Triển khai Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm”

08:40 - Thứ Tư, 06/11/2019 Lượt xem: 11226 In bài viết

ĐBP - Nhằm hướng tới mục tiêu đáp ứng các tiêu chí về chợ an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân, Sở Công Thương vừa triển khai Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP” tại chợ Noong Bua (phường Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ). Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020.

Khu vực bày bán thực phẩm tươi sống tại Chợ Noong Bua được bố trí riêng.

Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP” thuộc chương trình mục tiêu y tế và dân số do Bộ Công Thương thực hiện nhằm đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện dự án sẽ tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong việc đảm bảo ATTP; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của đơn vị quản lý chợ.

Ðể triển khai dự án hiệu quả, căn cứ các tiêu chí cụ thể về chợ bảo đảm ATTP, Sở Công Thương đã tiến hành khảo sát, đánh giá các chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh với những tiêu chí, như: Hiện trạng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công tác bảo vệ môi trường, sắp xếp bố trí hàng hóa thực phẩm… và đã lựa chọn chợ Noong Bua để thực hiện dự án. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Ðiện tử (Sở Công Thương) cho biết: Việc lựa chọn chợ Noong Bua để triển khai dự án mô hình thí điểm là do chợ cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của dự án. So với những chợ khác trên địa bàn, đi vào hoạt động từ cuối năm 2011 nhưng chợ Noong Bua có khu kinh doanh thực phẩm riêng biệt, khu bày bán thực phẩm tươi sống tách biệt với khu bày bán thực phẩm đã qua chế biến; đa phần các hộ kinh doanh tại chợ là những hộ kinh doanh cố định… Với diện tích khoảng 2.000m2, chợ Noong Bua là một trong những chợ có sức mua cao, nguồn cung ứng thực phẩm dồi dào. Hiện chợ có gần 180 hộ kinh doanh, trong đó khoảng 120 hộ kinh doanh thực phẩm, như: Thủy sản, gia súc, gia cầm, rau, củ, quả…

Từ nguồn kinh phí 250 triệu đồng do Bộ Công Thương cấp năm 2019, Sở đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố, UBND phường Noong Bua để có phương án triển khai mô hình. Ðồng thời, tổ chức cho cán bộ quản lý Nhà nước của các đơn vị liên quan đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại tỉnh Sơn La, Hòa Bình. Theo đó, sau khi tham quan học tập mô hình tại các tỉnh khác, vào giữa tháng 10 vừa qua, Sở đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, nguyên nhân, cách nhận biết về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm và các biện pháp phòng chống sự cố về ATTP; cách nhận diện thực phẩm an toàn; khuyến cáo những tác hại xấu tới sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm không an toàn; thông tin về dự án, những điều kiện để chợ đáp ứng theo chuẩn TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ. Từ nay đến cuối tháng 11, Sở sẽ tiến hành hỗ trợ các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ một số trang thiết bị đáp ứng tiêu chí chợ ATTP, như: Bàn, giá, kệ hàng, tên biển hiệu, sọt đựng rác…

Ông Hoàng Công Hinh, Phó Ban quản lý chợ Noong Bua cho biết: Ðể cùng với các đơn vị triển khai tốt mô hình, Ban Quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, vận động các tiểu thương thực hiện tốt những tiêu chí về vệ sinh ATTP. Với những hộ kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không có bao gói, cần sử dụng găng tay, khẩu trang, thức ăn có dụng cụ che đậy; hàng thịt nên sử dụng mặt bàn inox để dễ vệ sinh… Ðồng thời, thường xuyên nhắc nhở tiểu thương giữ gìn vệ sinh, tự dọn dẹp rác thải tại khu vực bán hàng vào cuối giờ. Cùng với đó, Ban Quản lý chợ bố trí người dọn dẹp vệ sinh chợ, nhà vệ sinh hàng ngày… Mặt khác, tích cực giám sát hàng hóa hàng ngày đưa vào kinh doanh tại chợ để kịp thời thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

Là tiểu thương kinh doanh thịt lợn lâu năm tại chợ Noong Bua, chị Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Hiện nay, tôi và các hộ kinh doanh thịt khác tại chợ hầu như đều sử dụng mặt bàn bằng gỗ và trải bìa cát tông để bày bán thịt, vì nghĩ rằng thịt để trên bìa cát tông sẽ khô ráo hơn, nhìn ngon và bắt mắt hơn. Nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích về nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP khi bày bán hàng hóa trên bìa cát tông, tôi đã chủ động thay mặt bàn bằng inox để thuận tiện cho việc vệ sinh cũng như đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, với những kiến thức được trang bị, tôi nhận thấy rằng nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm rất quan trọng nên sẽ tuân thủ việc lấy hàng ở nơi uy tín, chất lượng có xuất xứ rõ ràng”.

Việc xây dựng Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP” đem lại lợi ích thiết thực cho cả người bán và người mua, nâng cao kiến thức và trách nhiệm trong kinh doanh về ATTP. Người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn những hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không ảnh hưởng đến sức khỏe và thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực. Vì vậy, để dự án được triển khai hiệu quả và có thể nhân rộng thì rất cần sự chung tay, nỗ lực của chính quyền địa phương và cả người tham gia mua, bán.

Bài, ảnh: Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top