Những lá đơn xin tự nguyện thoát nghèo

09:08 - Thứ Năm, 24/10/2019 Lượt xem: 15604 In bài viết

ĐBP - Dù vẫn còn khó khăn vất vả, nhưng vì muốn nhường sự hỗ trợ, giúp đỡ cho những người còn khó khăn, thiếu thốn hơn mình, có những cá nhân, hộ gia đình đã viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Ðó là những câu chuyện đẹp ở Nậm Pồ - huyện khó khăn nhất của tỉnh Ðiện Biên.

Ngôi nhà sàn khang trang mới dựng của gia đình anh Lò Văn Chiến.

Từ địa chỉ ghi trên những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo chúng tôi tìm đến gia đình anh Lèng Văn Hùng, bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ). Trong ngôi nhà sàn 3 gian mới dựng đầu năm 2018, anh Hùng chia sẻ: Vì kinh tế gia đình khó khăn, lại đông anh em nên sau khi học hết lớp 9, tôi ở nhà phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Ðến năm 2013 tôi lập gia đình và ra ở riêng. Cũng từ đây cuộc sống gặp nhiều khó khăn hơn, với khoảng 3.000m2 đất ruộng, cùng 200m2 đất ở của ông bà nội ngoại hai bên, vợ chồng cố gắng chèo chống, bươn chải. Ngoài thời gian làm mùa, rảnh rỗi vợ tôi ở nhà trồng rau, trồng mía, mang ra chợ Nà Hỳ bán để tăng thu nhập, có tiền mua sách vở, quần áo cho con ăn học. Còn tôi, nông nhàn thì đi phụ hồ theo các tổ thợ xây từ 3 - 5 tháng, cơm nuôi rồi cũng tích góp được 15 - 20 triệu đồng làm vốn liếng. Ðến đầu năm 2018, tôi bàn với vợ bán mảnh đất ở trung tâm bản, rồi chuyển về cuối bản làm nhà ở cho rộng, tiện chăn nuôi lợn, gà. Bán đất được 200 triệu, cùng với số tiền tích cóp, vợ chồng tôi làm được ngôi nhà sàn này...

Có mái nhà cứng cáp, tạm không phải lo mưa, lo nắng; song thực tế cuộc sống gia đình anh Hùng cũng còn không ít khó khăn vì kinh tế chỉ trông vào làm ruộng và chạy chợ, phụ hồ những lúc nông nhàn. Nhưng sau 5 năm thuộc diện hộ nghèo, đến cuối năm 2018 anh Hùng đã xung phong xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của bản. Ðể đi đến quyết định này, vợ chồng anh Hùng đã suy nghĩ, mất ngủ nhiều đêm. Bởi hiện tại anh chị có 3 con, cháu lớn học lớp 1, cháu thứ hai học mẫu giáo, còn cháu út mới được 9 tháng tuổi. Ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình anh chị sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ cho hộ nghèo; các con khi đi học không được miễn giảm và trước mắt con gái thứ 2 của anh đang học mẫu giáo sẽ không còn được nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo 100 nghìn đồng/tháng. 900 nghìn đồng tiền hỗ trợ trong 1 năm học đối với gia đình khá giả thì không vấn đề gì, nhưng đối với một hộ còn khó khăn như gia đình anh Hùng thì có thể giải quyết nhiều việc. Anh Hùng cho biết: “Phải quyết tâm thôi, cứ thụ hưởng chính sách Nhà nước mãi, không cố gắng thì bao giờ mới thoát được nghèo?! Vợ chồng còn trẻ nên phải phấn đấu, cần cù làm ruộng, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò để phát triển kinh tế, có như vậy đời sống mới được nâng lên; những khoản Nhà nước hỗ trợ nên chia sẻ cho những người còn khó khăn, thiếu thốn hơn mình”.

Còn anh Lò Văn Chiến (sinh năm 1986) bản Pa Có, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) gia đình 4 năm liền là hộ nghèo. Năm 2018, anh Chiến là 1 trong 27 hộ của xã Chà Nưa viết đơn xin thoát nghèo. Anh Chiến tâm sự: Thực ra cuộc sống của gia đình tôi vẫn đang còn khó khăn, phải nuôi 3 con ăn học; nhưng thấy nhiều bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn hơn, thậm chí còn phải chạy ăn từng bữa… Dẫu sao, vợ chồng tôi vẫn còn trẻ, có sức khỏe còn cố gắng phấn đấu được. Phần vì năm 2017, theo chương trình 30a hỗ trợ hộ nghèo gia đình tôi được nhận 1 con bò sinh sản, đến nay đã sinh được 1 bê con; hiện bò mẹ lại đang chửa thêm lứa nữa, sẽ sinh vào cuối năm nay. Ngoài ra, nhờ sự giúp đỡ của anh em họ hàng trong năm 2018, gia đình tôi cũng vừa cất xong ngôi nhà sàn kiên cố, khang trang. Ðã có nhà, có xe máy, ti vi; hai vợ chồng ngoài làm ruộng chăn nuôi gia súc, gia cầm tôi tin sẽ lo được cho cuộc sống gia đình nên viết đơn xin thoát nghèo, nhường suất đó cho người khác khó khăn hơn mình. Tôi nghĩ, đó cũng là một cách để giúp người khó khăn hơn mình…

Thời gian qua, cùng với việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người nghèo, như: 30a, 135… cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã chú trọng xây dựng Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết về phát triển gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện. Với sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt, của cấp ủy chính quyền các cấp… công tác xóa đói giảm nghèo từ huyện đến cơ sở luôn được chú trọng, gắn trách nhiệm cho mỗi đơn vị, cán bộ, đảng viên trong việc giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn; triển khai các chương trình, dự án như: Hỗ trợ con giống, cây giống, kinh nghiệm canh tác, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới... Từ đó đã có nhiều hộ trên địa bàn huyện được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo và xin thoát nghèo. Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ, trong 3 năm (2016 - 2018) toàn huyện có 114 hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo; trong đó tập trung nhiều ở các xã: Nà Hỳ (năm 2017, 11 hộ); Chà Nưa (năm 2018 có 27 hộ)...

Xin thoát nghèo không hẳn vì đã thực sự hết khó khăn, thiếu thốn mà vì nhận thức được trách nhiệm nỗ lực vươn lên; ý thức trong việc sẻ chia hỗ trợ với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình... Theo chúng tôi, những hộ xin thoát nghèo ở Nậm Pồ là những tấm gương đẹp, thể hiện sự dũng cảm, quyết tâm vươn lên và lòng tự trọng không chấp nhận mãi nghèo. Ðiều này cũng chứng tỏ sự thay đổi về nhận thức của một bộ phận người dân trong diện nghèo; cho chúng ta thêm niềm tin, hi vọng rồi đây những hộ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, những lá đơn đẹp về ý nghĩa như thế sẽ ngày một nhiều lên, nhân rộng ra nhiều xã, huyện khác nữa của tỉnh Ðiện Biên; góp phần loại bỏ dần tư tưởng trông chờ dựa dẫm vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top