Chính sách & Cuộc sống

Bình đẳng giới khi tham gia thị trường lao động

09:23 - Thứ Sáu, 25/10/2019 Lượt xem: 11132 In bài viết

Trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, vấn đề bình đẳng giới được đề cập theo hướng không phân biệt đối xử. Về cơ bản, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới thể hiện ở hầu hết các quy định trong Bộ luật. Song, bên cạnh đó, xuất phát từ những đặc điểm tự nhiên và xã hội đặc thù, Bộ luật Lao động năm 2012 đã dành riêng một chương đưa ra những quy định đối với lao động nữ (LÐN), nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ khi tham gia thị trường lao động.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập khu vực và quốc tế, việc thực hiện các quy định liên quan đến LÐN và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ một số vấn đề không còn phù hợp. Có những quy định bảo vệ LÐN với mục đích tốt nhưng vô tình dẫn đến phân biệt đối xử. Thí dụ, trong luật có một số quy định các công việc không được sử dụng LÐN dựa trên quan niệm bảo vệ LÐN. Tuy nhiên, khi các điều kiện bảo hộ lao động, khoa học - công nghệ thay đổi, với trang thiết bị, máy móc hiện đại, bảo đảm, LÐN vẫn có thể đảm nhiệm tốt công việc. Hay về tuổi nghỉ hưu của LÐN, Luật vẫn quy định thấp hơn lao động nam.

Báo cáo đánh giá tác động giới và đánh giá tác động xã hội của Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, đã chỉ ra một số nội dung không khả thi do thiếu quy định cụ thể phù hợp như vấn đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều LÐN, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho LÐN. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc tăng cường khung pháp lý và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và tiếp cận dịch vụ công cho người dân. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ công chưa phản ánh đúng nhu cầu của họ. Ngoài những rủi ro nam giới cũng gặp phải như: bệnh tật, thất nghiệp và yếu đuối do tuổi già, phụ nữ còn phải đối mặt với những rủi ro, sức khỏe khi sinh nở. Công việc chăm sóc không được trả lương, cản trở những nỗ lực của họ khi tham gia thị trường lao động. Do vậy, bình đẳng giới khi tham gia thị trường lao động chính là tạo cơ hội như nhau cho nam giới và nữ giới trong tiếp cận, tìm kiếm việc làm, thu nhập, cũng như tạo điều kiện cho phụ nữ vượt qua những bất lợi do đặc điểm giới tính và quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ trong thực tế.

Vì vậy, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách gồm các chuyên gia, tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động cùng nghiên cứu, nhìn nhận và thống nhất các cơ chế, chính sách đối với LÐN, thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp thực tiễn của đất nước, và bắt kịp xu thế toàn cầu. Ðồng thời, việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với LÐN và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự tương thích với các Công ước quốc tế mà nước ta đã tham gia như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế.

Do vậy, cần thay đổi cách tiếp cận, từ cách tiếp cận bảo vệ LÐN sang cách tiếp cận thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền đối với cả hai giới. Việc thay đổi nhận thức và cách tiếp cận từ bảo vệ LÐN sang thúc đẩy bình đẳng giới cũng được đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam khuyến nghị và nhấn mạnh bốn vấn đề chính bao gồm: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và LÐN; Bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới, không phân biệt đối xử trên cơ sở giới về cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện quyền và hưởng thụ lợi ích trong lao động, đặc biệt là thực hiện chức năng thai sản, chăm sóc con nhỏ phù hợp với đặc điểm giới tính. Hoàn thiện cơ chế chia sẻ trách nhiệm một cách phù hợp, hiệu quả giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ người lao động gửi con vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo; Hoàn thiện khung pháp lý phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, góp phần bảo đảm môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top