Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Nỗ lực để nhân dân làm chủ

08:39 - Thứ Năm, 24/10/2019 Lượt xem: 12243 In bài viết

ĐBP - Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi kết quả cuối cùng của phong trào này chính là làm cho người dân, vì người dân; người dân vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng. Xác định tầm quan trọng đó, mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và các tổ chức thành viên những năm qua không ngừng đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động tối đa sức dân trong xây dựng và phát triển địa phương với phương châm: Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Ðường bê tông kiên cố ở xã Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) được xây dựng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ảnh: Quang Long

Khơi dậy tinh thần đoàn kết

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai trên địa bàn tỉnh đến nay đã gần 4 năm, trên tinh thần tiếp nối thành công từ các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”. Qua gần 4 năm triển khai, cuộc vận động đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng với nhiều kết quả đáng mừng, nhất là trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, Ủy ban MTTQ các cấp đã tích cực vận động các sở, ngành, doanh nghiệp, nhân dân... tích cực tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ các xã nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã hỗ trợ người nghèo làm mới và sửa chữa gần 1.000 ngôi nhà; trên 500 suất học bổng, 66 xe đạp; 70 người nghèo khám chữa bệnh lâu dài tại các cơ sở y tế... Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 3.500 hộ thoát nghèo; thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt 15 triệu đồng/người/năm, tăng 4,9 triệu đồng so với năm 2015.

Có được kết quả trên, với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, MTTQ các cấp trong tỉnh đã xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình và người dân về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trước hết là những tiêu chí có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân để nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Từ đó chủ động tham gia, không “trông chờ, ỷ lại” trong xây dựng nông thôn mới và các tiêu chuẩn, tiêu chí trong xây dựng đô thị văn minh nơi địa bàn dân cư. Với nỗ lực của các cấp mặt trận, đến nay, toàn tỉnh đã có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; gần 1.200 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, bản, tổ dân phố văn hóa.

Ðể nhân dân làm chủ thể

Những kết quả đạt được trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” những năm qua đã dần khẳng định tinh thần đoàn kết của nhân dân trong lao động, sản xuất, chung sức, đồng lòng vượt lên khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu đẹp. Ðiều đó cũng khẳng định vai trò hết sức to lớn của nhân dân trong công cuộc “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Thông qua các cuộc vận động, tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân được khơi dậy. Nhiều hộ dân dù cuộc sống còn khó khăn nhưng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mét vuông đất của gia đình để xây dựng cơ sở vật chất, trường học, đường giao thông nông thôn. Tiêu biểu như gia đình ông Hoàng A Ký, xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) hiến hơn 8.000m2 đất xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Nhừ; ông Lò Văn Tiệp, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) hiến 1.500m2 đất xây dựng Trường Tiểu học xã Mường Luân; ông Lò Văn Vinh, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) hiến 800m2 đất làm trường mầm non... Sự chung tay góp sức của người dân góp phần xây dựng xã, huyện từng bước đạt chuẩn nông thôn mới chất lượng hơn.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, từ năm 2016 đến nay, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã vận động nhân dân góp tiền, ngày công lao động, hiến đất xây dựng nông thôn mới với tổng trị giá gần 80 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng được trên 600 nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng tại thôn, bản, tổ dân phố. Riêng từ đầu năm 2019, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp trên 5 tỷ đồng, hiến 2.000m2 đất, góp trên 4.000 ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với hưởng ứng các phong trào, mặt trận Tổ quốc đã vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội; phát huy hiệu quả vai trò của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát cộng đồng đảm bảo công khai, minh bạch các quy hoạch, đề án, tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện, nhất là việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đóng góp của nhân dân trong đầu tư xây dựng cơ bản. Bà Hà Thị Thu Hương, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 130 ban thanh tra nhân dân và 117 ban giám sát cộng đồng. Thời gian qua, các ban này tiếp tục được củng cố và tăng cường. Một số ban thuộc các địa phương hoạt động hiệu quả như: TP. Ðiện Biên Phủ, các huyện: Ðiện Biên, Nậm Pồ, Tuần Giáo... Thông qua chương trình, hoạt động, vai trò giám sát của người dân đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, việc triển khai các công trình, dự án trên địa bàn ngày càng được phát huy hiệu quả.

Văn Quyết
Bình luận
Back To Top