Giúp người lầm lỗi hoàn lương

Cần sự chung tay của cộng đồng

08:45 - Thứ Hai, 21/10/2019 Lượt xem: 12763 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, với chức năng là cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị định 80/2011/NÐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT). Ðến nay, nhiều người phạm tội, lầm lỗi sau khi chấp hành án phạt, trở về địa phương đã ổn định cuộc sống, vươn lên làm lại cuộc đời.

Lực lượng Công an tỉnh thăm mô hình kinh tế của anh Giàng A Tùng (thứ 3 từ phải qua), người hoàn lương bản Hẹ 2, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa). Ảnh: Trường Long

Phát huy hiệu quả các mô hình hoàn lương

Thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Cơ quan công an các cấp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tạo điều kiện để những người chấp hành xong án phạt thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân theo quy định pháp luật; đồng thời, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm để họ hòa nhập, ổn định cuộc sống bằng chính sức lao động của mình.

Anh Phạm Ngọc Khanh, ở thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) trước đây phạm tội về ma túy và bị án phạt 7 năm tù giam. Sau khi CHXAPT, thời gian đầu mới trở về địa phương, anh Khanh rất lúng túng trong tìm kiếm việc làm. Thế rồi cơ hội làm lại cuộc đời đến với anh Khanh khi anh được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tạo điều kiện vay từ Quỹ hoàn lương với số vốn 20 triệu đồng. Anh Khanh đầu tư mở cơ sở làm khung nhôm, cửa kính. Ðến nay, cơ sở sản xuất đã tạo việc làm ổn định cho anh Khanh và người thân.

Năm 2000, chị Ðặng Thị Ðoàn, đội C17C, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) bị xử phạt 10 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. Nhờ ăn năn hối cải, chấp hành cải tạo tốt, chị Ðoàn được giảm án và tha tù trước thời hạn. Cũng như nhiều trường hợp CHXAPT khác, khi mới trở về địa phương, chị Ðoàn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cho đến khi chị được vay 20 triệu đồng từ Quỹ hoàn lương. Bằng nguồn vốn vay, chị Ðoàn đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Ðến nay, cuộc sống gia đình ổn định, chị Ðoàn đã trở lại làm một công dân tốt, hòa nhập với cộng đồng.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Quỹ hoàn lương tỉnh đã giải quyết cho 30 người CHXAPT vay vốn tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Ngoài anh Khanh, chị Ðoàn đã tạo lập được đời sống ổn định, thì còn nhiều trường hợp khác, sau khi được vay vốn từ Quỹ hoàn lương đã tận dụng, phát huy được lợi thế điều kiện tự nhiên để xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, vươn lên làm giàu chính đáng với thu nhập hàng chục triệu đồng đến gần trăm triệu đồng/năm.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Tính đến hết tháng 6/2019 toàn tỉnh có 2.450 người CHXAPT đang cư trú tại địa phương (trong đó có 1.921 người chưa xóa án tích). Thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT, từ năm 2017 đến nay các cơ quan chức năng đã thực hiện đăng ký cư trú cho 1.018 người; cấp chứng minh nhân dân cho 84 người; thực hiện tư vấn cho 842 người; giới thiệu, bố trí việc làm cho 75 trường hợp; 30 người được vay vốn Quỹ hoàn lương và 80 người được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội và các nguồn quỹ khác, 329 người tự tạo được việc làm.

Thượng tá Lê Việt Thắng, Phó phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh) cho biết: Những người CHXAPT trở về địa phương thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, khó tìm được việc làm ổn định. Ðây là những nguyên nhân chính khiến họ khó hòa nhập cộng đồng, từ đó dễ dẫn đến nguy cơ tái phạm. Chính vì vậy, để thực hiện hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với những người được tha tù, mãn hạn tù rất cần sự vào cuộc, chung tay của gia đình, chính quyền địa phương và cộng đồng chứ không riêng lực lượng công an. Ðặc biệt là công tác phối hợp dạy nghề, xây dựng các mô hình lao động sản xuất, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay giúp người CHXAPT tạo việc làm ổn định. Các tổ chức đoàn thể cần tích cực vào cuộc, ví dụ tổ chức Ðoàn, hội thanh niên tổ chức hoạt động giao lưu, gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người CHXAPT là thanh niên để tham mưu thực hiện việc: phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ tham gia các mô hình khởi nghiệp... Từ đó xóa bỏ mặc cảm của những người CHXAPT, động viên họ suy nghĩ tích cực, nỗ lực vươn lên, sửa chữa lỗi lầm.

Không chỉ khi người CHXAPT trở về địa phương mới cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện mà ngay từ khi đang chấp hành án phạt, cải tạo, người phạm tội cũng cần được giáo dục kết hợp định hướng, đào tạo nghề. Thực tiễn cho thấy, nhiều phạm nhân trước khi phạm tội không có nghề nghiệp. Vì vậy, lao động, định hướng, dạy nghề đối với phạm nhân là rất cần thiết bởi môi trường lao động, học nghề sẽ giúp phạm nhân hiểu giá trị cuộc sống, đồng thời giúp họ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tránh bị rơi vào trạng thái bi quan, buồn chán... từ đó cải tạo tốt để sớm được giảm án và quay trở lại tái hòa nhập cộng đồng. Một điểm quan trọng là công tác hướng nghiệp, dạy nghề cần có sự khảo sát, đánh giá sở trường, năng lực của từng người, điều kiện thực tế từng địa bàn, vùng miền (thành thị, nông thôn, vùng cao, biên giới, vùng dân tộc thiểu số...) để tư vấn, định hướng cho phù hợp.

Nếu được giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề trong quá trình cải tạo, giam giữ sẽ tạo thuận lợi cho người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng bởi khi trở về địa phương, cộng thêm sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, chính quyền, cộng đồng sẽ giúp người lầm lỗi sớm đoạn tuyệt với quá khứ, nỗ lực phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top