Tha phương có cầu được… thực? (bài 1)

08:58 - Thứ Sáu, 01/11/2019 Lượt xem: 21348 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm nay, các chính sách, chương trình hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh, cũng như xuất khẩu lao động được triển khai tích cực và rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số người đi làm ăn xa theo hình thức tự do, không hợp đồng lao động vẫn chiếm số lượng rất lớn, thậm chí cao hơn nhiều so với số người đi làm ngoài tỉnh có tổ chức. Vậy lý do gì khiến không ít lao động phổ thông lựa chọn làm việc theo hình thức này? Và xa quê hương, xa gia đình, từ bản làng xuống những nơi tấp nập, xô bồ, người dân vùng cao có đạt được mong muốn?

Bài 1: Ðồng tiền không dễ kiếm

Vài năm nay, các nhà xe chạy tuyến Ðiện Biên - Hà Nội và các tỉnh miền xuôi thường xuyên có lượng “khách quen” là những nhóm người dân địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Thường thì họ lên xe, rồi xuống sẽ có người đón và trả tiền vé. Ðây là những lao động phổ thông đi làm ăn xa ngoài tỉnh theo hình thức tự do, không có tổ chức, đặc biệt là không ký kết hợp đồng lao động, thông tin về chủ thuê nhân công cũng rất mơ hồ. Bởi vậy mà có không ít trường hợp bị lừa đảo, quỵt tiền công, về không được, ở lại cũng không xong.

Anh Lò Văn Thiên (bên phải) bản Na Lanh, xã Na Son, huyện Ðiện Biên Ðông giở cuốn sổ chấm công, kể về thời gian làm thuê không được trả công.

Mất cả công lẫn của

Ðầu tháng 10, nhiều tờ báo đưa tin về 1 phụ nữ tên Lò Thị H., 40 tuổi, người xã Na Son, huyện Ðiện Biên Ðông có ý định nhảy cầu tự tử tại TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. May mắn là chị đã được lực lượng cảnh sát giao thông kịp thời phát hiện, ngăn cản. Lý do khiến chị H. có quyết định nông nổi ấy là vì bị lừa tình và hơn 2 tháng làm thuê tại đây mà không được trả lương, cũng không có tiền về quê. Chúng tôi cùng công an viên xã Na Son tìm đến nhà chị H. tại một bản cách trung tâm xã gần 15km đường đất gập ghềnh. Trong ngôi nhà sàn nhỏ cũ kĩ, trao đổi với bố chị H. là ông Lò Văn Dóm, được biết: Vào khoảng giữa năm 2019, có một người đàn ông tên Phương, quê ở Hải Phòng, thông qua giới thiệu của bạn bè đến nhà chơi, làm quen với H. Sau một thời gian ngắn thường xuyên đi lại, Phương rủ H. xuống Quảng Ninh làm thuê và hứa sẽ lấy chị. Gia đình chỉ biết chị làm phụ xây, nấu cơm cho tốp thợ công trình nhưng cuộc sống dưới ấy thế nào thì không rõ. Chỉ sau khi chuyện chị tự tử được đưa lên mặt báo, gia đình ông mới biết. Nét mặt chất chứa lo lắng, ông Dóm cho biết: H. vẫn tiếp tục làm dưới ấy, đợi để lấy tiền công. H. bảo cai thầu đã cam kết xong công trình sẽ trả hết tiền. Thôi thì bây giờ nó cũng lớn rồi để nó tự quyết định, gia đình tôi chỉ biết động viên con thôi.

Chị H. không phải nạn nhân duy nhất trong bản bị lừa gạt bởi cai thầu tên Phương mà còn có 5 lao động cùng chị xuống làm tại Uông Bí. Anh Lò Văn Thiên, bản Na Lanh, xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) là một trong những người ấy. Anh Thiên giở cuốn sổ ghi chép ngày công lao động của cả 5 người cho chúng tôi xem và kể lại: “Ban đầu qua điện thoại, tên Phương cam kết nuôi ăn, ở, trả công 300.000 đồng/ngày phụ xây, 330.000 đồng/ngày thợ xây và 7 ngày trả tiền một lần, đến mùa thu hoạch chúng tôi có thể về phụ giúp gia đình. Sau khi xuống, Phương lại bảo 15 ngày trả tiền công một lần, làm 9 tiếng/ngày. Thấy hắn có vẻ lật lọng và cũng đến mùa gặt hái nên làm khoảng 2 tuần là chúng tôi lần lượt bỏ về. Trước khi về, chúng tôi nhiều lần tìm Phương đòi tiền mà không được. Tôi có 13 công lao động; ngoài ra khi tôi xuống đi làm, Phương còn nhờ mua 1 can rượu gạo nếp và 1 con lợn bản nhưng đến giờ đã hơn 2 tháng rồi anh ta cũng không trả đồng nào. Tôi xác định là mất hết cả công và của ấy rồi”. Tính cả xã Na Son, Chủ tịch UBND xã Lò Văn Thiện đếm sơ qua có khoảng 20 người trong tổng số trên 100 lao động thường xuyên đi làm ăn xa tự do đã từng bị quỵt tiền mồ hôi, công sức.

Ðiểm chung trong quy trình đi làm của các lao động tự do ngoài tỉnh là được người quen, người thân giới thiệu, rủ đi. Hầu hết thông tin đều trao đổi qua điện thoại, không có sự tìm hiểu, xác minh. Người lao động chỉ cần lên xe khách, không cần chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ xin việc và không cần cả tiền bởi đến điểm hẹn trước sẽ có người đón và tiền vé xe trừ vào công lao động sau đó. Công việc chủ yếu của họ là công nhân công trình xây dựng tại Hà Nội và các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh... Có nhiều người chỉ làm thời vụ, vài tháng hoặc vài tuần, tranh thủ lúc nông nhàn, cũng có những người làm dài hạn nhưng tư tưởng chung là không thích ràng buộc, không thích làm chỗ này thì “nhảy” chỗ khác. Vì hứa hẹn bằng lời, không có hợp đồng lao động, nên đồng nghĩa với việc không có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi khi gặp rủi ro, lừa đảo. Dù không có con số thống kê nhưng thực tế chuyện này xảy ra với không ít lao động và ở nhiều địa phương khác nhau trên địa bàn tỉnh.

Có vun vén được cho gia đình?

Mục đích đi làm ăn xa của hầu hết lao động là kiếm tiền chăm lo cho gia đình, cho tương lai của bản thân. Tuy nhiên không phải ai đi cũng đạt được mục tiêu đề ra ấy. Phần lớn các địa bàn, gia đình có người lao động tự do ngoài tỉnh mà chúng tôi tìm hiểu đều cho rằng đi làm theo hình thức này hiệu quả kinh tế không cao, không thay đổi được đáng kể chất lượng cuộc sống.

Bản Na Hươm, xã Na Tông, huyện Ðiện Biên cũng có nhiều trường hợp người dân đi làm ăn xa tự do như vậy. Chồng chị Quàng Thị D. (anh Cút Văn N.) là một trong những lao động ấy. Gia đình anh chị là hộ nghèo, ít đất sản xuất, có 3 người con đều đang độ tuổi ăn học. Theo lời rủ của người quen trong bản anh N. đi làm ở ngoài tỉnh từ tháng 2/2019. Vào thời điểm chúng tôi gặp chị D. (đầu tháng 9), chị chia sẻ: “Chồng đi làm xa đến mùa thu hoạch vẫn về gặt hái, phụ giúp vợ con. Nhưng từ khi anh ấy đi chỉ gửi tiền về nhà một lần được 2 triệu đồng lúc con gái lớn ốm phải điều trị trong viện”. Khi được hỏi vậy số tiền anh nhà làm được đi đâu thì chị D. và các chị em cùng bản đang ngồi trò chuyện tại nhà chị khi đó đều nói rằng “Không biết”, “Không ăn thua đâu. Những người khác trong bản đi làm xa cũng thế mà!”. Thực sự, tiền công kiếm được bao nhiêu, còn lại bao nhiêu chỉ chính người lao động ấy mới rõ. Nhưng có người lỡ ham vui nơi đất khách quê người, tiêu xài hoang phí, cũng có người bị nợ tiền, giữ tiền công hay chẳng may gặp phải chủ thuê lừa đảo, quỵt tiền mà không dám cho gia đình biết chuyện.

Tại bản Huổi Lơi, xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ, có hơn 10 lao động phổ thông tìm kiếm cơ hội việc làm ngoài tỉnh. Trưởng bản Lò Văn Quyết cho biết: “Sau một vài năm đi làm, không thấy gia đình những lao động ấy thay đổi gì mấy về điều kiện sống hay có vốn đầu tư phát triển sản xuất, mua sắm đồ dùng có giá trị trong nhà”.

Ðến tỉnh xa làm việc, chủ yếu tại những nơi tập trung các công trình, dự án, khu công nghiệp đông đúc dân tứ xứ, các lao động sẽ tiếp xúc với nhiều cám dỗ của cuộc sống. Không ít người đã sa ngã, phụ lòng mong chờ của gia đình, vợ con. Năm 2016, anh L.V.T. bản Na Phay, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) đi làm thuê tại Hà Nội. Sau khi trở về, đến năm 2017, thấy sức khỏe thay đổi, anh đi xét nghiệm HIV thì thẫn thờ phát hiện mình đã nhiễm HIV. Nguyên do cũng bởi một lần theo anh em công trường “đổi gió” khi xa vợ. Còn tại xã Na Son, huyện Ðiện Biên Ðông, trên đường đưa chúng tôi đến các gia đình có người đi làm ăn xa ngoài tỉnh, anh Lò Văn Lanh, công an viên thường trực cung cấp một con số báo động: Trên 50% thanh niên đi làm ăn tự do trở về mắc tệ nạn xã hội.

Chúng tôi không đánh đồng việc đi làm ăn xa đều nhiều mặt trái mà chỉ muốn chỉ ra rằng, người lao động phổ thông trong tỉnh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế, khả năng tự bảo vệ, đề kháng trước những vấn đề phức tạp và cám dỗ thấp. Nếu họ lựa chọn đi làm tự do, không hợp đồng lao động thì những rủi ro càng cao khi không bị ràng buộc bởi những quy định nơi làm, nơi ở. Vậy làm sao để thay đổi được nhận thức, lựa chọn của những lao động vùng cao có nhu cầu tìm kiếm việc làm, thay đổi cuộc sống?

Bài 2: Chỉ tuyên truyền chứ không thể ép buộc

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top