Hiệu quả dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

09:16 - Thứ Hai, 04/11/2019 Lượt xem: 10834 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác tổ chức 12 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 420 hội viên thuộc các xã của huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ. Trong đó có 6 lớp dạy kỹ thuật trồng nấm, 4 lớp trồng cây ăn quả (cam, bưởi, xoài, nhãn), 1 lớp trồng ngô, 1 lớp nuôi cá nước ngọt. Các lớp dạy nghề được tổ chức dựa trên khảo sát nhu cầu, nguyện vọng học của nông dân các địa bàn và được bà con ủng hộ, nhiệt tình đăng ký tham gia. Mỗi lớp kéo dài 44 ngày với 280 tiết, gồm 30 tiết lý thuyết, còn lại là thực hành. Khi kết thúc thời gian học, các lớp đều có sản phẩm, đánh giá được kết quả học tập, vận dụng kiến thức.

Chị Cà Thị Diện, bản Co Củ, xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ kiểm tra rơm ủ để trồng nấm.

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Một số nghề được dạy là tương đối mới với phần lớn người dân như trồng nấm, trồng bưởi, cam. Cũng có những lớp là nghề mà nông dân đang làm. Dù là nghề mới hay đã quen thuộc, việc học hỏi, cập nhật thêm kiến thức, kỹ thuật là rất cần thiết. Ðặc biệt trong các lớp học, chúng tôi dành phần lớn thời gian để học viên thực hành bằng cách chọn một hộ trong lớp có đủ điều kiện về diện tích trồng trọt, chăn nuôi hoặc có sẵn vườn cây, ao cá (với lớp dạy trồng cây, nuôi cá nước ngọt); hỗ trợ giống cây hoặc con xây dựng mô hình để hướng dẫn và cho chính học viên thực hành (cho ăn, chăm sóc, phòng trị bênh…). Kết thúc mỗi lớp dạy nghề, học viên đều đánh giá cao kiến thức học được và vận dụng tốt vào thực tế phát triển kinh tế gia đình.

Trong năm, nông dân xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ được tổ chức 1 lớp dạy nghề trồng nấm cho 35 hội viên. Lớp dạy nghề kéo dài từ tháng 8 - 10, ngay sau khi kết thúc lớp học đã có 1 nhóm hộ (5 gia đình) bản Co Củ cùng nhau ủ rơm chung để chuẩn bị các công đoạn trồng nấm sò. Mỗi hộ dự kiến trồng 5kg nấm giống. Chị Cà Thị Diện, học viên tham gia lớp dạy nghề và hiện đang ủ rơm chung với các gia đình cho biết: Trước đây gia đình tôi chưa trồng nấm bao giờ. Khi đi thăm anh chị em ngoài xã, thấy nhiều nhà trồng nấm, ăn ngon mà giá khá cao nên khi có cơ hội học, tôi liền đăng ký tham gia. Ban đầu nghĩ trồng nấm rất khó, kỳ công nhưng khi học, được thực hành, tôi thấy công việc này cũng khá đơn giản. Trong quá trình học, lớp tôi thu hoạch được rất nhiều nấm, các học viên thường xuyên hái về ăn và thỉnh thoảng hái bán gây quỹ lớp. Vì vậy học xong, lại vừa kết thúc mùa gặt có sẵn rơm, tôi cùng một số chị em khác bắt tay vào trồng thử nghiệm tại nhà luôn.

Còn tại xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên, 4 lớp dạy nghề nông nghiệp đã được tổ chức trong năm, bao gồm 2 lớp trồng cây ăn quả, 1 lớp trồng ngô, 1 lớp trồng nấm. Sau lớp học, các hộ dân đều áp dụng tốt kiến thức để tăng năng suất, hiệu quả trồng trọt.  Ông  Lường Văn Yên, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Các lớp dạy nghề có hiệu quả rất tốt. Tiêu biểu có thể kể đến lớp học trồng ngô tại cả các bản học trong năm nay và năm trước (bản Mển, bản Na Lốm). Trước đây, năng suất ngô trung bình đạt 45 - 47 tạ/ha, sau lớp học nhờ trồng và chăm bón đúng kỹ thuật, năng suất ngô tại các bản này tăng lên trung bình 55 tạ/ha. Người dân rất phấn khởi. Vì vậy, bà con còn tích cực trồng ngô vụ 3. Thu nhập từ trồng cây nông nghiệp tăng, người dân càng thêm bám đồng ruộng và mở rộng diện tích lên nhiều hơn các năm trước.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top