Khó khăn trong đào tạo nghề xây dựng ở Nậm Pồ

09:03 - Thứ Sáu, 01/11/2019 Lượt xem: 10314 In bài viết

ĐBP - Từ nhiều năm nay, vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn  luôn được huyện Nậm Pồ quan tâm, chú trọng. Từ năm 2015 đến hết năm 2018, Trung tâm Dạy nghề huyện đã tổ chức đào tạo và mở các lớp liên kết đào tạo cho gần 1.300 học viên. Ngành nghề đào tạo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ thực tế phát triển của xã hội, việc chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn là cần thiết và trở thành xu thế tất yếu. Trong đó, nghề xây dựng hiện nay đang rất được quan tâm vì không những đem lại thu nhập ổn định mà còn góp phần thiết thực đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Học viên lớp đào tạo nghề xây dựng tại xã Vàng Ðán (Nậm Pồ) trong giờ thực hành.

Trong kỳ họp HÐND huyện Nậm Pồ vào trung tuần tháng 7 vừa qua, đã có nhiều ý kiến đề xuất, mong muốn được mở nhiều hơn nữa những lớp đào tạo nghề xây dựng cho người dân tại các địa phương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để đáp ứng yêu cầu của người dân trong lĩnh vực này theo lãnh đạo UBND huyện Nậm Pồ là không tìm được các đơn vị có đủ năng lực để liên kết đào tạo và cấp chứng chỉ, khi Trung tâm Dạy nghề huyện lại không đủ điều kiện để đăng ký mã ngành.

Trao đổi về vấn đề này, ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết: Muốn đăng ký mở mã ngành xây dựng thì trước hết Trung tâm phải có giáo viên cơ hữu trong lĩnh vực này, trong khi đó cả đơn vị có 6 biên chế (3 quản lý, 3 viên chức), hiện đã được bổ sung 2 chỉ tiêu biên chế nhưng cũng khó tìm được đối tượng có đủ điều kiện để tuyển dụng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chưa được đầu tư xây dựng, trong khi mỗi lớp đào tạo về xây dựng thường kéo dài khoảng 3 tháng. Về vấn đề liên kết đào tạo thì hiện nay toàn tỉnh cũng chỉ có 2 đơn vị có đủ năng lực để liên kết trong lĩnh vực này đó là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh và Trường Cao đẳng Nghề. Tuy nhiên, việc liên kết không phải khi nào cũng thực hiện được vì nhiều địa phương cũng có nhu cầu tương tự.

Chính vì vậy, đến nay trên địa bàn huyện Nậm Pồ mới chỉ mở được 2 lớp đào tạo về xây dựng cho nông dân. Lớp đầu tiên phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, được tổ chức tại xã Chà Nưa với 35 học viên tham gia. Ngay sau khi học xong, học viên đã có việc làm phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Trong năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề mở thêm 1 lớp tại xã Vàng Ðán với 30 học viên tham gia. Ðến nay, lớp học đã hoàn thành, tất cả học viên đều thành thạo những kỹ năng cơ bản để hành nghề.

Cũng theo ông Khổng Văn Trọng, nếu chọn cách đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, phối hợp với những người thợ có tay nghề cao để đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” thì sẽ đơn giản hơn và rút ngắn được thời gian đào tạo. Tuy nhiên, đào tạo theo hình thức này người lao động không cấp được chứng chỉ và không quyết toán được ngân sách nên khó khả thi. Ông Khổng Văn Trọng cũng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn liên kết, bên cạnh đó tham mưu đề xuất với huyện về các giải pháp để có thể mở thêm được nhiều lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chính đáng và thiết thực của người dân.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top