Những đảng viên kiên trung nơi địa đầu Tổ quốc

08:37 - Thứ Năm, 07/11/2019 Lượt xem: 11477 In bài viết

ĐBP - Từ khi chi bộ Ðảng đầu tiên được thành lập ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé đến nay, lớp lớp cán bộ, đảng viên - những người tiên phong nơi địa đầu Tổ quốc luôn một lòng đi theo Ðảng, đoàn kết, chung sức lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập và bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của cha ông để lại, xây dựng quê hương Mường Nhé ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp...

Ông Lỳ Xuyến Phù, Bí thư Chi bộ bản A Pa Chải luôn gìn giữ, phát huy vai trò của những đảng viên tiên phong.

Một sớm mùa thu, đoàn chúng tôi lặng lẽ rời trung tâm Mường Thò (theo tiếng Thái có nghĩa là Mường Nhé), ngược  gần 60km tìm về xã Sín Thầu. Cuốc bộ dọc theo những triền núi trùng điệp, chúng tôi tới bản A Pa Chải - “thủ phủ” của người Hà Nhì nơi biên viễn. Ðón chúng tôi, từ chân con dốc nhỏ là ông Lỳ Xuyến Phù, nguyên Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, người con của núi rừng đã vào sinh ra tử cùng với bộ đội bảo vệ mảnh đất biên cương. Mặc dù đã ngoài 60 tuổi “tóc bạc, da mồi”, nhưng với người dân nơi đây, ông chính là người đảng viên “tiên phong” trong mọi hoạt động, không nề hà bất cứ việc gì của bản, tận tình giúp đỡ bà con xóa đói, giảm nghèo.

Trong ngôi nhà trình tường đơn sơ, truyền thống của người Hà Nhì, ông Lỳ Xuyến Phù, bồi hồi nhớ lại: “Những năm đầu của thập niên 70, để xóa “giặc dốt”, ông lặn lội cuốc bộ 9 ngày đêm vượt sông, suối qua gần 300km đường đồi núi về Trường Thiếu niên Dân tộc tỉnh để theo học con chữ. Ðang học dở lớp 4 thì ông nhận được tin anh trai hi sinh khi đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ðành tạm gác lại chuyện học hành, ông trở về quê hương, gánh vác công việc đồng áng, thay các anh chăm lo cho bố mẹ. Là người thông minh, hiền lành, chịu khó, ông Lỳ Xuyến Phù được lãnh đạo xã lúc bấy giờ tín nhiệm bố trí làm kế toán hợp tác xã, công an viên... rồi làm trung đội trưởng dân quân xã. Năm 1979, khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới, ông trực tiếp cầm súng, cùng bộ đội biên phòng chiến đấu tại điểm cao 1296 (bản A Pa Chải); bảo vệ vững chắc bản mường, đường biên, cột mốc. Cũng trong năm 1979, ông Lỳ Xuyến Phù vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng.

Biên giới vững, lòng dân yên, ông Lỳ Xuyến Phù được nhân dân tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Chủ tịch UBND rồi Bí thư Ðảng ủy xã, Chủ tịch HÐND xã... Trên cương vị nào ông Phù cũng gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phát huy tính tiên phong của người đảng viên “đi trước về sau”. Ðặc biệt, khi đất nước ở thời kỳ bao cấp, cuộc sống khốn khó, ông Lỳ Xuyến Phù tiếp tục cùng bà con nơi đây đánh đuổi “giặc đói”. Ông Phù nhớ lại: “Ngày trước cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều hủ tục. Người dân quanh năm vất vả mà vẫn không đủ ăn đủ mặc; trẻ em không được đến trường, bản mường luẩn quẩn trong đói nghèo, khổ cực… nhưng nay đã khác nhiều. Trên mỗi cương vị khác nhau, ông Lỳ Xuyến Phù không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn là một trong những người tiêu biểu của xã với nhiều đóng góp tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản văn hóa. Tạo niềm tin trong nhân dân, ông luôn kiên nhẫn đến từng nhà, gõ từng cửa để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tình cảnh của người dân. Với uy tín của mình, ông Phù nói ai cũng nghe, cũng tin. Bằng nhiều cách tiếp cận, ông luôn là cầu nối giữa ý Ðảng - lòng dân, đưa những chủ trương, đường lối của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Trở về bên gia đình, sau gần 30 năm cống hiến cho đất nước, nhưng với sự tín nhiệm của bà con ông tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, người có uy tín của bản. Trên cương vị người đứng đầu bản, ông tiếp tục vận động bà con áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, chăm lo việc học hành cho con em... Ðến nay, cơ bản các tuyến đường nội bản của xã Sín Thầu đã được bê tông hóa, điện lưới, nhà văn hóa đã được xây dựng và đưa vào sử dụng; tỷ lệ hộ nghèo trong bản giảm còn 6 hộ, nhiều hộ đạt gia đình văn hóa. Noi gương ông, trong bản cũng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế giỏi, với thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/năm.

Tiếp tục men theo con đường mòn quanh co, hai bên là những cánh rừng xanh ngát, chúng tôi tìm về bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cống (dân tộc rất ít người). Bên ấm trà nóng, già làng Chảo Văn Sơ, một trong những lớp đảng viên đầu tiên của dân tộc Cống kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thuở đầu “hạ sơn, lập bản” với bao khó khăn, vất vả tưởng chừng không vượt lên được. Ông Sơ bộc bạch: “Xuất phát từ cái nghèo, nhất là nghèo con chữ, nên dù có đất đai màu mỡ mà không biết trồng, không biết cày cấy; có đồng cỏ xanh bạt ngàn mà không biết chăn nuôi con gì… Bởi vậy, nhiều năm liền gia đình tôi và nhiều hộ khác luôn thiếu đói, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ðặc biệt, tôi là đảng viên mà gia đình cứ luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo thì làm sao tuyên truyền, vận động mọi người xung quanh thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả”. Từ những trăn trở đó, với quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nhận thấy tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi, bằng số tiền tích góp, ông vay thêm vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư xây dựng chuồng trại, mua trâu, bò giống về chăn nuôi. Lúc ấy bà con trong bản còn bảo ông liều, bởi vì chăn nuôi nhiều như vậy nhỡ dịch bệnh là đi tong cả cơ nghiệp. Trải qua những tháng ngày gian khó, với sự phấn đấu bền bỉ, giờ đây đảng viên Chảo Văn Sơ đã có một cơ ngơi khang trang, thu nhập gần 80 triệu đồng/năm.

Không chỉ tiên phong trên mặt trận kinh tế, đảng viên Chảo Văn Sơ còn tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, không tin, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, dụ dỗ lôi kéo vượt biên trái phép; không tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy, vũ khí vật liệu nổ… Ðể bảo vệ vững chắc đường biên cột mốc, ông tích cực vận động nhân dân luôn sát cánh, giúp đỡ lực lượng công an, bộ đội biên phòng trong đấu tranh phòng chống tội phạm qua biên giới, xâm nhập trái phép lãnh thổ Việt Nam… Khi phát hiện những biểu hiện vi phạm pháp luật, luận điệu tuyên truyền sai đường lối, vi phạm chủ quyền khu vực biên giới… Ông đều báo cáo cho lực lượng chức năng cũng như chính quyền xã để xử lý kịp thời, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Ðó chỉ là 2 trong số 2.166 đảng viên nơi biên viễn Mường Nhé đã và đang cống hiến, hết lòng vì sự đổi thay của bản mường. Dấu ấn của những đảng viên kiên trung, luôn một lòng tin và đi theo Ðảng đã hằn in sâu đậm trong mỗi nếp nhà, trên mỗi con đường huyện Mường Thò… Họ xứng đáng là “Những đảng viên kiên trung nơi địa đầu Tổ quốc”, để mỗi người dân nơi đây tự hào, học tập và noi theo.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top