Tạo đồng thuận, thống nhất cao từ nhân dân

08:48 - Thứ Năm, 24/10/2019 Lượt xem: 11236 In bài viết

ĐBP - Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương, chính sách đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, là cơ hội thay đổi diện mạo tạo nên sức sống mới cho khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Tại nhiều địa phương, với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết phát huy sức mạnh trong xây dựng NTM. Ðặc biệt, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức tốt việc giám sát thực hiện các chính sách về xây dựng NTM, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Phải sâu sát cơ sở

Tại Tuyên Quang, với mục tiêu hướng về cơ sở, MTTQ các cấp của tỉnh trực tiếp tham gia các ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng NTM; đặc biệt, phát huy vai trò của ban công tác Mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM theo hướng “cầm tay chỉ việc” và bằng sự nêu gương của các cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện các tiêu chí. Nhất là những tiêu chí có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, như: Làm đường bê tông nội đồng, cứng hóa kênh mương; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao; giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng công trình vệ sinh... Theo đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thì, mỗi cán bộ Mặt trận cần bám sát thực tiễn xây dựng NTM ở cơ sở và có tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Ðể tập hợp và đoàn kết nhân dân xây dựng thành công NTM, tự bản thân mỗi cán bộ Mặt trận phải trở thành một tấm gương, nhất là phải gần gũi, gắn bó với nhân dân, được nhân dân yêu mến, tin tưởng.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo, hướng dẫn ưu tiên sử dụng nguồn Quỹ Vì người nghèo các cấp và các nguồn lực khác của tỉnh hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo. MTTQ các cấp còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên để phân nhóm các hộ nghèo theo nguyên nhân, từ đó xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp cho các hộ theo kế hoạch giảm nghèo hằng năm. Ðặc biệt, 2 năm nay MTTQ ở các xã còn trực tiếp chủ trì việc lấy phiếu đánh giá về mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM trên địa bàn, làm căn cứ để công nhận đạt chuẩn NTM đối với các xã đã hoàn thành các tiêu chí. Chỉ những xã có trên 90% số người dân được hỏi hài lòng về kết quả xây dựng NTM trên địa bàn thì mới được công nhận là đạt chuẩn.

Với quyết tâm cao, đến nay Tuyên Quang đã có 30 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 23,26% (dự kiến hết năm 2019 có thêm 6 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 36 xã, vượt mục tiêu của khu vực miền núi phía Bắc); 1/7 huyện, thành phố đạt chuẩn. Ðặc biệt, không có nợ đọng trong xây dựng NTM...

Nâng cao vai trò chủ thể của người dân

Nói về hiệu quả của chương trình xây dựng NTM 3 năm qua, ông Trần Văn Môn, Phó Chánh Văn phòng Ðiều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM Trung ương cho rằng, việc Mặt trận tham gia xây dựng NTM đã đưa dân chủ ở cơ sở đi vào thực chất, vai trò chủ thể của người dân được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc đã rất quyết liệt trong đảm bảo chất lượng và khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong xây dựng NTM.

Hoạt động giám sát được MTTQ các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với các nội dung xây dựng NTM ở mỗi nơi theo thời điểm phù hợp, như: Giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng; nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp và nhà nước đầu tư, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Như ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức phản biện dự thảo Ðề án Thành lập trung tâm nghề của tỉnh gắn với ngư trường Ðông Nam Bộ; nhiều ý kiến phản biện quan trọng đã góp phần giúp Ðề án được hoàn thiện, đi vào hoạt động có hiệu quả.

Việc giám sát ở cơ sở được thực hiện thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng qua hình thức đóng góp trực tiếp ý kiến vào việc đầu tư xây dựng NTM, giám sát việc hỗ trợ chế độ chính sách  đối với người có công, chính sách đối với hộ nghèo ở nông thôn, giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo... Ðến nay, các địa phương đã tổ chức được trên 9.500 cuộc giám sát về nông nghiệp và cơ chế, chính sách cho người dân ở nông thôn. Nhiều nơi thực hiện tốt công tác giám sát như: Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Quảng Trị... Ðặc biệt, việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM ở nhiều nơi cơ bản bước đầu đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia giám sát của người dân.

Linh hoạt cách làm

Dựa vào điều kiện thực tiễn của cơ sở, MTTQ TX. Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) đã lựa chọn một số nội dung để tập trung phối hợp thực hiện. Ðơn cử về tiêu chí thu nhập, từ việc rà soát ở từng cơ sở, đồng thời phân tích mô hình kinh tế nào hiệu quả có thể nhân rộng, MTTQ TX. Thái Hòa đã xây dựng kế hoạch, kêu gọi các tổ chức, cá nhân vào cuộc làm “bà đỡ” cho mô hình mở rộng, phát triển thành các tổ hợp tác và hợp tác xã. Bằng cách làm này, từ các mô hình kinh tế đơn lẻ, đến nay, MTTQ thị xã đã nhân rộng và phát triển thành 8 mô hình hợp tác xã, như HTX sản xuất bột nghệ, HTX nuôi ong, HTX trồng bưởi... Ðồng thời, phối hợp với các tổ chức thành viên để đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng lên, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Riêng những phường, xã có tỷ lệ người dân tham gia thẻ BHYT thấp, MTTQ thị xã đã vào cuộc vận động một số doanh nghiệp tham gia hỗ trợ tiền cho người dân mua thẻ BHYT. Theo ông Phạm Ðức Huân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã, qua giám sát, MTTQ thị xã đã phát hiện ở một số cơ sở không thực hiện đúng chính sách giữ nguyên mức hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho các hộ từ nghèo nay vào diện cận nghèo trong vòng 5 năm như quy định mà yêu cầu các hộ này đóng 10% như hộ cận nghèo mới để mua thẻ BHYT.

Linh hoạt cách làm trong vai trò tham gia xây dựng NTM ở địa phương của MTTQ thị xã đã góp phần quan trọng vào việc đưa TX. Thái Hòa trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh Nghệ An được công nhận đạt chuẩn NTM.

Bình Nguyên (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top