Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác hòa giải tại cơ sở

09:13 - Thứ Hai, 21/10/2019 Lượt xem: 12482 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, nhờ sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp, công tác hòa giải ở cơ sở có những chuyển biến tích cực. Hiệu quả hoạt động, mạng lưới tổ hòa giải được thành lập rộng khắp. Qua đó giải quyết kịp thời nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, giảm các vụ việc phải chuyển đến tòa án.

Hòa giải viên tham gia thi nội dung tiểu phẩm tại Hội thi “Hòa giải viên giỏi” huyện Ðiện Biên.

Ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng và ban hành Chương trình phối hợp số 605/CTPH-STP-UBMTTQ về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với Ủy ban MTTQ, chỉ đạo các cơ quan đơn vị, UBND cấp xã triển khai tại các cuộc họp cơ quan, các buổi họp thôn, bản nêu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở. Ðể kiện toàn về tổ chức các tổ hòa giải, Sở Tư pháp đã ban hành văn bản chỉ đạo các phòng tư pháp cấp huyện hướng dẫn UBND cấp xã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ cùng cấp thường xuyên tiến hành rà soát, thống kê số lượng tổ hòa giải hiện có trên địa bàn; số lượng tổ viên đủ điều kiện trở thành hòa giải viên; số lượng hòa giải viên cần được bổ sung, thay thế. Từ đó lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở để công chức tư pháp - hộ tịch lập danh sách bổ sung cho các tổ hòa giải ở cơ sở. Ðối với những địa bàn chưa có tổ hòa giải thì ban công tác mặt trận căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể và kết quả cuộc họp dân đề xuất chủ tịch UBND xã quyết định số lượng các tổ hòa giải cần thành lập mới đảm bảo số lượng mỗi tổ có từ 3 tổ viên trở lên.

 Hiện nay, toàn tỉnh có 1.815 tổ hòa giải với 9.410 thành viên tham gia; đã hòa giải 5.041 vụ việc trong đó hòa giải thành công 3.830 vụ, việc. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp và MTTQ các cấp đã tăng cường phối hợp, tạo điều kiện đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cụ thể là rà soát, củng cố các tổ hòa giải, bố trí kinh phí hoạt động, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải; bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên, cán bộ tham gia công tác hòa giải. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong công tác hòa giải. Nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải, Ủy ban MTTQ cấp huyện đã tích cực chỉ đạo MTTQ các xã, ban công tác mặt trận thôn, bản củng cố, kiện toàn, duy trì và hướng dẫn hoạt động hoà giải cơ sở đảm bảo theo quy định. Ðồng thời thực hiện lồng ghép hoạt động hòa giải với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày đại đoàn kết các dân tộc”…  đã tạo phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Ðưa việc xây dựng tổ hòa giải vào tiêu chí xét công nhận bản, làng văn hóa, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thi đua khen thưởng hàng năm của các thôn, bản, đội; gắn hòa giải vào nội dung các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thi văn nghệ quần chúng, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ tự quản… Nhờ đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước, góp phần hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết những vụ vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top