Tha phương có cầu được… thực? (bài 2)

09:11 - Thứ Hai, 04/11/2019 Lượt xem: 12793 In bài viết

Bài 2: Chỉ tuyên truyền chứ không thể ép buộc

ĐBP - Trong khi có nhiều cảnh báo, nhiều trường hợp nhãn tiền về rủi ro của những lao động làm việc không có tổ chức thì số người đi lao động xa theo hình thức này vẫn tiếp tục tăng. Ðặc biệt là thời điểm nay, khi mùa vụ đã kết thúc, người dân lại lo chuyện kiếm tiền đón năm mới. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng trên và hạn chế rủi ro cho người lao động?

Bài 1: Ðồng tiền không dễ kiếm

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại hội chợ việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Cần nắm được số lao động tự do

Cả tỉnh duy nhất huyện Ðiện Biên Ðông có số liệu người lao động tự do ngoài địa bàn được thống kê chính xác nhờ lực lượng công an và chính quyền địa phương đã phối hợp tích cực, nghiêm túc rà soát, cập nhật. Theo thống kê 9 tháng của năm 2019 từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ - TB&XH) huyện, tổng lao động đi làm ăn xa toàn huyện là hơn 2.100 người; trong đó chỉ hơn 400 lao động có hợp đồng do huyện, tỉnh giới thiệu. Số còn lại là người đi tự do, tự kết nối, hầu hết không ký hợp đồng lao động. Số liệu này sẽ giúp chính quyền, cơ quan chuyên môn theo dõi, quản lý, đồng thời trợ giúp kịp thời lao động trong các trường hợp đặc biệt. Hơn nữa khi có số liệu đầy đủ, việc tuyên truyền, tư vấn về các chính sách hỗ trợ việc làm cũng lựa chọn được đúng đối tượng theo nhu cầu công việc, tiến tới có thể giảm dần tình trạng lao động tự do.

Tại huyện Ðiện Biên, từ tháng 7/2018, Phòng LÐ - TB&XH huyện cũng đã xây dựng một mẫu sổ quản lý lao động với các thông tin đầy đủ về cá nhân, nơi làm việc, loại hình lao động, ngày đi làm… để hướng dẫn các xã theo dõi, rà soát, thống kê lao động đi làm ăn xa trên địa bàn. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Bốn, Trưởng phòng LÐ - TB&XH huyện cho biết: “Chỉ có một vài xã thực hiện theo mẫu và báo cáo định kỳ nên huyện không có thông tin chung về số người đi làm thuê ngoài tỉnh. Quả thực có tình trạng nhiều người dân đã làm tự do, không có tổ chức ở các tỉnh miền xuôi. Từ đầu năm đến nay, ước toàn huyện có trên 1.000 lao động có việc làm mới cả trong và ngoài địa bàn. Trong đó bao gồm cả số lao động tự do”.

Theo giới thiệu của Phòng LÐ - TB&XH huyện Ðiện Biên, chúng tôi đến xã Sam Mứn để tìm hiểu việc rà soát, theo dõi số lao động đi làm ăn xa. Nhưng tại đây, cán bộ văn hóa xã - người trực tiếp vào sổ, báo cáo nội dung này cho biết: Chỉ khi người lao động đến trụ sở UBND xã làm hồ sơ xin việc thì chúng tôi mới biết và lưu thông tin vào sổ quản lý. Còn những trường hợp đi tự do, không cần giấy tờ, xác nhận thì không nắm được. Trao đổi với Công an xã cũng không có số liệu thống kê số người vắng mặt tại địa bàn đi làm ăn xa ngoài tỉnh. Lý do được đưa ra là phần lớn người dân đi 1 - 2 tháng rồi về, một năm có thể đi vài lần nên không thống kê được.

Làm việc với Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LÐ - TB&XH), chúng tôi cũng chỉ được cung cấp số liệu giải quyết việc làm chung trong 10 tháng của năm là hơn 7.740 lao động. Thiết nghĩ, huyện Ðiện Biên Ðông rà soát, thống kê được con số này thì các huyện còn lại cũng sẽ làm được nếu thực sự quan tâm, triển khai…

Tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức

Trên địa bàn tỉnh hiện áp dụng nhiều chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bao gồm: Vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm; hỗ trợ đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng; chương trình mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp, việc làm, người lao động; hỗ trợ đi làm ngoài tỉnh; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí… Riêng đối với các lao động đi làm ngoài tỉnh có tổ chức nếu không được doanh nghiệp hỗ trợ tiền đi lại thì các huyện đều chi trả vé xe. Nếu nhiều người đi cùng 1 đợt thì cử người đưa đi từ trung tâm huyện xuống đến doanh nghiệp. Khi làm việc có hợp đồng, lao động được đóng bảo hiểm, được đảm bảo quyền lợi. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 10 công ty ngoài tỉnh lên tuyển lao động phổ thông tại tỉnh qua kết nối với Sở LÐ - TB&XH. Mức thu nhập tối thiểu của các vị trí là từ 6 triệu đồng trở lên, cùng với nhiều hỗ trợ khác. Thế nhưng số lượng công nhân các công ty tuyển dụng được so với số lao động đang có nhu cầu tìm việc tại địa bàn còn khá khiêm tốn.

Thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn có nhiều người đi lao động tự do ngoài tỉnh, Trưởng phòng LÐ - TB&XH huyện Ðiện Biên Ðông - ông Bùi Xuân Thức lý giải: Số đông lao động còn tồn tại tâm lý đi làm có tổ chức và hợp đồng sẽ gò bó, phải làm việc lâu dài. Họ muốn làm tự do, tranh thủ lúc nông nhàn hoặc đến mùa thu hoạch lại về giúp gia đình, thích thì làm, không thích thì về. Ðể người dân hiểu và tránh được những rủi ro, chúng tôi đã và đang tăng cường tuyên truyền về những nguy cơ, phức tạp, thiệt thòi mà lao động có thể gặp phải nếu làm tự do; các chính sách hỗ trợ và quyền lợi khi đi lao động có tổ chức cho đông đảo nhân dân trên địa bàn biết, chứ không thể bắt ép họ vì lao động là quyền của mỗi cá nhân. Cùng với đó, các xã khuyến khích, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt, khai hoang ruộng nước để người dân bám ruộng nương, ổn định cuộc sống, kiếm tiền trên chính mảnh đất quê hương.

Không riêng huyện Ðiện Biên Ðông, việc tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân về lao động, việc làm là nhiệm vụ được đặt ra trong toàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LÐ -  TB&XH) cho biết: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 10 hội nghị, 127 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm tại các huyện, xã; 3 hội chợ việc làm tại các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Nhé; kết nối 2 phiên giao dịch việc làm online với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh… cho hơn 7.000 lượt người. Ngoài ra băng rôn, pano, tờ rơi, đơn hàng tuyển dụng cũng được căng, treo tại nhiều địa bàn tập trung đông dân cư hoặc phát đến tận tay người lao động. Qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu, số người đi làm cho các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh có tổ chức tăng hàng năm. Cụ thể tăng từ trên 550 lao động năm 2017 lên 1.109 lao động vào năm 2018. Năm nay dự kiến sẽ tăng hơn năm trước, bởi đến thời điểm tháng 10 đã ghi nhận 1.015 lao động đi làm tại các công ty, doanh nghiệp. Các hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để nhiều người dân biết đến hơn và tạo việc làm ổn định, đảm bảo cho nhiều lao động địa phương.

Mới đây, ngày 24/10, trên một tài khoản facebook tên Ha Cường chia sẻ bức ảnh và câu chuyện về 6 lao động (cả nam và nữ) được cho là người dân xã Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông đi làm thuê ở Hải Phòng bị chủ quỵt tiền. Họ đi bộ 3 ngày liền từ Hải Phòng đến Hòa Bình thì may mắn được người dân địa phương giúp đỡ chỗ ăn, nghỉ, sau đó được một xe khách chở miễn phí về đến TP. Ðiện Biên Phủ. Chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa xác minh được sự việc. Dù thực hư thế nào, đây cũng là thông tin cảnh tỉnh cho những ai có ý định đi làm ăn xa không có hợp đồng lao động. Và mong sau những câu chuyện đã đề cập trong bài viết, người lao động trên địa bàn tỉnh sẽ có sự tìm hiểu kĩ hơn để tránh rủi ro và nắm bắt cơ hội từ các chương trình giới thiệu, hỗ trợ giải quyết việc làm chính đáng có được lựa chọn đúng đắn khi có nhu cầu làm việc ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top