Cần quan tâm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên

09:29 - Thứ Sáu, 18/10/2019 Lượt xem: 11530 In bài viết

ĐBP - Toàn tỉnh hiện có trên 1.810 tổ hòa giải với khoảng 9.890 hòa giải viên. Thời gian qua, hòa giải viên - những người được xem như “vác tù và hàng tổng” này là nhân tố quan trọng góp phần san sẻ bớt gánh nặng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi trực tiếp giải quyết kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; đồng thời, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng cho đội ngũ này, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiện toàn mạng lưới hòa giải ở cơ sở, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên.

Hòa giải viên tham gia phần thi tiểu phẩm tại Hội thi hòa giải viên TX. Mường Lay.

Mặc dù đều ở độ tuổi gần 60, song với tinh thần trách nhiệm, hết mình vì công việc chung, những năm qua 6 hòa giải viên của Tổ hòa giải bản Na Nát, phường Na Lay (TX. Mường Lay) luôn cố gắng bám sát thực tiễn, kịp thời cập nhật thông tin và có kế hoạch nhanh chóng giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh tại cộng đồng. Ông Ðiêu Văn Vấn, Tổ trưởng tổ hòa giải bản Na Nát chia sẻ: Khi hòa giải một vụ việc, trước mắt phải xoa dịu cảm xúc, bầu không khí căng thẳng của các bên, tìm hiểu cốt lõi vụ việc để có hướng giải quyết. Việc này đòi hỏi hòa giải viên phải vận dụng nhiều kỹ năng như: Giao tiếp, lắng nghe, khai thác thông tin, tài liệu, nắm chắc quy định của pháp luật để tìm giải pháp tư vấn hợp tình, hợp lý. Với sự cố gắng của các hòa giải viên trong tổ, hầu hết những mẫu thuẫn nhỏ xảy ra trong bản thời gian qua đều được giải quyết ổn thỏa.

Gần 10 năm làm Tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) cũng là từng ấy năm ông Ðặng Ðình Hòe gắn bó với công việc của một hòa giải viên. Từ những kinh nghiệm thực tế khi tham gia các vụ hòa giải, theo ông Hòe thì bên cạnh những mặt tích cực như: Ða phần là những người nhiệt tình, có uy tín trong xã hội thì các hòa giải viên cũng có hạn chế, nhất là kiến thức chuyên môn về những quy định của pháp luật. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của các cuộc hòa giải chưa cao. Do vậy, việc tập huấn về nghiệp vụ, thường xuyên trau dồi kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luật, được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hòa giải viên là điều hết sức cần thiết.

Nhằm giúp hòa giải viên nâng cao kiến thức, nắm được các quy định pháp luật để vận dụng tốt hơn trong quá trình hòa giải tại cơ sở. Giai đoạn 2013 - 2018, các cơ quan đoàn thể, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trên 5.160 cuộc tuyên truyền với gần 357.000 lượt người tham gia; trong đó tập trung quán triệt, phổ biến nội dung của Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở. Ðặc biệt, năm 2016, tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi “Hòa giải viên giỏi” góp phần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Hòa giải ở cơ sở tới đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ðầu tháng 7/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Ðề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các mục tiêu cụ thể được đề ra như: Có từ 60% - 80% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; giai đoạn 2021 - 2022 có 100% hòa giải viên ở cơ sở được bầu bổ sung, kiện toàn hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu do Bộ Tư pháp ban hành; ít nhất 90% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp hòa giải bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải; từ 80% - 90% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải... Ðồng thời thực hiện chỉ đạo điểm tại 6 đơn vị cấp xã thuộc các huyện: Mường Ảng, Nậm Pồ, TP. Ðiện Biên Phủ để từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các địa phương khác.

Kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trong 5 năm qua cho thấy: Các tổ hòa giải đã thụ lý hơn 4.980 vụ; trong đó hòa giải thành công trên 3.830 vụ (tăng từ 75,5% năm 2014 lên 77,5% năm 2018). Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư vượt cấp.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top