắc khi nào. “Lo thì lo vậy, nhưng cũng không còn cách nào khác.” - chị Ngoan chia sẻ. Mỗi buổi chợ bắt đầu từ canh hai, canh ba, song về được đến nhà khi nào còn phụ thuộc vào nhiều thứ. May mắn gặp khách nhập cho nhà hàng, khách mua buôn đi xa lấy cả bao tải hoa chuối thì được về sớm, nếu không thì... Nhiều hôm mưa gió, không gặp khách chị phải đi đổi vài lần chợ (chuyển từ chợ đêm vào chợ ban ngày ở phía trong) đến 10 - 11 giờ trưa mới được về nhà. Vất vả là thế, song với giá 7.000 đồng/kg hoa chuối, công sức của cả vợ lẫn chồng trong một ngày đêm, rồi cả tiền xăng xe cũng chỉ thu về trên dưới 250.000 đồng...

Hơn 20 năm làm công nhân môi trường, chị Vân Anh ở phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ đã gắn bó máu thịt với nghề. Buồn vui, nhọc nhằn đều có cả; ngày nào cũng 2 ca: Từ 4 giờ chiều đến tối mịt và từ 3 giờ đêm đến 4,5 giờ sáng chị có mặt trên đường. Những ngày đầu còn phải để đồng hồ báo thức, sau rồi thành quen nên chỉ trừ ốm đau, nếu không thì đến giờ là tự thức giấc.

Chợ rau một đêm mưa gió.

Tất cả những gì chúng tôi nghĩ về công nhân vệ sinh môi trường là vất vả, là lặng lẽ trong đêm, nguy hiểm rình rập khi thân gái một mình không may tai nạn trên đường, hoặc nhỡ đâu cảm gió ai biết mà chăm... Song khi được chị chia sẻ thì lại khác, chị Vân Anh nói: Suy nghĩ của bạn giống hệt chúng tôi khi mới vào nghề. Nhưng gắn bó rồi mới thấy, vì khó khăn vất vả, nên chị em công nhân thương yêu đùm bọc nhau lắm; ốm đau thì đổi ca, đi làm thì đỡ đần nhau khi có thể. Thời điểm khó khăn nhất với chị Vân Anh là khi con còn nhỏ; hàng đêm chị phải để con gái mới 6 tuổi ở nhà một mình; rồi vừa làm vừa lo con thức giấc. Những năm đầu trẻ mới đến trường, người mẹ nào cũng dành thời gian đưa đón con, học cùng con mỗi tối, nhưng con gái chị thì biết thân biết phận nên đành phải tự chăm lo cho mình thôi.

Giờ đây con đã lớn, nhưng mẹ thì không còn khỏe như ngày xưa nữa. Ðiều kiện làm việc được công ty quan tâm hơn nhiều; đường sá sạch đẹp, đèn điện sáng hơn; song lượng rác thải cũng ngày một nhiều lên; rủi ro từ rác thải sắc nhọn, độc hại cũng là điều không thể nào tránh khỏi. Chỉ mới đây thôi, một đồng nghiệp của chị khi làm việc dù đã đeo găng tay bảo hộ vẫn bị mảnh kính làm rách tay phải khâu gần chục mũi...

“Nhọc nhằn gánh những sương đêm” là cụm từ chúng tôi muốn dùng để nói về những người phụ nữ vì cuộc sống mưu sinh mà dành cả cuộc đời làm lụng trong đêm sương giá rét, mưa sa. Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh, song phần nhiều trong số họ còn khó khăn, vất vả, thậm chí thiệt thòi. Dẫu với họ, công việc đó chỉ là mưu sinh, thì với cộng đồng xã hội không hẳn thế. Ðó là những phụ nữ tần tảo, can trường; những người góp cho đời thêm tươi, thêm đẹp, thêm hạnh phúc. Nhờ họ mà mỗi sớm mai chúng ta bước ra đường với thênh thang sạch đẹp; mỗi bữa cơm có rau, có quà trên mâm... Vì thế, chúng tôi mong những nguyện vọng chính đáng, hợp lý từ họ sẽ sớm được quan tâm, chia sẻ.

“Chúng tôi mong có một nơi để yên tâm bán cho đến khi hết hàng. Chứ cứ như hiện nay thì, gọi là chợ vì có người thu vé, có người trông nom; nhưng chúng tôi phải bán ở lòng đường hè phố; cũng chỉ được họp đến 5 - 6 giờ sáng mà thôi. Nhiều khi, rau chưa bán hết thì bảo vệ đã đuổi rồi. Người đi chợ bị xô đẩy, thu rau, va chạm hỏng cân không phải là chuyện hiếm”.

Chị Nguyễn Thị B.

(Một người nhiều năm gắn bó với chợ rau đêm)

Bài, ảnh: Mai Thủy - Hải Yến
Bình luận
Back To Top