Ðiện Biên Ðông còn nhiều người đi lao động “chui”

09:22 - Thứ Sáu, 18/10/2019 Lượt xem: 10548 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên Ðông là một trong những huyện có tỷ lệ lao động đi làm việc ngoại tỉnh cao (bao gồm cả đi làm việc có tổ chức; không có tổ chức và lao động tại nước ngoài). Tuy nhiên, số người đi lao động có tổ chức chiếm tỷ lệ thấp, trong khi đó số lao động “chui” lại chiếm phần nhiều.

Pú Hồng là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo 68,89%, cao nhất huyện Ðiện Biên Ðông. Toàn xã có 17 bản, 950 hộ dân với 5.056 nhân khẩu, sống chủ yếu phụ thuộc sản xuất nông nghiệp. Ðời sống nhiều khó khăn, nên nhiều người đã chọn đi lao động tại các nhà máy, xí nghiệp ngoại tỉnh hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Theo ông Mùa A Sùng, Chủ tịch UBND xã Pú Hồng, những năm qua thực hiện chủ trương của huyện, tỉnh về đưa người đi lao động ở các công ty, doanh nghiệp có tổ chức; thậm chí hỗ trợ, tạo điều kiện về vé xe đi và về tết cho lao động nhưng không có người dân nào đăng ký. Ðiển hình như năm 2018 mặc dù được tuyên truyền, vận động song không có trường hợp nào đăng ký đi lao động theo tổ chức nhưng thực tế lại có 41 lao động đi theo hình thức tự do, trong đó 3 người đi làm ở nước CHDCND Lào và 38 người làm việc tại các công ty trong nước.

Không chỉ Pú Hồng, mà ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đều có tình trạng người đi lao động “chui”. Theo ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông, những năm gần đây lao động trên địa bàn huyện đi làm việc có tổ chức đã có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, tình trạng lao động “chui” vẫn chiếm chủ yếu; mặc cho thời gian qua huyện, tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho người lao động như: Ðào tạo nghề, hỗ trợ tiền vé xe, vay vốn, giống cây trồng, vật nuôi… Tính đến tháng 9/2019, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh là 2.046 lao động. Tuy nhiên, trong đó số người đi làm việc có tổ chức chỉ có 411 lao động; còn lại 1.635 lao động đi “chui”. Thị trường lao động trong nước chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp tại các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội… Một số xã có nhiều lao động đi làm việc ngoài tỉnh là: Luân Giói (hơn 410 người), Chiềng Sơ (gần 250 người); Mường Luân (200 người), Keo Lôm (hơn 130 người). Bên cạnh đó, toàn huyện có 161 người đi lao động tự do tại nước ngoài; trong đó có 29 lao động làm việc tại nước CHDCND Lào và 249 người lao động tự do tại Trung Quốc. Ðây là con số báo cáo, song trên thực tế số người đi lao động “chui” có thể còn nhiều hơn. Nguyên nhân thì có nhiều, song lý do chính là do sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ; trong khi nếu làm việc tại các khu công nghiệp thì có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định hơn làm nông nghiệp. Chưa kể, một bộ phận người lao động do thiếu hiểu biết nên đã bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo đi làm việc một cách bất hợp pháp. Ngoài ra, đi làm có tổ chức thì thời gian đi lại, làm thủ tục giấy tờ lâu hơn nên nhiều người có tâm lý ngại đăng ký.

Những trường hợp lao động “chui” thường phải làm việc với cường độ cao, trong môi trường độc hại nhưng thiếu các phương tiện bảo hộ, thiếu kỹ năng về vệ sinh an toàn lao động. Mặt khác, khi không may xảy ra tai nạn lao động hoặc những rủi ro đáng tiếc thì hầu như không được hưởng bất cứ chế độ gì. Trước tình hình trên, huyện Ðiện Biên Ðông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu thực trạng, nguy cơ rủi ro khi lao động tự do và trái phép ở nước ngoài để từ đó đăng ký đi làm việc có tổ chức. Ðồng thời tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm để người dân có việc làm ngay tại địa phương... song hiệu quả đến nay vẫn còn hạn chế.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top